|
Tàu Hoa Sen - một con tàu đầy tai tiếng của Vinashin. Ảnh: MH |
Quá “ham” đầu tư
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, đến đầu năm 2010 các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang quản lý số vốn 3.273.947 tỷ đồng, chiếm 37,2% tổng vốn kinh doanh của các DN trong cả nước. Tỷ lệ DNNN bị lỗ năm 2007 là 12,2%, năm 2008 là 12,8% và năm 2009 là 12,3%.
Năm 2011, các tập đoàn kinh tế (TĐKT) và các tổng công ty (Tcty) nhà nước đã cắt giảm, đình hoãn tiến độ tới 31,01% tổng số dự án đầu tư, tương ứng 10,72% tổng vốn đầu tư theo kế hoạch ban đầu. Số liệu này một mặt cho thấy các DN “tích cực” hưởng ứng chủ trương kiềm chế lạm phát của Chính phủ, nhưng mặt khác cũng cho thấy việc xây dựng kế hoạch và xét duyệt kế hoạch đầu tư của không ít DNNN chưa chặt chẽ, dàn trải. Không hiếm dự án chưa đủ điều kiện đầu tư vẫn quyết định đầu tư. Đơn cử, Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy trong hai năm 2007-2008 đã phê duyệt tới 8 dự án đầu tư có quy mô từ 1.240 – 8284 tỷ đồng với tổng mức đầu tư của các dự án này lên tới hơn 22 nghìn tỷ đồng, bằng 176,3% vốn điều lệ và bằng 338,5% vốn nhà nước tại tập đoàn này.
Báo cáo Kết quả tình hình thực hiện rà soát, điều chỉnh vốn kế hoạch năm 2011 của các TĐKT, Tcty nhà nước năm 2008 và năm 2011 của Bộ KH&ĐT cho thấy, nhiều tập đoàn và Tcty nhà nước còn quá “ham” đầu tư. Số liệu năm 2008 thể hiện, các TĐKT và Tcty nhà nước đã xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển với tổng giá trị bằng 24,8% tổng giá trị tài sản và 89,5% tổng vốn điều lệ; năm 2011, bằng khoảng 26% tổng giá trị tài sản và 72% vốn điều lệ.
Nhà nước nên rút lui dần?
Dự thảo Đề án của Bộ KH&ĐT đã đề ra các giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại DNNN, cụ thể như: giảm bớt số lượng ngành nghề của các công ty mẹ trong các TĐKT và Tcty nhà nước; thoái vốn Nhà nước tại các DN theo lộ trình… Đồng thời, yêu cầu các DNNN cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý và mô hình tổ chức thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước, đặc biệt là cần tăng cường quản lý, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của DNNN.
Theo các chuyên gia, dự thảo này chỉ dựa trên số liệu của Tổng cục Thống kê, nên bức tranh kinh doanh của DNNN vẫn hơi “hồng”, Ban soạn thảo nên lấy thêm nguồn thông tin từ Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương để làm rõ thực trạng sức khỏe DNNN. Các ý kiến cũng cho rằng, nên tách rõ công ty 100% vốn nhà nước, công ty cổ phần, công ty công ích …. Đồng thời, cần đưa ra các giải pháp cụ thể hơn, tránh những giải pháp chung chung, nên có kế hoạch phát triển nhân lực cho DNNN và nên hoãn tiến độ ký ban hành đề án tới quý II năm 2012 để tiếp thu thêm ý kiến các bộ, ngành và các chuyên gia kinh tế.
Đặc biệt, các ý kiến cho rằng, Nhà nước chỉ nên giữ lại cổ phần chi phối trong một số DNNN ngành an ninh, quốc phòng, năng lượng…, còn lại những ngành “ít quan trọng hơn” thì không nên “ôm” nữa.
Mai Hoa