Chuyện nghề Thi hành án Dân sự

Phó Chi cục trưởng Đỗ Minh Hạnh khéo xử lý bản án nhờ cách tiếp cận nhân văn

(PLVN) - Bản án số 11/2022/DSST không chỉ hoàn tất nhiệm vụ pháp lý mà còn thể hiện sự kiên nhẫn, linh hoạt và nhân văn trong cách giải quyết của bà Đỗ Minh Hạnh.
Bà Đỗ Minh Hạnh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang
Bà Đỗ Minh Hạnh, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang

Với nhiều năm gắn bó trong ngành Thi hành án dân sự, bà Đỗ Minh Hạnh - Phó Chi cục trưởng, Chấp hành viên sơ cấp Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang đã xử lý nhiều vụ án phức tạp.

Tuy nhiên, có những vụ việc không chỉ đòi hỏi hiểu biết sâu rộng về pháp luật mà còn cần đến sự thấu cảm, kiên trì và cách tiếp cận đầy nhân văn. Một trong số đó là vụ thi hành án đối với Công ty Vận tải A. (tên công ty đã được thay đổi - PV), một hành trình đầy thử thách nhưng cũng là bài học quý giá về nghề đối với bà Đỗ Minh Hạnh.

Khởi đầu từ bản án phức tạp

Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hàm Yên ra Quyết định thi hành án số 215/QĐ-CCTHADS ngày 06/12/2023, số 254/QĐ-CCTHADS ngày 08/01/2024 của Chi cục trưởng Chi cục THADS huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang, đối với Công ty Vận tải A, có địa chỉ tại xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang. Công ty này phải thực hiện nghĩa vụ thi hành án dân sự khoản thanh toán trả nợ số tiền dư nợ gốc và lãi cho Ngân hàng NN&PT nông thôn - Chi nhánh thành phố Tuyên Quang số tiền hơn 3.4 tỷ đồng và khoản tiền án phí dân sự hơn một trăm triệu đồng.

Sau khi nhận được quyết định ủy thác thi hành án từ Chi cục THADS TP Tuyên Quang, Chi cục THADS huyện Hàm Yên đã ra Quyết định thi hành án số 215/QĐ-CCTHADS ngày 6/12/2023 và giao cho bà Đỗ Minh Hạnh xử lý.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu hồ sơ, bà Hạnh nhận thấy đây là một vụ việc đầy khó khăn. Công ty Vận tải A. đã ngừng hoạt động sau một thời gian làm ăn thua lỗ và không còn bất kỳ tài sản nào tại địa chỉ đăng ký kinh doanh ở xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên.

Giám đốc công ty, ông Nguyễn Ngọc T., không có mặt tại địa phương mà thường xuyên di chuyển, khiến việc tiếp cận trực tiếp trở nên vô cùng khó khăn.

Giải pháp nhân văn và hiệu quả pháp lý

Qua quá trình xác minh, bà Hạnh phát hiện ông T. sống cùng bố mẹ tại huyện Yên Sơn nhưng ông thường xuyên đi làm thuê ở các tỉnh phía Bắc. Mỗi lần bà Hạnh liên lạc qua điện thoại, ông T. đều từ chối gặp mặt, thậm chí trả lời lạnh nhạt: “Việc của cơ quan thi hành án, thi hành án tự giải quyết”.

Trước tình huống này, bà Hạnh không nản lòng. Hiểu rằng nếu không tiếp cận được ông T., vụ việc sẽ rơi vào bế tắc, bà kiên trì gọi điện thoại, gửi thư mời và tìm cách thuyết phục ông T.

Sau nhiều lần trao đổi, bà Hạnh dần chuyển từ lý lẽ pháp luật sang cách tiếp cận nhân văn hơn. Bà lắng nghe những khó khăn của ông T., từ những thách thức trong công việc kinh doanh đến biến cố gia đình.

Sau một thời gian kiên trì, bà Hạnh cuối cùng đã thuyết phục được ông T. đến làm việc tại Chi cục THADS huyện Hàm Yên.

Tại buổi làm việc, ông T. chia sẻ những câu chuyện đầy xúc động. Ông cho biết, vợ ông đã mất vì bệnh hiểm nghèo gần một năm trước, để lại ông một mình nuôi con.

Sự ra đi của vợ không chỉ khiến gia đình ông mất mát lớn về tình cảm mà còn đẩy ông vào khủng hoảng tài chính khi toàn bộ tài sản, bao gồm căn nhà của gia đình ở TP Tuyên Quang đã phải bán để chữa bệnh cho vợ.

Thời điểm đó, ông chỉ còn lại một chiếc xe ô tô tải – tài sản duy nhất và cũng là phương tiện mưu sinh để ông nuôi các con. Ông tâm sự: “Tôi không còn gì cả, chỉ có chiếc xe ô tô này để kiếm sống. Nếu mất nó, tôi không biết phải làm sao để nuôi các con khôn lớn”.

Lời tâm sự của ông T. khiến bà Hạnh không khỏi xúc động. Tuy nhiên, bà cũng hiểu rằng nghĩa vụ thi hành án là bắt buộc. Với sự nhạy cảm và khéo léo, bà Hạnh vừa động viên, vừa giải thích quyền và nghĩa vụ pháp lý của ông T. Đồng thời, bà cố gắng đưa ra những phương án xử lý sao cho vừa đảm bảo được tính nghiêm minh của pháp luật, vừa tạo điều kiện cho ông T. tái thiết cuộc sống.

Sau nhiều lần thuyết phục, ông T. cuối cùng đồng ý giao nộp chiếc xe ô tô – tài sản thế chấp – để đảm bảo thi hành án.

Ngày 23/01/2024, Chi cục THADS huyện Hàm Yên ra Quyết định cưỡng chế, kê biên xử lý tài sản. Chiếc xe ô tô được bán đấu giá thành công với số tiền 156 triệu đồng.

Sau nhiều lần thuyết phục, ông T. cuối cùng đồng ý giao nộp chiếc xe ô tô – tài sản thế chấp – để đảm bảo thi hành án.

Sau nhiều lần thuyết phục, ông T. cuối cùng đồng ý giao nộp chiếc xe ô tô – tài sản thế chấp – để đảm bảo thi hành án.

Ngày 12/3/2024, việc giao tài sản cho người mua trúng đấu giá được thực hiện với sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân huyện Hàm Yên và các bên liên quan. Toàn bộ quy trình được thực hiện đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính minh bạch và khách quan.

Dù gặp nhiều khó khăn, vụ việc đã được giải quyết thành công, không chỉ đảm bảo nghĩa vụ thi hành án mà còn tạo điều kiện cho ông T. tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống.

Bà Hạnh chia sẻ: “Đối với những vụ việc phức tạp, không chỉ cần hiểu luật mà còn phải kiên trì, lắng nghe và tìm cách đồng cảm với đương sự. Đôi khi, sự thấu hiểu và nhân văn lại là chìa khóa mở ra hướng đi cho những bế tắc”.

Vụ án thi hành án tại Hàm Yên không chỉ là câu chuyện pháp lý mà còn là minh chứng cho tinh thần trách nhiệm và cái tâm của người làm công tác thi hành án. Với sự tận tâm và khéo léo, bà Đỗ Minh Hạnh đã giúp khép lại một vụ việc khó khăn, đồng thời góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào tính nghiêm minh và nhân văn của pháp luật.

Đọc thêm