Khẳng định với sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, 5 năm qua có những bước tiến rất đáng mừng về giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc-Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho rằng, còn nhiều vụ nghiêm trọng.
“Mỗi năm có 9.000 người ra đi không bao giờ quay lại, bình quân có 24 người không trở về nhà mỗi ngày vì tai nạn giao thông. Các cơ quan quản lý không thể cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, ngáo đá bởi những đối tượng này mà lái xe thì thật là khủng khiếp,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Còn nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng
Phát biểu tại Hội nghị An toàn giao thông Việt Nam 2015 vào chiều 26/11, theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, liên tục các năm từ 2012 đến nay, tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Năm 2014 số người chết vì tai nạn giao thông giảm xuống dưới 9.000 người.
Đặc biệt, nếu so sánh số liệu năm 2015 với năm 2011 thì thấy rằng, số vụ tai nạn giao thông đã giảm 51%, số người bị thương giảm gần 60% và số người chết do tai nạn giao thông đã giảm gần 24% trong điều kiện phương tiện giao thông và nhu cầu vận tải tăng cao.
Tuy giảm như vậy nhưng theo đánh giá của Phó Thủ tướng thì vẫn còn nhiều vụ nghiêm trọng. Mỗi năm có 9.000 người ra đi không bao giờ quay lại, bình quân có 24 người không trở về nhà mỗi ngày vì tai nạn giao thông.
Người đứng đầu Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng chỉ ra những nguyên nhân trực tiếp gây mất an toàn giao thông đó là những bất cập về năng lực của kết cấu hạ tầng, an toàn kỹ thuật phương tiện, quản lý Nhà nước và tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm và đặc biệt là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông trong đó những hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, đặc biệt công nghệ thông tin chính là rào cản, gây ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng, hiệu quả trong công tác xây dựng quản lý; bất cập trong đăng kiểm, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, xử phạt vi phạm…
“Vì vậy, muốn đảm bảo an toàn giao thông thì phải làm gì trước? Đó chính là giáo dục ý thức, văn hóa pháp luật của người tham gia giao thông,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng cũng ghi nhận và biểu dương những kết quả nghiên cứu có tính thực tiễn, khả năng ứng dụng cao ở Việt Nam như vật liệu mới để hạn chế hằn lún vệt bánh xe, quản lý an toàn giao thông cho môtô, xe máy; ảnh hưởng của tải trọng đến an toàn phương tiện; mô hình chăm sóc tai nạn thương tích trước viện...
Tham luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Trần Sơn Hà, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) cho biết, tình hình chống người thi hành công vụ rất phổ biến. Thậm chí nhiều trường hợp vi phạm hành chính khi bị cảnh sát tuýt còi là tìm mọi cách cãi chày, cãi cối.
“Nếu như vi phạm nồng độ cồn, hay vi phạm tốc độ thì còn có kết quả in ra ngay, chứ vi phạm vượt đèn đỏ cũng đòi hình ảnh làm bằng chứng để căn cứ xử phạt thì Nhà nước lấy đâu ra nhiều tiền để thực hiện,” Thiếu tướng Trần Sơn Hà phân trần.
Lên án và đề nghị xử nghiêm các hành vi chống người thi hành công vụ, Thiếu tướng Trần Sơn Hà cho rằng, công an địa phương cần quyết liệt xử lý, thậm chí phải xử lưu động những trường hợp chống đối như vậy để làm gương.
Thí điểm đăng ký ôtô phải mở tài khoản để xử phạt “nguội”
Đánh giá về công tác triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông Trần Sơn Hà cho rằng, xử lý hành vi vi phạm như nồng độ cồn, vi phạm làn đường, vi phạm tốc độ…bằng hình ảnh rất hiệu quả, tạo chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, nhiều tuyến đường cao tốc chưa ổn định, dẫn đến việc lắp hệ thống giám sát nhưng chưa sử dụng, điều này đã khiến hệ thống máy móc xuống cấp.
Do đó, Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề xuất Chính phủ quy định thí điểm việc chủ sở hữu ôtô khi thực hiện đăng ký phương tiện phải mở tài khoản, giúp quản lý chặt chẽ hơn các phương tiện, nhất là trong việc xử phạt “nguội”, nhằm tạo sự đồng bộ trong việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
“Ở nhiều nước đã thực hiện việc chủ sở hữu ôtô phải mở tài khoản, vi phạm luật giao thông mà không đến nộp phạt sẽ bị tăng nặng, thậm chí có nước bắt đi tù. Nếu xử phạt qua hình ảnh phải đồng bộ, chủ phương tiện phải có tài khoản. Tôi đề nghị thí điểm đăng ký xe là phải có tài khoản, trước hết là với ôtô để xử phạt dễ,” Thiếu tướng Trần Sơn Hà đề xuất.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương đánh giá kết quả dự án triển khai thí điểm hệ thống giám sát và xử lý vi phạm giao thông theo hình thức xã hội hóa, mở rộng triển khai trên toàn tuyến, các tuyến quốc lộ trọng điểm và đường cao tốc theo hình thức thuê dịch vụ đồng thời báo cáo Thủ tướng xin phê duyệt cơ chế cho phép trích nguồn thu phí sử dụng đường bộ để thuê các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng giao Bộ Công an tiếp thu các kết quả nghiên cứu về kiểm tra nồng độ cồn theo thông lệ quốc tế, kinh nghiệm kiểm tra nhanh nồng độ cồn không dùng thiết bị, các kinh nghiệm về tập huấn kỹ năng cho lực lượng thực thi công vụ, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, xử phạt nguội, các kinh nghiệm kết hợp giữa xử lý vi phạm và truyền thông… để bổ sung sửa đổi các quy định có liên quan cũng như đưa vào các hoạt động triển khai cụ thể.
Bộ Y tế tiếp thu những đề xuất về mô hình sơ cấp cứu theo thông lệ và tiêu chuẩn quốc tế, hệ thống cấp cứu tai nạn giao thông đường bộ trước bệnh viện, công tác khám sức khoẻ cho người lái xe, phòng chống lạm dụng rượu bia trong điều khiển phương tiện... chủ trì xây dựng các trạm cấp cứu trên đường cao tốc, hoàn thiện quy định pháp lý cho việc xã hội hóa đầu tư hệ thống ứng phó cấp cứu sau tai nạn giao thông.
“Các cơ quan quản lý Nhà nước không thể cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, ngáo đá bởi những đối tượng này mà lái xe thì thật là khủng khiếp,” Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các bên có liên quan nghiên cứu đề xuất mô hình triển khai “Xây dựng, quản lý khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn giao thông”, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công nghệ trong tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông.
“Ùn tắc, tai nạn giao thông chịu sự trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhà khoa học. Do đó, chúng ta phải chung tay và lắng nghe, tiếp thu, nghiên cứu và chọn lọc những nội dung phù hợp từ hội nghị này để ứng dụng vào thực tế,” Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm.