Không xử lý Diễm Hương gian dối sẽ tạo tiền lệ xấu

Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn Nguyễn Đăng Chương khẳng định, không có chuyện không thể xử lí Diễm Hương như một số người nói.
Nếu không nghiêm, sẽ có nhiều Diễm Hương, Anh Thúy?
Nếu không nghiêm, sẽ có nhiều Diễm Hương, Anh Thúy?
Phải xử lí
“Cục NTBD báo cáo lãnh đạo Bộ rằng xét thấy bước đầu Diễm Hương nhận ra sai lầm, hôm 8/4, Cục NTBD ra văn bản số 263 với hai nội dung: Tiếp tục yêu cầu đơn vị tổ chức phải đưa ra hình thức kỷ luật đối với cô này, theo đề án được Bộ phê duyệt.
Thứ hai là yêu cầu các Sở chấn chỉnh khâu thẩm định, xác minh hồ sơ lý lịch, thanh kiểm tra hoạt động biểu diễn, đặc biệt đối với các cá nhân vi phạm trong đó có Diễm Hương”, ông Chương lên tiếng, sau một thời gian im lặng với báo chí.
Trước khi có văn bản chính thức của Cục NTBD, dư luận đặt câu hỏi rằng cơ quan quản lí đành bó tay trước vi phạm của Diễm Hương? Bằng chứng là văn bản tạm dừng biểu diễn đối với Diễm Hương khiến một số người không đồng tình, cho rằng Cục “triệt đường sống”, và Cục không có quyền cấm cô này trong lĩnh vực đóng phim, quảng cáo.
Ông Nguyễn Đăng Chương giải thích, văn bản tạm dừng biểu diễn không phải văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ mang tính chất hướng dẫn về công tác quản lí khi Diễm Hương không chịu hợp tác.
Trong trường hợp đơn vị tổ chức không xử lí vi phạm của Diễm Hương, Cục sẽ có động thái như thế nào? “Nếu đơn vị tổ chức cố tình không xử lí, Cục sẽ báo cáo lãnh đạo Bộ có ý kiến chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện đúng quy định, không thể để như thế này được. Bởi nếu như thế sẽ có nhiều Diễm Hương khác”, Cục trưởng khẳng định.
Hơn một tháng trôi qua kể từ khi Cục phát giác vụ việc Diễm Hương gian dối, đến nay Cục ra hai văn bản yêu cầu xử lí, nhưng chốt lại vẫn phải chờ đơn vị tổ chức đưa ra hình thức. Dư luận cũng đặt câu hỏi, liệu có hay không việc đưa đẩy trách nhiệm trong xử lí vi phạm. Ông Chương nói rằng, theo quy định, trách nhiệm xử lí thuộc về đơn vị tổ chức, chứ không phải Cục. Đơn vị tổ chức trước đó hai lần gửi văn bản đề nghị Cục hướng dẫn, vì soi vào NĐ 79, không hề có điểm nào quy định xử phạt thí sinh vi phạm của cuộc thi hoa hậu.
“Đời sống thực tế rất phức tạp, nhưng những người xây dựng NĐ 79 chưa nhìn thấy, dự báo được những việc sẽ diễn ra. Thậm chí đã diễn ra rồi nhưng cũng thiếu: Hình thức kỷ luật đối với các thí sinh ở các cuộc thi hoa hậu người đẹp, người mẫu sau khi đạt danh hiệu vi phạm pháp luật, tư cách đạo đức kém, có hành vi trái với đạo lí.
Trong quyết định 87 do Bộ ban hành năm 2008 quy định rõ hơn trách nhiệm, hình thức tước vương miện thế nào, nhưng trong nghị định 79 không hề có”, ông Chương lí giải. Trường hợp của Diễm Hương, thời điểm vi phạm vẫn chịu sự điều chỉnh của Quyết định 87 về thi hoa hậu, người mẫu chứ không phải NĐ 79.
Không chỉ có Diễm Hương
Sau vụ việc Diễm Hương, mới đây ca sĩ Anh Thúy lại giả danh đi thi Nhân tố bí ẩn. “Người ta biết sai nhưng cố ý vi phạm, lấy chứng minh thư, tên người khác để làm hồ sơ, đeo mặt nạ đi thi. Đài THVN và công ty Cát Tiên Sa cũng có văn bản giải trình, bản thân đơn vị tổ chức cũng bị lừa”, ông Chương nói.
Chả nhẽ cứ nói đơn vị tổ chức bị lừa là xong? Ông cho rằng đơn vị tổ chức cũng phải nhận trách nhiệm, không thể đổ hết cho thí sinh, riêng cá nhân vi phạm đến đâu chịu trách nhiệm trước pháp luật đến đó.
Một năm trở lại đây, tình trạng lộn xộn trong biểu diễn nghệ thuật có giảm bớt đáng kể. Dưới góc độ quản lí nhà nước, Cục NTBD ra gần 200 văn bản hướng dẫn, tăng cường vai trò quản lí nhà nước, yêu cầu chấn chỉnh thẩm định hồ sơ, thanh kiểm tra -điều trước đây bị buông lơi, dẫn đến nhiều sai phạm. Được biết, hầu như không Sở VH-TT&DL nào phát hiện, báo cáo vi phạm trong lĩnh vực biểu diễn, chủ yếu đều qua đường dây nóng, cơ quan truyền thông.
“Ở đây cũng phải nhìn thẳng trách nhiệm Cục NTBD, còn thiếu sót trong thẩm định hồ sơ. Trong phần kê khai lí lịch, phần chồng con Diễm Hương bỏ trống, gạch chéo. Lẽ ra phải ghi rõ chưa kết hôn theo quy định. Đối với đơn vị tổ chức, Cục cũng có văn bản yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc, vì họ cũng bị lừa. Đây là điều cơ quan quản lí nhà nước phải rút kinh nghiệm”, đại diện Cục NTBD thừa nhận.
Về những sai phạm có thể xảy ra trong thời gian tới, và để tránh tình trạng khúc mắc trong xử lí vi phạm, ông Cục trưởng nhấn mạnh, sẽ “siết chặt quản lí hơn nữa trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Dẫu có diễn biến phức tạp thế nào, trách nhiệm vẫn thuộc về cơ quan quản lí nhà nước.
Cục phải đưa ra những biện pháp để từng bước ngăn chặn kịp thời, dẫn đến một thời điểm ngăn chặn triệt để những hành vi, hiện tượng sai phạm thường diễn ra trong lĩnh vực này. Nếu buông lỏng thì hoạt động biểu diễn sẽ đi về đâu?!”.

Đọc thêm