Khu sinh thái Cồn Chim - “ốc đảo xanh” tuyệt mỹ ở Bình Định

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Khu sinh thái Cồn Chim (thuộc các xã Phước Sơn, Phước Hòa, Phước Thuận, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) mang vẻ đẹp thanh bình, yên ả được phủ bởi lớp áo xanh ngút ngàn của sóng nước, mây trời và cánh rừng ngập mặn.
Khu sinh thái Cồn Chim được mệnh danh là “ốc đảo xanh” của Bình Định.
Khu sinh thái Cồn Chim được mệnh danh là “ốc đảo xanh” của Bình Định.

Nằm giữa đầm Thị Nại, khu sinh thái Cồn Chim có diện tích khoảng 480ha, được mệnh danh là “ốc đảo xanh” của Bình Định. Ở khu sinh thái này, duy nhất xóm Cồn Chim (thôn Vinh Quang 2, xã Phước Sơn) có cư dân sinh sống, tạo nên “làng chài ốc đảo” độc đáo giữa đầm phá. Hiện nay, xóm có 260 hộ dân với hơn 1.400 nhân khẩu.

Người dân xóm Cồn Chim sống chủ yếu bằng nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Mỗi hộ dân ở đây đều có khoảng 2 - 3ha đìa ven rừng ngập mặn để thả nuôi tôm, cua, cá tự nhiên kiểu gối vụ, đa loài. Hằng năm, người dân khai thác cua, cá giống sinh sản trong vùng rừng ngập mặn đem thả vào đìa nuôi hoặc đến các trang trại mua tôm giống bạc, tôm giống sú… về nuôi bổ sung.

Khu sinh thái Cồn Chim được phủ cây xanh.
Khu sinh thái Cồn Chim được phủ cây xanh.

Năm 2004, dự án phục hồi sinh thái và khai thác, sử dụng hợp lý nguồn lợi vùng Cồn Chim - đầm Thị Nại được chính thức triển khai. Sau đó, khu sinh thái Cồn Chim đã nhanh chóng được phủ cây xanh. Chính quyền áp dụng cơ chế giao khoán cho cộng đồng bảo vệ, gìn giữ được hàng chục ha rừng ngập mặn, tạo hành lang bảo vệ khu dân cư ven đầm.

Rừng ngập mặn tại khu sinh thái Cồn Chim chủ yếu trồng các loại cây bần, đước. Khi mới trồng, các loại cây rất khó sống nên phải chăm sóc kỹ, bảo vệ từng thân cây, cánh lá và rễ để cây bám vào đất, sinh trưởng tốt. Nhờ được chăm sóc và bảo vệ tốt trong thời gian dài nên hiện nay nhiều thân cây có đường kính 15cm, chiều cao trung bình 4 - 5m, mỗi cây cách nhau 1m. Rừng ngập mặn được bảo vệ tốt trở thành nơi cung cấp thức ăn, chỗ ở và nơi sinh sản cho nhiều loài cua, cá, tôm, các loài chim, động vật có vú.

Rừng ngập mặn được bảo vệ tốt trở thành nơi cung cấp thức ăn, chỗ ở và nơi sinh sản cho nhiều loài cua, cá, tôm, các loài chim, động vật có vú.
Rừng ngập mặn được bảo vệ tốt trở thành nơi cung cấp thức ăn, chỗ ở và nơi sinh sản cho nhiều loài cua, cá, tôm, các loài chim, động vật có vú.

Để phục vụ công tác nghiên cứu và bảo tồn, khu sinh thái Cồn Chim được chia ra nhiều khu vực chức năng như: khu nuôi sinh thái kết hợp trồng rừng ngập mặn, khu bảo tồn cỏ biển, khu sân chim, khu nuôi động vật thân mềm.

Khu sinh thái Cồn Chim được quy hoạch xây dựng, phát triển thành khu du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng chú trọng giữ gìn vẻ hoang sơ của đầm Thị Nại. Và, từ đầu năm 2022 đến nay, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng như các hộ dân ở địa phương đã mua sắm thuyền, sõng để cập nhật các tour thưởng ngoạn tại khu sinh thái này.

Đến Khu sinh thái Cồn Chim, du khách có thể hòa mình cùng thiên nhiên, nghe tiếng chim ríu rít nơi cành cao.
Đến Khu sinh thái Cồn Chim, du khách có thể hòa mình cùng thiên nhiên, nghe tiếng chim ríu rít nơi cành cao.

Du khách đến khu sinh thái Cồn Chim có thể đón ánh bình minh vừa ló dạng trên mặt đầm, chiêm ngưỡng những chiếc sõng của ngư dân cập bến mang đầy ắp cá, tôm thu được sau một đêm dài đánh bắt. Ở đây, du khách có thể ngồi thuyền, sõng xuôi theo dòng nước để dạo quanh khu rừng ngập mặn, hòa mình cùng thiên nhiên, nghe tiếng chim ríu rít nơi cành cao, cùng đàn cá vẫy đuôi tung tăng dưới nước, thả hồn phiêu lãng cùng những áng mây xanh giữa trời cao bao la để xua đi bao bộn bề và tấp nập của cuộc sống hiện đại, tận hưởng từng giây phút yên ả tự tại.

Vẻ đẹp đắm say lòng người ở Khu sinh thái Cồn Chim lúc hoàng hôn.
Vẻ đẹp đắm say lòng người ở Khu sinh thái Cồn Chim lúc hoàng hôn.

Ngoài ra, du khách có thể thong thả dạo chơi trên những triền đê lối nhỏ rợp bóng mát của từng tán rừng ngập mặn xanh ngát, dẫn lối ra những đìa nuôi trồng thủy sản của người dân nơi đây. Du khách cũng có thể theo chân các ngư dân để trải nghiệm đánh bắt thủy sản. Đến đây, du khách không nên bỏ lỡ thưởng thức ẩm thực dân dã, đặc biệt là các món hải sản tươi ngon được ngư dân đánh bắt ngay trong khu sinh thái.

Đọc thêm