Không nương tay với hành vi 'tiếp tay'

(PLO) - Đường dây buôn lậu xăng dầu nghìn tỷ ở Bình Thuận đã bị phanh phui và đáng chú ý là nhờ có sự “tiếp tay” đắc lực của các cán bộ hải quan ở địa phương này nó mới được tồn tại và “sống khỏe” đến thế.
Bị can Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú.
Bị can Nguyễn Thanh Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Dương Đông Hòa Phú.

Sắp tới, vụ buôn lậu xăng dầu được cho là lớn nhất từ trước đến nay này sẽ được đưa ra xét xử với các tội danh “buôn lậu”, “đưa và nhận hối lộ”. Chỉ có một bị cáo là cán bộ hải quan Bình Thuận trong vụ án này, những người khác chịu trách nhiệm liên đới chịu xử lý hành chính, nhưng có lẽ sự việc không dừng lại ở đó khi các bị cáo khai báo trước tòa. Nếu chỉ có một cán bộ hải quan “tiếp tay” e rằng vụ buôn lậu xăng dầu này không “khủng” tới mức đó được!

Cũng tại thời điểm này, phóng sự trên một tờ báo lột tả  “nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa – nhận tại Hải quan Hải Phòng”. Không khí sôi động đó được cận cảnh một cách khá chi tiết cho thấy Hải quan không chỉ “tiếp tay” mà còn “làm luật”, mặc kệ những lời thề liêm khiết mà ngành này đang thực hiện. Các vụ việc này khiến người ta nhớ lại trường hợp một nhân viên Hải quan chỉ đi vắng mấy ngày mà trong nhà anh ta khi khám xét phát hiện gần 1 tỷ đồng trong các phong bì từ doanh nghiệp làm thủ tục “thông quan”, hoặc, xa hơn đã có những vụ án đình đám mà bị cáo ở đơn vị chống buôn lậu của Hải quan trở thành “chống lưng” cho buôn lậu.

Tiếp tục phát hiện và tống giam một số tướng lĩnh Công an “tiếp tay” cho việc đánh bạc, rửa tiền trong lĩnh vực công nghệ cao, khẳng định chống tham nhũng không có vùng cấm, là việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương đội ngũ cán bộ, không thể “bỏ qua” các trường hợp lãnh đạo Ngân hàng “tiếp tay” cho ngân hàng thương mại chiếm dụng vốn, Kiểm lâm “tiếp tay” cho “lâm tặc”, cán bộ Quản lý thị trường “tiếp tay” cho tiêu thụ hàng giả, chính quyền địa phương “tiếp tay” cho khai thác cát lậu... 

Thực tế, những hành vi “tiếp tay” của các cán bộ, công chức cho các hoạt động trái pháp luật diễn ra khá phổ biến. Phá rừng hay khai thác khoáng sản trái phép, buôn lậu hay gây ô nhiễm môi trường, xây dựng không phép hay đền bù không thỏa đáng..., mỗi vụ đều có bóng dáng các quan chức “chống lưng” đằng sau đó, chỉ có điều chưa đi đến tận cùng ngóc ngách của sự “bảo kê”, “tiếp tay” mà thôi!

Nay, sự thể đã khác đi nhiều, những lớp dây dợ lằng nhằng ẩn giấu lần lượt bị bóc tách, lộ ra những thủ đoạn làm tiền gớm ghiếc và tất yếu phải nhận sự trừng phạt của pháp luật. Đó chính là sự bảo vệ công bằng xã hội, cổ vũ những người làm ăn chân chính, tạo điều kiện để thúc đẩy kinh tế phát triển trong sự ổn định xã hội.

Đọc thêm