Không thể bỏ quy định bắt buộc công chứng

Ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hiệp hội công chứng thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Các hợp đồng, giao dịch về đất thường có giá trị lớn, nếu để các bên tự thỏa thuận mà không có sự kiểm tra và chứng nhận của công chứng viên thì rất dễ phát sinh tranh chấp, làm mất ổn định gia đình và trật tự an toàn xã hội”.

[links()]Bộ Tư pháp hôm qua tổ chức Hội nghị lấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng và các đại biểu là đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường, lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp, các chuyên gia, đại diện các Hiệp hội công chứng, Hiệp hội bất động sản…

Bên cạnh việc góp ý vào các vấn đề chung tại Dự thảo Luật, nhiều ý kiến đã tập trung thảo luận về những vấn đề có liên quan đến phạm vi quản lý của ngành Tư pháp, trong đó có quy định bắt buộc hay không bắt buộc công chứng đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá cao những góp ý sâu sắc, thẳng thắn của các đại biểu tham dự Hội nghịlấy ý kiến Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Giao dịch về quyền sử dụng đất: Cần phải công chứng

Một nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự Hội nghị là 2 phương án đưa ra tại khoản 2 Điều 161 về công chứng hợp đồng, giao dịch về quyền sử dụng đất. Phương án 1 bắt buộc các giao dịch về quyền sử dụng đất phải được công chứng và phương án 2 để các bên tự quyết định theo nhu cầu.

Bà Đỗ Hoàng Yến, Vụ trưởng Vụ Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp đề nghị Ban Soạn thảo phải có đánh giá tác động cụ thể đối với quy định hiện hành bắt buộc các giao dịch về quyền sử dụng đất phải công chứng xem quy định này có ưu, nhược điểm gì rồi mới bàn đến việc có bỏ hay không bỏ quy định bắt buộc phải công chứng các giao dịch về quyền sử dụng đất.

Ông Phan Văn Cheo, Chủ tịch Hiệp hội công chứng thành phố Hồ Chí Minh phân tích: “Các hợp đồng, giao dịch về đất thường có giá trị lớn, nếu để các bên tự thỏa thuận mà không có sự kiểm tra và chứng nhận của công chứng viên thì rất dễ phát sinh tranh chấp, làm mất ổn định gia đình và trật tự an toàn xã hội”.

Còn ông Tuấn Đạo Thanh, Trưởng phòng Công chứng số 1 Hà Nội khẳng định, việc bỏ công chứng bắt buộc đối với các giao dịch về quyền sử dụng đất thực chất không bớt đi một thủ tục nào mà thay vì giao cho công chứng thì việc xác minh tính hợp pháp của các giao dịch lại chuyển sang cho các văn phòng đăng ký nhà đất. Khi đó, việc ùn tắc sẽ là hậu quả đương nhiên phải đến.

Đề nghị bỏ quy định thu hồi đất cho các dự án phát triển kinh tế, xã hội

Nói về một trong những điểm mới tại Dự thảo Luật, ông Lê Thanh Khuyến, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, các Điều 59, 60, 61 và 62 của dự thảo Luật quy định cụ thể các trường hợp thu hồi đất và căn cứ thu hồi đất.

Trong đó, có các trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế, xã hội nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế, đồng thời khắc phục tình trạng tùy tiện trong thu hồi đất.

Góp ý về vấn đề này, ông Võ Đình Toàn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Pháp lý, Bộ Tư pháp đề nghị bỏ quy định Nhà nước thu hồi đất phục vụ cho dự án phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Võ Đình Toàn, việc nhà nước thu hồi đất vào mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là hoàn toàn hợp lý, nhưng để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì phải trưng mua và đền bù theo thỏa thuận.

Đồng tình với ý kiến này, ông Nguyễn Văn Tuyến, Trưởng bộ môn Luật Đất đai, Đại học Luật Hà Nội cho rằng, với quan điểm quyền sử dụng đất là một loại quyền về tài sản đã được Nghị quyết Hội nghị TW 6 và dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 ghi nhận, việc Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi chỉ quy định một cơ chế Nhà nước thu hồi đất thay vì 2 cơ chế dân sự thỏa thuận và hành chính thu hồi là không phù hợp.

“Thu hồi đất phải có sự phân biệt. Nếu không, vấn đề dễ bị tích tụ, đẩy lên thành những xung đột xã hội”, ông Nguyễn Văn Tuyến khuyến cáo.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Tuyến, Dự thảo Luật chỉ nên khoanh lại 2 trường hợp thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh và sử dụng vào mục đích quốc gia, lợi ích công cộng. Còn đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, xã hội thì nên có cơ chế trưng dụng hoặc trưng mua có bồi thường, hoặc về hình thức là Nhà nước thu hồi nhưng giá trong trường hợp này phải có sự  tham vấn, thỏa thuận của dân. Quan điểm này nhận được sự đồng thuận của nhiều đại biểu tham dự Hội nghị.  

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng đánh giá cao những góp ý sâu sắc, thẳng thắn của các đại biểu tham dự Hội nghị và cho biết Bộ Tư pháp sẽ tổng hợp đầy đủ, chân thực các ý kiến góp ý gửi tới Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 31/3.

Ngọc Hải

Đọc thêm