Không quyết liệt tháo gỡ sẽ có nguy cơ thiếu điện

(PLVN) - Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, điện năng có vai trò đặc biệt quan trọng, không thể thiếu và là một nhân tố quyết định thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước. Những năm qua, đã có sự nỗ lực, cố gắng đầu tư phát triển hệ thống điện. Tuy nhiên việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn như rất nhiều đại biểu đã nêu.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

“Nếu chúng ta không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới. Chúng ta thấy cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh. Quy hoạch Điện 7 quy hoạch với tổng công suất nguồn của các giai đoạn không có thay đổi đáng kể nhưng thay đổi cơ cấu, từ đó dẫn đến chúng ta phải điều chỉnh quy hoạch. Nếu không sẽ rất khó đáp ứng yêu cầu đủ điện cho sản xuất”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cơ cấu nguồn điện có sự thay đổi lớn (so với Quy hoạch điện 7 điều chỉnh) do: Dừng phát triển điện hạt nhân, các dự án nhiệt điện than gặp nhiều khó khăn do có quan ngại về ô nhiễm môi trường, nguồn thủy điện có nhiều ưu điển thì cơ bản hết công suất khai thác (khoảng 20.000 MW).

Nhiều dự án lớn chậm tiến độ, cụ thể trong số 60 dự án có công suất từ 200 MW trở lên, có đến 35 dự án chậm tiến độ từ 1-5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa, với công suất khoảng 39.000 MW, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.

Do đó, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh Quy hoạch điện 7 nhằm bổ sung thêm các nguồn điện. Trong đó, đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt này. Hơn nữa nguồn điện mặt trời, điện gió có rất nhiều ưu việt như không ô nhiễm môi trường, không tốn nhiên liệu.

Bên cạnh đó, giá điện có xu hướng giảm và đầu tư phân tán và là điện sạch nên rất dễ huy động nguồn vốn không chỉ trong nước, phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, mà còn huy động được nguồn vốn nước ngoài.

Chưa đầy 2 năm, ngành điện đã huy động được khoảng 4.500 MW điện mặt trời và gần 400 MW điện gió, từ đó góp phần bù đắp lại phần thiếu hụt điện và đáp ứng yêu cầu cung ứng đủ điện cho phát triển sản xuất và sinh hoạt của người dân.

“Cái khó thứ hai là nhu cầu đầu tư phát triển nguồn điện, lưới điện rất lớn”, Phó Thủ tướng đánh giá, đồng thời cho biết, sơ bộ đánh giá thì từ nay đến năm 2030, chúng ta cần vốn đầu tư khoảng 130 tỷ USD (bình quân khoảng 12 tỷ USD/năm), trong đó khoảng 9 tỷ USD cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ USD đầu tư cho lưới điện.

“Như vậy là rất khó để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư này và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh. Ngoài ra, nguồn điện tái tạo nhiều địa phương hiện nay còn rất khó khăn do việc đầu tư đường dây tải điện chậm hơn so với việc đầu tư nguồn điện và thiếu đồng bộ. Theo Phó Thủ tướng, đây cũng là một hạn chế cần phải tìm rõ nguyên nhân.

Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới, đặc biệt là giai đoạn 2021 đến năm 2030, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tập trung vào một số giải pháp trọng yếu. Trước hết là phải tập trung lập Quy hoạch Điện 8 giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2050 theo hướng đổi mới công tác lập quy hoạch. 

Mặt khác, Phó Thủ tướng cho rằng, phải bố trí các nguồn điện phù hợp với nhu cầu dùng điện của mỗi địa phương để tránh việc mất cân đối về đáp ứng nhu cầu điện như hiện nay. Phải tập trung quy hoạch đường truyền tải đáp ứng yêu cầu giải toả công suất và truyền tải an toàn hiệu quả.

Một vấn đề nữa được Phó Thủ tướng nhấn mạnh là hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan đến đầu tư phát triển của ngành điện, đặc biệt là các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích, tháo gỡ khó khăn cho những dự án lớn.

Đọc thêm