Không thể “buông” hậu giám sát

Thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, nhiều đại biểu hôm qua lên tiếng về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa nghiêm túc.

Thảo luận về báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, nhiều đại biểu hôm qua lên tiếng về việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa nghiêm túc.

Giám sát chưa “trùm” các vấn đề bức xúc

Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 9 do Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày đã nêu rõ: Nhiệm kỳ vừa qua “hoạt động giám sát được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề”.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng).

Đồng tình với nhận định này, nhưng theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng), thời gian dành cho việc giám sát còn hạn chế, việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát chưa được quan tâm thực hiện do thiếu cơ chế. Cũng theo đại biểu Vinh, việc chất vấn của Quốc hội tuy đã nhiều đổi mới nhưng “mới chỉ dừng ở 1 số nhóm vấn đề mà chưa bao trùm các vấn đề bức thiết của cuộc sống”.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) chung nhận định: “ Nhiệm kỳ Quốc hội vừa rồi hoạt động giám sát có nhiều tiến bộ nhưng các kiến nghị sau giám sát không biết thực hiện đến đâu”. Đại biểu Ry đề nghị khi xây dựng chương trình nên quan tâm giám sát chuyên đề về phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Nói về bộ máy các cơ quan của Quốc hội trong việc đảm bảo thực hiện tốt chức năng giám sát, đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) cho rằng, đã đến lúc cần xem xét điều chỉnh theo hướng: tăng thêm cơ quan trực thuộc Quốc hội, cụ thể nên thành lập Ủy ban Dân nguyện, vì nhiều vấn đề của cử tri thông qua các kênh giám sát, tiếp xúc cử tri., đơn thư…nhưng giải quyết rất hạn chế, “có Ủy ban này thì những kiến nghị của cử tri sẽ giải quyết một cách sâu sắc, triệt để hơn”.

Đề cao vai trò của Đại biểu Quốc hội, đại biểu Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) khuyến cáo: Là đại biểu Quốc hội mà ngại va chạm thì không thể đại diện cho dân. Muốn có nhiều ĐBQH tốt thì phải chọn ra người ưu tú chứ không nên quá nặng về cơ cấu.

Tăng cường phản biện trong xây dựng dự án luật

Đánh giá nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ, chất lượng hơn nhưng theo đại biểu Lê Thị Nhung (An Giang) thì  Quốc hội cần kiên quyết hơn, tập trung, chủ động hơn trong thực hiện chương trình xây dựng luật, trong đó phải tính đến yếu tố trong nước và quốc tế để tránh bị động. “Tính phản biện trong xây dựng luật phải đa chiều hơn nữa phải quyết liệt hơn nữa” - đại biểu Nhung đề nghị.

Nhận xét về chất lượng của các dự án luật, bên cạnh những ưu điểm đã được thể hiện trong báo cáo nhiệm kỳ, nhưng đại biểu Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) tỏ ra lo lắng vì chất lượng nhiều dự án luật chuẩn bị chưa kỹ, chưa sâu và chưa có sự tham gia thích ứng của các  nhà khoa học để tạo kênh thông tin cho Đại biểu Quốc hội,  “đại biểu Quốc hội còn thiếu thông tin khi quyết định những vấn đề quan trọng”.

Trước đó, khi thảo luận ở tổ về báo cáo này, có đại biểu Quốc hội đã từng ví von “đại biểu Quốc hội không phải là Thánh, không phải cái gì cũng biết”, và cũng có nhiều đại biểu cho rằng, họ đang thiếu thông tin, nhất là những nguồn tin chính thống.

Thẳng thắn cho rằng Quốc hội đang “bị động” trong công tác lập pháp, đại biểu Ngô Minh Hồng (TP HCM) nhấn mạnh:  Chúng ta cũng đã có ý kiến nhưng không mạnh để đưa những vào chương trình những vấn đề mang tính đột phá.

“Không thể cứ dự thảo đưa ra cái gì ta bàn cái đấy, đưa trước bàn trước, đưa sau bàn sau” mà điển hình bà Hồng dẫn chứng, “Luật Thuế TNCN, trong đó có mức chịu thuế thu nhập cá nhân bức xúc là vậy nhưng Bộ Tài chính nói còn nghiên cứu nên Quốc hội cũng đành… chờ”.

Cho rằng, nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, có nhiều luật cấp thiết nhưng chậm được nghiên cứu sửa đổi, đặc biệt như Luật Đất đai, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đề nghị các luật ban hành cần phải bám sát nhu cầu thực tiễn cuộc sống, tránh tình trạng “luật ống, luật khung”.Kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội, ngoài việc góp ý kiến cho các báo cáo nhiệm kỳ, nhiều đại biểu cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm và kỳ vọng vào thế hệ đại biểu Quốc hội khóa mới sẽ làm tốt hơn với vai trò đại biểu dân cử để Quốc hội hoạt động ngày càng đổi mới, có chất lượng.

Hôm nay Quốc hội họp phiên bế mạc.

Nhóm PV

Đọc thêm