Không xem thường sức khỏe tâm thần hậu COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong hơn 200 triệu chứng hậu COVID-19, suy giảm nhận thức là phổ biến nhất. Hầu hết các trường hợp sau khi khỏi COVID-19 đều than rằng “hay quên”, “stress”, “mất ngủ”… Theo các chuyên gia y tế, “căn bệnh” này ở mức độ nhẹ sẽ cải thiện dần theo thời gian, nhưng nếu biểu hiện ngày càng nặng thì không thể xem thường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hai nguyên nhân trầm cảm hậu COVID-19

Chị Nguyễn Hồng Thắm (Bãi Cháy, Hạ Long, Quảng Ninh) khỏi COVID-19 đã hơn 3 tháng nay, nhưng những ám ảnh của quá trình điều trị vẫn theo chị mãi. Sợ đến nỗi chỉ cần nhìn thấy, thậm chí nghĩ đến cái kim truyền là tim chị lại đập thình thịch, ăn không ngon, ngủ không yên. Cũng do mất ngủ, người chị lúc nào cũng phờ phạc và mệt mỏi, chỉ cần lên xuống cầu thang hay ra khỏi nhà là hoa mắt, chóng mặt... Đêm đến, dù uống nhiều loại thuốc nam, thuốc bắc, chị cũng không thể nhắm mắt, lúc nào cũng bồn chồn, lo lắng, dẫn đến chán nản và tuyệt vọng…

Theo TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền - Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, sau khi khỏi COVID-19 khoảng 3 tháng, bệnh nhân có những biểu hiện như buồn chán, bi quan, mất hy vọng vào tương lai, mất tự tin, không tập trung chú ý, mất hết hứng thú vào những hoạt động trước kia mình thích… thì có thể chẩn đoán bị trầm cảm hậu COVID-19.

Có hai nguyên nhân dẫn đến trầm cảm hậu COVID-19. Thứ nhất do phản ứng miễn dịch của cơ thể với sự nhiễm virus – phản ứng viêm. Cụ thể, khi mắc COVID-19, cơ thể sẽ kích thích hệ thống miễn dịch sản xuất ra các cytokines, chemokines và những chất khác thúc đẩy phản ứng viêm. Đặc biệt có một loại cytokine là loại được bài tiết ra từ tế bào T helper 2. Nồng độ cytokine càng cao thì mức độ nhiễm COVID-19 càng nặng. Khi cơ thể không kiểm soát được quá trình viêm thì những điều tồi tệ sẽ xảy ra với hệ thần kinh.

Thứ hai, phản ứng viêm ở hệ thần kinh, phá vỡ hàng rào máu não. Các tế bào viêm ở ngoại biên xâm nhập vào hệ thống thần kinh trung ương, gây rối loạn sự dẫn truyền thần kinh, rối loạn trục của hệ thống nội tiết dưới đồi, tuyến yên. Tất cả những biến đổi đó là nguyên nhân dẫn đến rối loạn tâm thần trong đó có trầm cảm, thậm chí là kể cả sau khi hết nhiễm COVID-19.

Thiết lập lịch trình công việc mới để vượt qua trầm cảm

Theo TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền, còn có những yếu tố tâm lý ảnh hưởng đến trầm cảm trong giai đoạn nhiễm COVID-19 như: sự cách ly về xã hội, những lo lắng do sợ mình làm lây bệnh sang người khác; những yếu tố kỳ thị do liên quan đến COVID-19; thời gian ở trong bệnh viện trong quá trình điều trị COVID-19 làm cho người bệnh bị cách ly với xã hội bên ngoài, cảm giác cô đơn, không tương tác được với mọi người, có nhiều vấn đề gặp phải khi nằm viện như rối loạn giấc ngủ sẽ dẫn đến trầm cảm…

Khi phát hiện mình có biểu hiện trầm cảm hậu COVID-19, TS.BS Trịnh Thị Bích Huyền khuyên bệnh nhân nên thiết lập một lịch trình công việc mới cho mình (có thể bắt đầu làm ở nhà, tạo những thói quen hay những thú vui mới, thay vì những thói quen sinh hoạt cũ); hạn chế đọc quá nhiều tin tức hoặc tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội gây hoang mang, lo lắng; tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, ít nhất 30 phút mỗi ngày và 5 ngày trong một tuần; chế độ ăn uống lành mạnh; ngủ đầy đủ; duy trì các mối quan hệ xã hội; áp dụng các liệu pháp trị liệu tâm lý như liệu pháp nhận thức hành vi, liệu pháp gia đình, liệu pháp tương tác cá nhân.

Cũng theo TS. BS Huyền, bệnh nhân không nên quá lo lắng bởi trầm cảm là một bệnh có thể điều trị được. Tuy nhiên, việc điều trị thuốc cần phải được bác sĩ chuyên khoa tâm thần chỉ định và việc lựa chọn thuốc cần phải xem xét phù hợp với từng cá thể người bệnh. Theo đó, điều trị trầm cảm hậu COVID-19 cần sử dụng thuốc chống trầm cảm. Các thuốc chống trầm cảm có tác dụng điều chỉnh chất dẫn truyền thần kinh, tăng serotonin, noradrenalin là những chất bị giảm đi trong não dẫn đến trầm cảm.

Ngoài chứng bệnh trầm cảm, có nghiên cứu đã chỉ ra khoảng 25% bệnh nhân sau khi nhiễm COVID-19 nặng phải nằm viện có những biểu hiện của rối loạn stress sau sang chấn. TS. BS Trịnh Thị Bích Huyền cho biết, sợ hãi đối với một việc gì đó gây sang chấn về tâm lý là một phản ứng bình thường và sự lo lắng, sợ hãi này thường giảm đi theo thời gian, trí nhớ về những sự kiện, hình ảnh gây sang chấn cũng mất dần đi. Tuy nhiên, trong những trường hợp mắc chứng rối loạn stress sau sang chấn, những hình ảnh gợi nhớ đến sự kiện này không giảm đi mà vẫn như đang xảy ra, cường độ tăng dần theo thời gian và có thể ảnh hưởng đến ý nghĩ, cảm xúc và khả năng làm việc hàng ngày của người bệnh. Tình trạng này có thể kéo dài hàng ngày, hàng tuần, thậm chí hàng năm sau khi sự kiện gây sang chấn xảy ra.

Đọc thêm