Không nương tay với quan chức tham nhũng

(PLO) - “Sửa đổi để không còn tình trạng tùy tiện trong định tội, buộc tội, xử lý…” là yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đối với Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng qua 7/4.
Ngoài việc phi tội phạm hóa đối với một số hành vi, Dự thảo Bộ luật cũng bổ sung qui định là tội phạm đối với nhiều hành vi trong lĩnh vực kinh tế, môi trường và thể hiện tinh thần đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong việc xử lý người phạm tội; tôn trọng và bảo đảm thực thi đầy đủ quyền con người, quyền công dân được ghi nhận trong Hiến pháp 2013.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Nên qui định chung thân không ân giảm
Chính phủ đề xuất bỏ hình phạt tử hình đối với 7/22 tội danh vẫn còn quy định hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự (BLHS). Trong đó, không đặt vấn đề bỏ hình phạt tử hình đối với tội tham ô tài sản và tội nhận hối lộ. 
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, đây là hai tội phạm tham nhũng đặc trưng nhất, nghiêm trọng nhất, nếu bỏ hình phạt tử hình là chưa phù hợp, sẽ dẫn đến cách hiểu là pháp luật “nương tay” với các quan chức tham nhũng và không được nhân dân đồng tình ủng hộ”.
Các ý kiến đều thống nhất quan điểm về tiêu chí giảm tử hình cũng như chủ trương sửa đổi, bổ sung các quy định của BLHS về hình phạt tử hình nhằm thể hiện sự nhân đạo của Nhà nước và thực hiện các mục tiêu cải cách tư pháp. 
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, có thể cân nhắc để bỏ hình phạt tử hình ở các tội khác có tính chất vụ lợi mà không nên bỏ hình phạt tử hình đối với các tội: phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược,  chống loài người, tội phạm chiến tranh.
Đồng tình với chủ trương giảm án tử hình trong Dự thảo BLHS (sửa đổi), vấn đề được ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách đưa ra là “cần thể hiện được quyền sống trong BLHS thì giảm 7 tội danh vẫn ít”. 
Ông Ksor Phước – Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề xuất “nên qui định hình phạt chung thân không ân giảm”, nhất là đối với tội phạm ma túy, để áp dụng cho các trường hợp nhân đạo, vì lý do đặc biệt không phải thi hành án tử hình.
Tránh “núp bóng” pháp nhân để che giấu trách nhiệm cá nhân
Chính phủ tiếp tục đề xuất bổ sung trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS trong lần sửa đổi này, chủ yếu tập trung vào nhóm tội phạm về kinh tế, môi trường và một số tội phạm khác theo yêu cầu hội nhập quốc tế. 
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết:  “Việc Dự thảo Bộ luật thể hiện phương án quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với 15 tội danh là thể hiện sự thận trọng cần thiết đối với một vấn đề hết sức phức tạp”.
Nhưng vẫn có ý kiến đề nghị nghiên cứu, mở rộng thêm diện các tội danh mà pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự nhằm bảo đảm bao quát đầy đủ các hành vi pháp nhân có thể vi phạm đến mức phải bị xử lý hình sự, như: hành vi sản xuất và buôn bán hàng giả hay hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; vi phạm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm... để phù hợp với thực tiễn trong thời gian vừa qua.
Ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó Trưởng ban Nội chính TƯ đồng tình bổ sung qui định về trách nhiệm pháp nhân trong Dự thảo BLHS (sửa đổi) vì vi phạm của pháp nhân ngày càng gia tăng, có việc chuyển hóa vi phạm từ lĩnh vực công sang lĩnh vực tư, trong đó có tội phạm tham nhũng, mà cơ chế xử lý hành chính chưa đủ sức răn đe. 
Bên cạnh đó, bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội nhận thấy, pháp luật hình sự mới cá thể hóa trách nhiệm cá nhân nhưng chưa xử lý trách nhiệm pháp nhân là không công bằng.
Thực tế, nhiều cá nhân chỉ thi hành quyết định của tập thể lãnh đạo lại phải chịu trách nhiệm hình sự, còn tập thể ra quyết định lại vô can. Vì vậy, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nhấn mạnh sự cần thiết qui định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân song “phải xác định rõ dấu hiệu, tránh “núp bóng” pháp nhân để che giấu trách nhiệm cá nhân”. 
Thu hẹp phạm vi áp dụng  biện pháp điều tra đặc biệt 
Chiều 6/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự án Bộ luật Tố tụng Hình sự (BLTTHS  - sửa đổi). 
Một trong những vấn đề lớn còn gây tranh cãi trong Dự thảo là việc áp dụng các biện pháp điều tra đặc biệt (BPĐTĐB) trong tố tụng hình sự. Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp (UBTP), đây là vấn đề rất phức tạp liên quan đến an ninh trật tự, đến bí mật điều tra khám phá vụ án, đến quyền con người, quyền công dân. 
Vì vậy, để cụ thể hóa yêu cầu của Hiến pháp 2013, bảo đảm thực thi các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và cũng là để mở rộng nguồn chứng cứ vụ án, việc ghi nhận trong BLTTHS (sửa đổi) một số BPĐTĐB ảnh hưởng đến quyền con người, quyền công dân là cần thiết.
Song, UBTP cho rằng Dự thảo còn một số nội dung quy định chưa chặt chẽ về vấn đề này nên đề nghị cân nhắc thu hẹp phạm vi áp dụng BPĐTĐB chỉ đối với một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thuộc loại tội xâm phạm an ninh quốc gia, ma túy, tội khủng bố, rửa tiền và tội phạm về tham nhũng; cân nhắc để xác định thời điểm áp dụng BPĐTĐB hợp lý như khi đã xác định được đối tượng nghi vấn, hoặc kể từ khi khởi tố bị can, tránh lạm dụng, áp dụng tràn lan; ghi rõ quy định những BPĐTĐB trực tiếp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong BLTTHS, không để văn bản dưới luật quy định; nêu rõ BPĐTĐB được áp dụng với ai, trong thời hạn bao lâu cũng như người ra quyết định áp dụng và người có thẩm quyền phê chuẩn quyết định áp dụng.
Nhất trí với báo cáo của UBTP, Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Sơn đề xuất thu hẹp phạm vi áp dụng và thực hiện nhiệm vụ một cách có trách nhiệm và đề nghị  xem xét giao cho Tòa án là cơ quan có trách nhiệm trong việc đứng ra cho phép áp dụng các BPĐTĐB. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhất trí phải qui định rõ các biện pháp cũng như cơ quan giám sát thực hiện, cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn việc áp dụng BPĐTĐB.  

Đọc thêm