Có 3 nội dung Dự thảo Đề án đề cập đến là: Về ngành, lĩnh vực; Về địa phương và vùng lãnh thổ; Về thị trường và đối tác. Cụ thể, về ngành, lĩnh vực, sẽ uu tiên thu hút FDI vào các ngành: công nghệ cao, công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ thân thiện với môi trường, công nghệ thông tin và viễn thông, điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới, ô tô, máy nông nghiệp, thiết bị công trình, thiết bị công nghiệp, thiết bị điện, công nghiệp hỗ trợ, R&D, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), phân tích dữ liệu lớn (SMAC), thực tế ảo (VR), tương tác thực tại ảo (AR), điện toán đám mây, kinh tế số, tự động hóa, y sinh, vật liệu mới.
Bên cạnh đó, các ngành cũng là lĩnh vực ưu tiên thu hút như: Công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp giá trị cao; Thiết bị y tế, chăm sóc sức khỏe, giáo dục và đào tạo, du lịch chất lượng cao, dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác; Phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, năng lượng thông minh
Dự thảo cũng nói rõ: Trong từng thời kỳ, ưu tiên thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn một số ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút FDI để chủ động xúc tiến đầu tư bảo đảm nguyên tắc đem lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế. Định kỳ đánh giá hiệu quả thực hiện theo các tiêu chí để có điều chỉnh thích hợp...; Đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng xuất khẩu với đầu tư phát triển sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao và sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, phát triển công nghiệp hỗ trợ, đào tạo nguồn nhân lực trong thu hút và sử dụng FDI để nâng cao chất lượng tăng trưởng; Thu hút doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs) tham gia hình thành và phát triển cụm liên kết ngành theo từng chuỗi giá trị. Thúc đẩy các DN trong và ngoài nước liên kết với TNCs trong cụm liên kết ngành.
Đối với các ngành mà Việt Nam đang có lợi thế như dệt may, da giày... , theo dự thảo Đề án, vẫn tiếp tục thu hút FDI nhưng ưu tiên tập trung vào các khâu tạo giá trị gia tăng cao, gắn với quy trình sản xuất thông minh, tự động hóa.
Về địa phương, vùng lãnh thổ, Dự thảo nêu rõ: Thu hút FDI phù hợp với quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch vùng và từng địa phương, đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội - môi trường chung của vùng và cả nước, đặc biệt là hiệu quả sử dụng đất và các tài nguyên không tái tạo. Không thu hút FDI bằng mọi giá, làm phá vỡ quy hoạch, dự án có giá trị đầu tư trên một đơn vị diện tích đất thấp; Thúc đẩy dịch chuyển cơ cấu FDI tại địa phương, vùng theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và tăng cường liên kết với DN trong nước.
Về thị trường và đối tác, yêu cầu đa dạng hóa, đa phương hóa thu hút FDI từ nhiều thị trường và đối tác, khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển, các nước G7 được đặt lên hàng đầu.
Theo Dự thảo Đề án, Bộ KH&ĐT sẽ chủ động theo dõi, đánh giá xu hướng dịch chuyển dòng FDI vào Việt Nam từ một số nước trong khu vực để lựa chọn thu hút các dự án đầu tư phù hợp với định hướng và lưu ý không thu hút các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, không thân thiện với môi trường.
Đối với các DN nhỏ và vừa, vẫn nằm trong định hướng thu hút FDI nhưng phải đảm bảo điều kiện về công nghệ và gia nhập mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, phát triển công nghệ hỗ trợ, nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế, phát triển ngành, nghề mới, tạo thêm việc làm...