“Chúng tôi đã hỗ trợ hơn 60 tỉnh xây dựng chương trình hành động để tận dụng cơ hội hội nhập mang lại. Nhưng vừa qua khi chúng tôi quay lại và hỏi đến thì nhiều tỉnh không nhớ chương trình đó để ở đâu”, ông Phan Chí Thành, Văn phòng Chính phủ cho biết…
Lợi thì có lợi…
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế (KT), HNKTQT - đặc biệt là việc gia nhập Tổ chức thương mại thế giới WTO đã mang lại nhiều lợi ích, đã thúc đẩy phát triển KT; mở rộng thị trường, tạo điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu; tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN); cải thiện hiệu quả phân bổ nguồn lực; khơi dậy những tiềm năng to lớn của dân tộc; góp phần quan trọng vào tăng trưởng KT, tạo việc làm, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo…
|
Tuy nhiên, hội nhập KT sâu rộng cũng đã đem lại một số tác động và kết quả không mong muốn. Theo TS.Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng CIEM, Việt Nam dễ bị tổn thương hơn trước các biến động của nền KT thế giới; nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng một số bất ổn KT vĩ mô diễn ra nhanh hơn, khó lường hơn; một số ngành SX gặp khó khăn trong điều kiện cạnh tranh gay gắt hơn… Một số dự án ĐTNN tiềm ẩn rủi ro và thách thức xét về cơ cấu đầu tư theo ngành, năng lực của các nhà đầu tư, mức độ phù hợp với lợi thế của nền KT và lợi ích quốc gia, mục tiêu phát triển bền vững. Nhập khẩu và nhập siêu tăng cao đe dọa ổn định KT vĩ mô. Lợi ích của HNKTQT chậm lan tỏa đến nông nghiệp, nông thôn, và khu vực này có nguy cơ bị tụt hậu trong hơn 3 năm đầu gia nhập WTO. Bất bình đẳng về thu nhập có xu hướng tăng lên… Theo ông Tuyển, “vhúng ta chưa tận dụng tối đa các cơ hội mà hội nhập mang lại”.
Lúng túng
Vấn đề được đặt ra là tại sao hội nhập chưa hiệu quả, chưa tận dụng được cơ hội tạo ra? Ông Phan Chí Thành - Văn phòng Chính phủ, nhìn nhận: “Chúng ta đang phải khắc phục những tác động tiêu cực từ hội nhập mang lại…”. Trực tiếp tham gia vào quá trình đàm phán WTO, ông Trương Đình Tuyển cho rằng, do chúng ta đã hăng hái quá mức cần thiết, quá chủ động để đàm phán, để hội nhập nhưng trong nước lại không rốt ráo chuẩn bị kỹ nên thiếu chủ động trước tác động của hội nhập.
Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ KH&ĐT) - ông Nguyễn Hoa Cương cho rằng, người SX và DN là đối tượng chính chịu tác động của hội nhập, đối tượng chính để nâng cao hiệu quả hội nhập, thế nhưng họ chưa nhận thức hết được tác động của hội nhập, chưa kịp chuẩn bị để điều chỉnh và thích ứng nên đã bị thua thiệt. Đặc biệt, chưa tận dụng các điều khoản WTO để bảo vệ các ngành SX trong nước còn non yếu, trong khi vẫn tiếp tục phải đối mặt với các vụ kiện chống bán phá giá, chống trợ cấp…
Hỗ trợ theo... phong trào?
Ngay sau khi gia nhập WTO, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động, các tỉnh các bộ ngành cũng rầm rộ xây dựng Chương trình hành động hậu WTO. Các cuộc Hội thảo, các chương trình “ăn theo” WTO cũng “trăm hoa đua nở” thế nhưng cũng chẳng ai biết được các hoạt động đó đi đến đâu.“Chúng tôi đã hỗ trợ hơn 60 tỉnh và bộ xây dựng chương trình hành động để tận dụng cơ hội hội nhập mang lại. Nhưng vừa qua khi chúng tôi quay lại và hỏi đến thì nhiều tỉnh không nhớ chương trình đó để ở đâu”- ông Phan Chí Thành cho biết. Theo TS.Võ Trí Thành, phần lớn các chương trình hành động đó chỉ được xây dựng xong và cất ngăn kéo. Theo ông Thành, có lẽ nếu là một Nghị quyết thì có sức nặng hơn chăng, sẽ được mọi người quan tâm thực hiện và dứt khoát phải thực hiện.
Được biết, Chính phủ đang dự thảo một nghị quyết với nội dung đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của HNKTQT giai đoạn 2011-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Nghị quyết sẽ đánh giá lại tình hình hội nhập thời gian qua, và đưa ra các giải pháp chủ yếu để nâng cao hiệu quả hội nhập. Bản dự thảo nghị quyết sẽ được trình Chính phủ trong những ngày cuối tháng 1 này. Hy vọng, nghị quyết sẽ đưa ra những giải pháp hữu hiệu và được thực hiện nghiêm túc để tận dụng tối đa các cơ hội, vượt qua thách thức do hội nhập mang lại đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững...
Linh Lan