Gửi ngân hàng (NH) “giữ hộ” 10 cây vàng, người gửi vàng không những không lo mất cắp mà mỗi tháng có lợi tức hơn 1,3 triệu đồng.
|
“Giữ hộ” vàng và trả lợi tức là một hình thức lách quy định của Ngân hàng Nhà nước |
Ngân hàng làm phúc?
Hồi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “siết” chặt lãi suất, các NH không dám thỏa thuận lãi suất với khách hàng, chị K. (quận Đống Đa, Hà Nội) quyết định rút hết tiền tiết kiệm mua vàng. Mua được 10 cây vàng với giá hơn 43 triệu đồng/cây, 1 tháng sau giá vàng “sốt” lên tới 49 triệu đồng/lượng, chị K mừng lắm. 10 cây vàng một tháng lãi đến 60 triệu, buôn gì bằng…
Thế nhưng chỉ ít hôm sau, giá vàng tụt dốc thê thảm, còn rớt xuống thấp hơn cả giá hồi chị mua vào khiến chị K đứng ngồi không yên… Rồi Tết ra, giá vàng cũng nhích lên 45-46 triệu đồng/lượng và cả tháng nay vẫn quanh quẩn ở mức đó và vì thế 10 cây vàng cũng “không chửa, không đẻ” được.
Chưa biết đầu tư vào đâu thì chị K nhận được tin nhắn của NH mà trước đây chị có quan hệ gửi tiền mời chào “giữ hộ” vàng với lợi tức lên tới 3,5%/năm. Đến tận nơi tìm hiểu, nhân viên NH đon đả giải thích, đại loại không phải gửi tiết kiệm bằng vàng mà là NH “giữ hộ” vàng, khách hàng không những yên tâm không sợ để vàng trong nhà không an toàn mà còn được hưởng lợi tức.
Tuy nhiên, không như gửi tiết kiệm, gửi vàng ở đâu thì đến đó lấy, còn muốn lấy bằng tiền phải lên hội sở. Nhẩm tính 10 cây vàng gửi NH (“giữ hộ”) lợi tức 3,5%, tính ra mỗi tháng “lãi” hơn 0,29 chỉ, tính vàng 45 (4,5 triệu đồng/chỉ) lãi hơn 1,3 triệu đồng - một khoản cũng không tồi, trong khi nhiều dự báo cho thấy giá vàng còn tăng trong năm 2012.
Sau một hồi tính toán với sự hỗ trợ của nhân viên NH, chị K. quyết định gửi 10 cây vàng. Thay vì cầm quyển sổ tiết kiệm như gửi tiền, chị K. nhận một bản “Hợp đồng sử dụng dịch vụ giữ hộ vàng” của NH…
Theo ghi nhận của phóng viên, lợi tức “giữ hộ” vàng 3,5%/năm hiện nay là mức cao nhất. Trước đó, khách hàng cá nhân mở mới tài khoản vàng “giữ hộ” và tham gia chương trình “Kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng” tại Eximbank được áp dụng mức lãi suất 3%/năm đối với kỳ hạn gửi 1-3 tháng; ACB cũng có mức lãi suất lên đến 3%/năm đối với chứng chỉ huy động vàng ở sản phẩm “Ngày vàng ACB”. Lãi suất chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng của SCB cũng được ghi nhận mức 3,5%/năm…
“Lách” luật?
Thực ra không phải mới đây các NH mới có dịch vụ giữ hộ vàng. Ngay sau khi Thông tư 22/2010/TT-NHNN ngày 29/10/2010 của NHNN quy định về huy động và cho vay bằng vàng của tổ chức tín dụng (TCTD) được ban hành, trong đó quy định các TCTD chỉ được huy động vốn bằng vàng thông qua phát hành giấy tờ có giá, nhiều NH đã tung ra dịch vụ mới này.
Tinh thần này vẫn được khẳng định tại Thông tư 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011 quy định về chấm dứt huy động và cho vay vốn bằng vàng của TCTD và Thông tư Thông tư số 32/2011/TT-NHNN ngày 6/10/2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 11/2011/TT-NHNN ngày 29/4/2011.
Thông tư 11/2011/TT-NHNN thay thế Thông tư 22/2010/TT-NHNN còn quy định: “TCTD không được thực hiện cho vay vốn bằng vàng đối với khách hàng và các TCTD khác (kể cả các hợp đồng tín dụng đã ký kết nhưng chưa giải ngân hoặc giải ngân chưa hết); không được gửi vàng tại TCTD khác; không được thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đầu tư và các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng. TCTD không được huy động vốn bằng vàng, trừ trường hợp phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng để chi trả vàng theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ để chi trả. Việc phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng của TCTD chấm dứt vào ngày 01/5/2012…”.
Với các quy định này, không biết các TCTD “giữ hộ” vàng làm gì để có lãi để trả lợi tức cho khách hàng?.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực NH, việc các TCTD “giữ hộ” vàng và trả lợi tức là một hình thức lách quy định của NHNN. “Ai đời NH “giữ hộ” vàng, không những giữ không công mà còn trả lợi tức. Chuyện lạ đời này chắc chỉ có ở Việt Nam” - vị chuyên gia này bình luận.
Cũng bởi dự báo được sự bấp bênh của dịch vụ này mà trong hợp đồng sử dụng dịch vụ “giữ hộ” vàng, NH đã phải “thòng” thêm một câu trong phần “Nghĩa vụ và quyền” của NH: “Yêu cầu khách hàng nhận lại vàng bất cứ lúc nào sau khi đã báo trước cho khách hàng một thời gian hợp lý” (!?).
Hiểu My