Các đại biểu quốc hội sáng nay thảo luận về dự thảo Luật tiếp công dân của Chính phủ. Dự kiến, Dự luật này được thông qua trong kỳ họp thứ 6 QH khóa XIII. Nhiều ý kiến tập trung về việc có nên quy định số ngày tiếp dân của người đứng đầu cơ quan đơn vị có thẩm quyền?.
Phát biểu đầu phiên thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy, Tuyên Quang, cũng giống như tất cả đại biểu tham gia thảo luận đều cho rằng rất cần thiết phải ban hành Luật Tiếp công dân.
Với quan điểm của riêng mình, đại biểu tỉnh Tuyên Quang cho rằng dự thảo luật còn nhiều điều khoản chưa chặt chẽ, chưa giải quyết được những vướng mắc đang tồn tại trong công tác tiếp người dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
|
Trụ sở tiếp công dân nên quy định ở nơi công khai, rộng rãi. Hình minh họa. |
“Dự thảo mới chỉ tập trung vào quy định về đón tiếp, lắng nghe, mà chưa bàn đến việc giải quyết như thế nào, trong khi đó việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của người dân như thế nào mới là mục đích chính của việc ban hành luật”, bà nói.
Liên quan đến việc bố trí nhân lực tiếp dân, theo đại biểu này, nếu người đón tiếp có thể giải quyết được trực tiếp thì sẽ hạn chế được rất nhiều việc tồn đọng đơn từ, giải quyết được các loại đơn thư vượt cấp. Bởi lý do đó, bà đưa ra kiến nghị: nên gắn việc tiếp công dân với những người có thẩm quyền giải quyết đơn thư.
Cũng theo bà Thúy, không nên quy định cứng nhắc về việc những người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền liên quan đến công tác tiếp dân phải làm công tác này kiểu “đến hẹn lại lên” 1 tuần, 1 tháng mấy buổi. Bà Thúy phân tích: Có những cơ quan thì cả năm lại không có khiếu nại, tố cáo nào, trong khi đó có nhiều nơi thì đơn thư lại chất chồng.
Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) chung quan điểm. Ông Cương dẫn chứng, có nhiều trường hợp người đứng đầu không trực tiếp tiếp công dân mà đơn thư vẫn được giải quyết. “Do đó, theo tôi, chỉ nên quy định người đứng đầu phải trực tiếp tiếp dân trong một số trường hợp nhất định", ông Cương nói.
Tương đối thống nhất quan điểm, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị: Trách nhiệm của việc tiếp công dân không phải chỉ là “lắng nghe”. Và không nhất thiết phải là mấy ngày, mấy buổi trong tháng. Theo bà Thủy, Dự thảo cần quy định quy trình, trách nhiệm của cơ quan, người đứng đầu trong việc tiếp dân. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng tiếp công dân còn mang tính hình thức, nhiều cán bộ còn biểu hiện quan liêu, hách dịch, thậm chí thờ ơ vô cảm.
Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) đề nghị nên đưa vào dự luật quy định cụ thể hơn về địa điểm tiếp công dân. Theo đó, nơi tiếp công dân phải được công khai, rộng rãi.
Về người làm nhiệm vụ tiếp công dân theo đại biểu tỉnh Trà Vinh phải là người “có tâm, có tầm”. Đại biểu tỉnh Trà Vinh cũng đề nghị nên đưa vào dự luật những quy định về các khoản chi phí cần thiết để làm công tác tiếp công dân.
Về địa vị pháp lý của trụ sở tiếp công dân, nhiều đại biểu thống nhất ý kiến không nên xác định đây là một tổ chức có con dấu riêng. “Không nên hình thành một cơ quan trung gian giữa người khiếu nại và cơ quan giải quyết khiếu nại”, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy (Hòa Bình) nói.
Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre), đại biểu Y Mửi (Kon Tum) cũng có ý kiến: Cơ quan này chỉ nên là nơi “nhận”.
Nhật Thanh