Không thấu đáo về pháp lý, khởi nghiệp có thể thua lỗ, phá sản

(PLO) -Chiều 14/12, phối hợp với Câu lạc bộ Pháp chế doanh nghiệp, Bộ Tư pháp tổ chức Diễn đàn “Kiểm soát các điều kiện kinh doanh và một số vấn đề pháp lý liên quan đến doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp”.
Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

Xu thế tất yếu của thời đại

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Đỗ Xuân Lân nhấn mạnh: Trong thời đại ngày nay, một quốc gia có trình độ đổi mới sáng tạo cao sẽ có nhiều cơ hội tham gia sân chơi lớn. Ở Việt Nam, khởi nghiệp sáng tạo đã và đang trở thành xu thế tất yếu, vừa là động lực, vừa là khát vọng để khẳng định tinh thần độc lập, tự chủ, vươn lên làm giàu chính đáng của mỗi người dân. Thực tiễn cho thấy, bên cạnh thành công vẫn còn không ít DN khởi nghiệp thua lỗ, cá biệt còn bị phá sản mà nguyên nhân là do hiểu biết chưa thấu đáo và toàn diện về những vấn đề pháp lý có liên quan đến việc thành lập, duy trì, phát triển bền vững của DN. 

“Khi đã có khung pháp lý rõ ràng cho hoạt động của DN, các DN khởi nghiệp có thể yên tâm thực hiện ý tưởng kinh doanh, tập trung vào sản xuất – kinh doanh, xây dựng chiến lược, thương hiệu DN” – ông Lân tâm niệm. Qua đó, ông Lân hy vọng Diễn đàn là cơ hội tốt để trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm hiệu quả, các thông tin pháp luật về DN, nhất là những vấn đề pháp lý liên quan đến khởi nghiệp cũng như cùng giải đáp, tháo gỡ vướng mắc, đưa ra các đề xuất, kiến nghị cụ thể để phát huy đầy đủ nhất vai trò của pháp luật trong khởi nghiệp sáng tạo.

Với tinh thần trên, tham dự Diễn đàn, Phó Cục trưởng Cục Phát triển DN (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Bùi Thu Thủy thông tin, tinh thần thành lập DN và khởi nghiệp vẫn đang có xu hướng gia tăng. Bà Thủy dẫn chứng, trong 11 tháng đầu năm 2017, tổng số DN thành lập mới và DN quay trở lại hoạt động của cả nước là hơn 140 nghìn DN, trong đó có trên 116 nghìn DN thành lập mới. Còn cả năm 2016 – Năm Quốc gia khởi nghiệp cũng chỉ có hơn 110 nghìn DN thành lập mới hay năm 2015 là gần 95 nghìn DN thành lập mới.

Ghi nhận sự đóng góp của DN khởi nghiệp vào phát triển nền kinh tế nhưng bà Thủy nêu lên rất nhiều khó khăn của họ hiện nay. Theo một kết quả điều tra, khó khăn chính đầu tiên của DN khởi nghiệp lại là tìm kiếm khách hàng rồi mới đến tìm kiếm nguồn vốn, tìm kiếm nhân sự, thực hiện các thủ tục hành chính – pháp lý… Bà Thủy cho rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đặt ra yêu cầu phải tìm tòi giải pháp thúc đẩy khởi nghiệp, hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Các giải pháp mà bà Thủy đề xuất là cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giảm thủ tục, chi phí cho DN; triển khai các chính sách hỗ trợ chung, hỗ trợ trọng tâm cho DN nhỏ và vừa, DN khởi nghiệp.

Thành lập cơ quan độc lập để cải thiện môi trường kinh doanh

Liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Phan Đức Hiếu cho biết: Cải thiện môi trường kinh doanh là bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý nhưng hệ thống quy định điều kiện kinh doanh đang có 5 nguy cơ gây tác động bất lợi cho hoạt động kinh doanh. Đó là rủi ro, hạn chế cạnh tranh, hạn chế gia nhập thị trường, hạn chế sáng tạo – hình thành chuỗi và làm gia tăng chi phí kinh doanh. 

Ông Hiếu khẳng định, việc cải cách quy định về ngành nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh là nhiệm vụ quan trọng hiện nay nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thực hiện tái cơ cấu kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa trên năng suất, năng lực cạnh tranh và sáng tạo. Tuy nhiên, ông Hiếu cho rằng, điều cần thiết không phải sẽ làm gì mà là làm như thế nào. Do vậy, ông Hiếu kiến nghị Chính phủ thành lập một cơ quan thực hiện nhiệm vụ cải cách này với đặc điểm cơ bản là cơ quan độc lập, thuộc Chính phủ, có tính chất chuyên môn sâu, đa dạng về cải cách luật pháp, có nhiệm vụ rà soát, phân tích, đánh giá nhằm “cắt giảm” những quy định bất hợp lý và trực tiếp, chủ trì thực hiện việc “cắt giảm” quy định bất hợp lý. 

Đến từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), ông Hoàng Thanh Tuấn nêu bật những thành tựu cải cách về đăng ký kinh doanh ở nước ta, được coi là một giải pháp quan trọng trong phát triển cộng đồng DN. Đáng chú ý là thời gian thực hiện các thủ tục cơ bản của quá trình gia nhập thị trường đã giảm từ 32 ngày làm việc (giai đoạn trước năm 2005) xuống chỉ còn tối đa 3 ngày làm việc. Theo ông Tuấn, thời gian tới, công cuộc cải cách công tác đăng ký kinh doanh cần tiếp tục đẩy mạnh nhằm từng bước đưa quy trình quản lý đăng ký kinh doanh của Việt Nam tiến gần hơn với chuẩn mực quốc tế về quản lý DN, tạo môi trường kinh doanh tiên tiến, hiệu quả và minh bạch.

Đọc thêm