Khuất tất những "thương vụ bạc tỷ" của Haprosimex

Nhiều khu "đất vàng" giao cho Cty Sản xuất – Xuất khẩu tổng hợp Hà Nội (Haprosimex, DN 100% vốn nhà nước) được sang tên cho các đối tác. Không ít khu đất của DN này nằm ở khu phố trung tâm đã mọc lên những tòa tháp với các căn hộ cao cấp. Có những thương vụ "đổ bể", bị cơ quan chức năng xác định có nhiều sai phạm.

Nhiều khu "đất vàng" giao cho Cty Sản xuất – Xuất khẩu tổng hợp Hà Nội (Haprosimex, DN 100% vốn nhà nước) được sang tên cho các đối tác. Không ít khu đất của DN này nằm ở khu phố trung tâm đã mọc lên những tòa tháp với các căn hộ cao cấp. Có những thương vụ "đổ bể", bị cơ quan chức năng xác định có nhiều sai phạm.

Khu đất của Haprosimex tại 88 Láng Hạ đã biến thành nhiều căn hộ chung cư cao cấp
Khu đất của Haprosimex tại 88 Láng Hạ đã biến thành nhiều căn hộ chung cư cao cấp

Lật lại thương vụ “Sky City Tower”

Trung tuần tháng 10/2012, trong khi thị trường bất động sản vẫn sụt sùi và khó tìm khách mua thì lời rao bán chung cư Sky City Tower tại 88 Láng Hạ với mức giá công bố đã được nhiều khách hàng lắc đầu, “nghe để biết”. Với mức giá được đề ra là “thỏa thuận” nhưng chủ nhân căn hộ số 5 tòa nhà A cho biết, sẽ “dao động” từ 2.350 USD đến 2.500 USD/m2.

Trước khi tòa nhà thương mại Sky City Tower mọc lên, thực chất, đây là đất do Haprosimex quản lý. Bằng những thỏa thuận hợp tác và hợp đồng chuyển nhượng, giới đầu tư bất động sản và khách mua hàng sau đó hầu như không thấy tên tuổi của DNNN này còn bóng dáng trong khu đất. Thay vào đó, chủ thật sự của tòa nhà sau đó được công bố là Cty TNHH Hanotex, tên DN giống một nhãn hàng chuyên về dầu nhớt một thời đình đám tại Việt Nam.

Việc chuyển nhượng dự án đầu tư của Hapropsimex chính là phần xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị lợi thế địa lý và lợi thế thương mại cho 3.000m2 đất tại Láng Hạ và 6.465m2 đất tại Xuân Thủy chưa được các cơ quan, các ngành của TP. Hà Nội xác định.

Đây là yếu tố bắt buộc để xác định giá trị khi chuyển nhượng dự án, đến thời điểm 2011, Haprosimex mới chỉ nhận được 10 tỷ đồng đối với mỗi dự án đã gây thiệt hại lớn cho ngân sách thành phố và DNNN.

Ngày 17/3/2007, Haprosimex ký hợp đồng với liên danh gồm hai Cty Hanotex và Cty CP đầu tư và xây dựng đô thị Hà Nội, theo đó, các bên sẽ góp vốn thực hiện thực hiện dự án tại 88 Láng Hạ.

“Vốn” mà Haprosimex góp vào đấy được xác định là lô đất hơn 3.000m2 tại 88 Láng Hạ, vốn của liên doanh là tiền để thực hiện dự án. Khi góp đất, Haprosimex được sử dụng diện tích tầng hai và 20% số căn hộ để bán cho cán bộ, công nhân viên; đồng thời, phía liên doanh trong dự án phải nộp cho chủ khu đất thêm 10 tỷ đồng.

Sau khi hợp đồng được ký kết, Haprosimex đã “bàn giao” toàn bộ "số phận" của khu đất và dự án cho Hanotex bằng một phụ lục hợp đồng.

Theo đó, Haprosimex “phóng khoáng” cam kết cho Hanotex “toàn quyền đại diện” Haprosimex để “làm việc, thỏa thuận, ký kết các nội dung liên quan đến sản phẩm của dự án với đối tác khách hàng”. Điều này, theo kết quả thanh tra mới đây đã được xác định là “trái với Luật Đầu tư”.

“Nhấn chìm” cả luật

Thương vụ của Haprosimex tại hợp đồng ký ngày 17/3/2007 nhằm chuyển nhượng dự án, được xác định có nhiều sai phạm. Mặc dù được UBND TP. Hà Nội giao cho làm chủ đầu tư dự án tổ hợp căn hộ cao cấp và văn phòng cho thuê tại 88 Láng Hạ, tuy nhiên, Haprosimex đã tự ý chuyển nhượng dự án mà không chấp hành đầy đủ các yêu cầu theo quy định.

Cơ quan chức năng cho hay, Haprosimex đã vi phạm Luật Kinh doanh bất động sản, bởi DN này không có vốn pháp định về kinh doanh bất động sản; ngoài ra, việc chuyển nhượng dự án nói trên không được cơ quan chức năng thẩm định.

Cũng theo cơ quan chức năng, việc chuyển nhượng dự án của Haprosimex chính là phần xác định giá trị quyền sử dụng đất, giá trị địa lý và lợi thế thương mại cho hơn 3.000m2 tại 88 Láng Hạ chưa được các cơ quan chức năng xác định. Đây là yếu tố bắt buộc để xác định giá trị chuyển nhượng dự án nhưng đến thời điểm năm 2011, Haprosimex mới chỉ nhận được 10 tỷ đồng. Điều này được xác định là “gây thiệt hại lớn cho ngân sách”.

Tai tiếng của Haprosimex chưa dừng lại ở việc sang tay dự án ở Láng Hạ, khi năm 2008, DN này còn “dính líu” đến bê bối trong một hợp tác với một DN khác tại khu đất hơn 6.000m2 tại quận Cầu Giấy.

Giống như ở 88 Láng Hạ, vốn góp của Haprosimex trong dự án nhà ở tại 9A/233 Xuân Thủy là “giá trị quyền sử dụng đất” với quy mô 6.465m2; tuy nhiên, ngay sau đó, lãnh đạo Haprosimex cũng đã đặt bút ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ dự án với giá 54,2 tỷ đồng.

Cơ quan có thẩm quyền cho rằng, Haprosimex đã chuyển nhượng toàn bộ dự án trong khi mới được TP. Hà Nội chấp thuận về chủ trương là vi phạm pháp luật, không chấp hành ý kiến của TP. Hà Nội.

Là Cty 100% vốn Nhà nước, nhưng hai thương vụ nói trên mới chỉ là vụ việc điển hình của Haprosimex. Trong hàng loạt hoạt động của mình, Haprosimex còn bị xác định có sai phạm trong việc cho DN khác thuê lại nhà tại phố Hàng Lược…

PVKT

Đọc thêm