Khu vui chơi “đẹp hơn cả trên ảnh”
Đến công viên Ô Mễ vào một buổi sáng Chủ nhật, PV ghi nhận rất nhiều xe từ khắp nơi đổ về đây để thăm quan. Du khách đến đây đa phần là những gia đình trẻ, cuối tuần chở con nhỏ đến thay đổi không khí.
Khu vui chơi có quy mô lớn, kiến trúc đẹp. Những bể cá koi hàng trăm con rực rỡ nhiều màu sắc, đôi thiên nga trắng nhởn nhơ rỉa lông trên hồ nước, những tán cây tùng bách được tạo cảnh quan thành như những khu rừng thu nhỏ, tượng nữ thần tự do, tượng voi, hươu cao cổ y như thật… đều khiến người xem thích thú.
|
Một số hình ảnh của khu vui chơi. |
Anh Nguyễn Văn Tưởng, nhà ở cách đó khoảng 10km, nói: “Không ngờ một khu vui chơi tư nhân mà quy mô lớn như vậy, cảnh quan rất thoáng mát, sạch sẽ. Bọn trẻ nhà tôi thoải mái chạy nhảy hết góc này đến góc khác, còn vợ tôi thì mê mải chụp ảnh “sống ảo” suốt từ sáng đến trưa chưa chán”.
Cô Đỗ Thị Mai (ngụ TP Hải Dương) cho biết, nghe nói công viên ở dưới huyện Tứ Kỳ còn đẹp hơn ở thành phố, nên sáng nay nhóm bạn đồng niên 20 người thuê cả một chuyến xe du lịch xuống thăm quan. Cô Mai trầm trồ: “Đẹp quá, kỳ công quá! Đẹp hơn cả trên ảnh”.
|
Người dựng nên công viên thôn Ô Mễ, ông Nguyễn Văn Chiến chia sẻ, quê ông là vùng chuyên trồng rau màu, người dân nổi tiếng cần cù, chăm chỉ. Không như các làng quê khác, thường chỉ trồng 2 vụ lúa/năm; ở đây mùa lạnh thì su hào, súp lơ, cà chua, bắp cải; mùa nóng thì dưa hấu, dưa lê, dưa vàng…. Vườn ruộng ở đây quay vòng liên tục, quanh năm, đất không lúc nào được nghỉ.
Việc luân canh, xen canh như vậy mang đến cho người dân cuộc sống khấm khá, tuy nhiên việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thường xuyên là điều không thể tránh khỏi. Nhà nhà phun thuốc sâu, vườn vườn phun thuốc sâu. Suốt nhiều năm trời, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn tại trong nguồn nước, nguồn đất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân.
Nhà ở cạnh đồng, vì vậy ngay từ khi còn trẻ, ông Chiến cho rằng luôn mong muốn có được nhiều tán cây xanh để thanh lọc không khí.
Từ những năm 2008, ông Chiến đã gom góp mua được vài sào vườn trước nhà để trồng những cây có bóng mát, ăn trái. Những hàng cây cao lớn, được trồng ngay hàng thẳng lối ban đầu là nơi bà trong thôn trưa nắng đi làm đồng về ngồi nghỉ, chiều tối lũ trẻ con nhỏ chạy nhảy nô đùa. Những rặng cây đầu tiên ấy đã hình thành một hàng rào xanh, ngăn hơi thuốc trừ sâu từ ngoài cánh đồng bay thẳng vào trong ngõ, xóm.
|
Người dân nhiều nơi tới thăm khu vui chơi Ô Mễ. |
Lợi ích rõ rệt như vậy, dần dần bà con bảo nhau, những hộ gia đình có ruộng ở gần đó họ đều nhượng lại đất cho gia đình ông Chiến, để trồng cây tạo bóng mát cho thôn.
“Tôi xin tặng lại thôn”
Đến năm 2016, kinh tế khấm khá hơn, vợ chồng ông Chiến đã mua được khoảng hơn 10.000m2 đất của các hộ dân. Đồng thời, ông cũng đấu thầu hơn 1.400m2 đất công điền và đất giao thông, thủy lợi của UBND xã Hưng Đạo. Năm 2018, toàn bộ khu đất trên được UBND huyện Tứ Kỳ cho phép chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Ông Chiến chia sẻ: “Xuất phát điểm là tôi mong có một công viên với thật nhiều cây xanh và những công trình tạo cảnh quan cho bà con vui chơi. Tuy nhiên, do chưa hiểu biết pháp luật, nên tôi bị chính quyền phạt do sử dụng đất chưa đúng mục đích. Sau khi được giải thích, tôi đã hiểu mặc dù mục đích ban đầu là tốt, nhưng cách làm của tôi chưa đúng trình tự, thủ tục”.
Sau khi hiểu ra, ông Chiến và vợ đã đề xuất tặng lại cho thôn Ô Mễ toàn bộ công viên nói trên để nhân dân làm nơi sinh hoạt cộng đồng vui chơi. Đề xuất của vợ chồng ông đã được người dân trong thôn hưởng ứng và chính quyền địa phương đồng thuận.
|
Ông Chiến (bên phải) trò chuyện với 1 du khách ghé thăm công viên. |
Ông Chiến nói: “Một số người nghĩ, do tôi bị kết luận là sử dụng sai mục đích đất nên mới tặng lại cho thôn. Thật ra không phải vậy, vốn dĩ ngay từ lúc còn sơ khai đến nay công viên chưa bao giờ có cổng, cũng chưa bao giờ có bảo vệ. Bà con không chỉ ở địa phương, ở các tỉnh khác đi xe du lịch theo đoàn cả trăm người tự nhiên vào chơi, không phải xin phép ai. Chúng tôi cũng không kinh doanh đồ ăn hay thức uống gì ở đây. Mọi người mang đồ ăn, đồ uống vào, vui chơi thoải mái xong, tự ý thức thu gom rác thải rồi ra về. Từ trước tới nay công viên vẫn là công viên miễn phí, thì đến bây giờ vẫn vậy. Tôi xin tặng lại thôn, để thôn quản lý cho bà con vui chơi”.
“Về phần mình, tôi vẫn sẽ hỗ trợ nhân công để chăm sóc cây xanh và bảo dưỡng các công trình vui chơi”. Đồng thời ông Chiến đề xuất: “Tôi mong muốn chính quyền có thể chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất công viên công cộng cho khu vực để bà con có nơi vui chơi thoải mái, dài lâu”.
Ông Phạm Văn Tiến, Chủ tịch UBND xã Hưng Đạo: “Mấy chục năm qua, ông Chiến là người đóng góp cho địa phương rất nhiều. Trước đây để các em nhỏ có chỗ vui chơi, ông Chiến cũng đã mua trang thiết bị, trồng cây xanh để làm công viên nhỏ trong xóm. Ông Chiến cũng là người hỗ trợ đóng góp cho địa phương xây cổng làng, đồng thời hỗ trợ trải nhựa cho con đường của xã nối liền 2 thôn dài cỡ hơn 2km. Hàng năm mọi hoạt động tưởng nhớ người có công hay hỗ trợ gia đình khó khăn, hỗ trợ học sinh của địa phương, ông Chiến đều tham gia rất nhiệt tình mà không bao giờ đề nghị vinh danh hay nêu tên gì cả”.