Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ sản xuất các dòng sản phẩm công nghệ cao phục vụ cho nhu cầu trong nước cũng như xuất khẩu ra thị trường Châu Á như: hệ thống SCADA, hệ thống bảo vệ điều khiển trạm biến áp, Modul full type-test Prisma iPM, Modul trung thế hợp bộ 22kV và 38.5kV.
Về phần cứng, nhà máy số 3 sẽ sản xuất các thiết bị điện theo hợp đồng chuyển giao công nghệ trong đó có sản phẩm full type-test Prisma iPM. Đây là dòng sản phẩm công nghệ cao mà hãng Schneider đã chuyển giao công nghệ sản xuất cho ACIT.
Trọng tâm của dự án sẽ là phần mềm AC SCADA, đây là phần mềm do Công ty CP kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) nghiên cứu và phát triển. ACIT có thể chủ động hoàn toàn về việc sản xuất và tích hợp hệ thống SCADA vào các sản phẩm thiết bị điện công nghệ cao nêu trên. Đồng thời, nghiên cứu, phát triển các modul, thiết bị, giải pháp tích hợp IoT cho hệ thống sản phẩm của dự án.
Đại diện lãnh đạo Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cho biết, công tác thu hút đầu tư vào Khu CNC Hòa Lạc đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Trong 10 tháng của năm 2018, đã có 8 dự án với tổng mức đầu tư gần 14.000 tỉ đồng trên diện tích 26,3 ha được cấp chứng nhận đầu tư tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.Vốn đầu tư bình quân đối với 1ha đất tại Hòa Lạc tăng nhanh so với các năm trước ( năm 2016 khoảng 13 triệu USD/ha, năm 2017 là 19 triệu USD/ha, năm 2018 khoảng 22 triệu USD/ha).
Hiện cơ sở hạ tầng đồng bộ tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc cũng được đầu tư bằng vốn ODA của Nhật Bản. Các hạ tầng “mềm” như nhà ở, trường học, bệnh viện, nhà hàng, chuỗi cung ứng nhân lực chất lượng cao... đang được triển khai tạo thuận lợi khi nhà đầu tư làm việc tại Hòa Lạc.
Khu Công nghệ cao Hòa Lạc đã xây dựng ngân hàng số về thông tin khoa học và công nghệ với khoảng 10.000 chuyên gia, 22. 500 đề tài, dự án các cấp, 3.500 bằng phát minh, 900 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ, 400 phòng thí nghiệm nhằm hỗ trợ cho hoạt động chuyển giao công nghệ và ươm tạo doanh nghiệp.