Khủng hoảng người di cư ở biên giới Belarus -Ba Lan và Litva ngày càng leo thang

(PLVN) - Reuters đưa tin, tình trạng căng thẳng về người di cư tại biên giới Belarus với Ba Lan và Litva làm leo thang cuộc khủng hoảng kéo dài nhiều tháng đã thúc đẩy các biện pháp trừng phạt chặt chẽ hơn đối với Minsk.
Người di cư tập trung ở biên giới Belarus-Ba Lan ở vùng Grodno, Belarus. Ảnh: Reuters (chụp ngày 8/11/2021)

Biên giới Ba Lan căng thẳng trước "nỗ lực" xâm nhập của người di cư

Hôm 8/11, vài nghìn người di cư đã tiếp cận biên giới Ba Lan. Một số người trong số họ đã cố gắng vào Ba Lan bằng cách phá hàng rào thép gai trước sự ngăn chặn của lực lượng cảnh sát và biên phòng Ba Lan.

Một phát ngôn viên của cơ quan đặc nhiệm Ba Lan, Stanislaw Zaryn, cho biết các nhân viên an ninh đã phải "bắn chỉ thiên" để ổn định tình hình. Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki đã đến thăm khu vực này vào đầu ngày thứ Ba để bày tỏ sự ủng hộ đối với hàng nghìn binh sĩ, cảnh sát và lực lượng biên phòng được triển khai ở đó.

Quân đội Ba Lan ngăn chặn nỗ lực của người di cư phá hàng rào thép gai ở biên giới với Belarus. Ảnh: TASS

Quân đội, cảnh sát Ba Lan triển khai ở biên giới để đối phó làn sóng di cư. Ảnh: Reuters

Theo một số ước tính, tổng cộng, có tới 2.000 người di cư đã "chầu chực" ở gần biên giới Ba Lan. Các nhà chức trách Ba Lan lo ngại rằng họ có thể cố gắng tấn công biên giới một lần nữa. Lực lượng Biên phòng Ba Lan cho biết họ đã ngăn chặn 309 nỗ lực vượt biên trái phép vào thứ Hai và 17 người, chủ yếu là người Iraq, đã bị bắt giữ.

Hơn 30.000 người di cư đã cố gắng vượt qua biên giới Ba Lan-Belarus kể từ đầu năm 2021. Ba Lan đã ban bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực giáp biên giới với Belarus để ngăn chặn bất kỳ sự xâm nhập nào của người di cư ở đó.

Warsaw đã và đang xây dựng một cách có hệ thống quân đội tham gia bảo vệ biên giới với việc huy động hai tiểu đoàn bảo vệ lãnh thổ được thành lập như những đội quân tình nguyện như Vệ binh Quốc gia.

Theo một bài đăng trên Twitter của ông Blazej Pobozy, Thứ trưởng Nội vụ Ba Lan, Ba Lan đã tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới với Belarus lên tới 20.000 quân từ quân đội, cảnh sát và biên phòng. Các nhà chức trách Ba Lan ước tính có tổng số 12.000-14.000 người di cư bất hợp pháp có thể ở lại Belarus.

Ba Lan đã dựng một hàng rào thép gai ở biên giới với Belarus và có kế hoạch biến nó thành một hàng rào kiên cố hơn, cao khoảng 5m được trang bị cảm biến chuyển động và các thiết bị khác.

Belarus dùng người di cư để "trả đũa" EU?

Ba Lan và các quốc gia thành viên EU khác cáo buộc Belarus khuyến khích người di cư bất hợp pháp từ Trung Đông, Afghanistan và châu Phi vượt biên sang EU để trả thù các lệnh trừng phạt đã giáng lên Minsk vì vi phạm nhân quyền.

Nhưng Chính phủ của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko luôn phủ nhận việc gây ra cuộc khủng hoảng người di cư và đổ lỗi cho châu Âu và Hoa Kỳ về hoàn cảnh của những người bị mắc kẹt ở biên giới.

Hôm thứ Ba, Hãng thông tấn BelTA dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Belarus cho biết: "Những người di cư này không vi phạm luật pháp. Họ đang ở trên lãnh thổ của Cộng hòa Belarus một cách hợp pháp vì họ đến đất nước chúng tôi bằng thị thực. Những người này đang chạy trốn chiến tranh và đang cố gắng vào EU. Là một đất nước hiếu khách, chúng tôi luôn sẵn sàng chào đón tất cả mọi người".

Theo Bộ trưởng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ Belarus là duy trì trật tự công cộng được đảm bảo ở cả Minsk và các khu vực biên giới. "Tôi muốn lưu ý rằng không có vấn đề gì với người di cư ở Belarus hiện nay. Chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc tham vấn phòng ngừa với họ và họ phản hồi tốt".

Cùng ngày, TASS đưa tin, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố coi các hành động gần đây nhất của Ba Lan là hành động "hăm dọa", khi Warsaw điều xe tăng Leopard đến thị trấn biên giới Biala Podlaska với Belarus trong bối cảnh cuộc khủng hoảng leo thang hiện nay giữa hai quốc gia gây ra bởi những nỗ lực xâm nhập lãnh thổ EU từ Belarus của những người di cư bất hợp pháp.

Hơn 30.000 người di cư đã cố gắng vượt qua biên giới Ba Lan-Belarus kể từ đầu năm 2021. Ảnh: Reuters

Ủy ban châu Âu hôm thứ Ba cho biết Belarus đang áp dụng cách tiếp cận "kiểu xã hội đen" đối với vấn đề này bằng cách cho phép người di cư dễ dàng vào EU thông qua lãnh thổ của mình một cách bất hợp pháp. Ủy ban cho biết nhiều biện pháp trừng phạt chống lại Minsk đang được thực hiện. Các chính phủ EU đã đình chỉ một phần thỏa thuận tạo điều kiện cấp thị thực cho các quan chức Belarus.

"Công dân của các quốc gia này (ở Trung Đông và những nơi khác) đang bị lạm dụng, đang trở thành nạn nhân của các hoạt động do nhà nước bảo trợ", một phát ngôn viên của Ủy ban nói trong một cuộc họp. Cơ quan tị nạn của Liên hợp quốc (UNHCR) cũng kêu gọi chấm dứt việc sử dụng những người dễ bị tổn thương làm con tốt chính trị.

Nga lo ngại, Litva ban bố tình trạng khẩn cấp

Điện Kremlin hôm thứ Ba ca ngợi những gì họ gọi là công việc "có trách nhiệm" của các nhân viên an ninh Belarus tại biên giới và cho biết họ đang liên hệ chặt chẽ với Minsk về cuộc khủng hoảng. Đồng thời kêu gọi tất cả các bên hành động có trách nhiệm.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, Moscow hy vọng rằng tình hình tại biên giới Belarus-Ba Lan sẽ không biến thành mối đe dọa đối với an ninh của Nga. Thư ký báo chí Điện Kremlin khẳng định rằng Moscow và Minsk vẫn thường xuyên liên lạc về tình hình này "thông qua tất cả các kênh có thể, kể cả những kênh thuộc các dịch vụ đặc biệt".

"Đó là lý do tại sao, tất nhiên, có sự trao đổi thông tin. Nhưng tôi xin nhắc lại một lần nữa: đây là một vấn đề, một vấn đề thực sự liên quan đến Belarus và Ba Lan. Tất nhiên, chúng tôi khá lo ngại về tình hình này”, ông Peskov chỉ ra.

Người di cư tập trung ở biên giới Belarus-Ba Lan ở vùng Grodno, Belarus. Ảnh: Reuters (chụp ngày 8/11/2021)

Các nhóm nhân đạo cáo buộc những người theo chủ nghĩa dân tộc cầm quyền của Ba Lan vi phạm quyền tị nạn quốc tế khi đẩy người di cư trở lại Belarus thay vì chấp nhận đơn xin bảo vệ của họ. Ba Lan nói rằng các hành động của họ là hợp pháp.

Ba Lan cho biết cho đến nay đã có 7 người di cư được tìm thấy đã chết ở phía bên kia biên giới, trong khi các báo cáo về số người chết nhiều hơn ở Belarus.

Trước sự căng thẳng về người di cư, Chính phủ của Litva đã yêu cầu ban bố tình trạng khẩn cấp ở các khu vực giáp biên giới với Belarus. Quyết định được đưa ra tại cuộc họp hôm thứ Ba của chính phủ.

Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte cho biết: “Quyết định được đưa ra có tính đến tình hình trầm trọng hơn ở khu vực biên giới". Theo thủ tục hiện hành, tình trạng khẩn cấp cần được Seimas (quốc hội) ban bố theo yêu cầu của Chính phủ.

Bộ Nội vụ Litva đề xuất, tình trạng khẩn cấp sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 10/11 tại khu vực biên giới và trong phạm vi 5 km tính từ đó, cũng như nơi ở của người di cư từ các nước châu Phi và châu Á muốn thâm nhập vào Litva thông qua Belarus. Tình trạng khẩn cấp được đề nghị kéo dài một tháng.

Tổng thống Nga và Belarus, Vladimir Putin và Alexander Lukashenko, hôm thứ Ba đã thảo luận về tình hình với những người tị nạn ở biên giới Belarus với Ba Lan và Litva, Điện Kremlin cho biết sau cuộc điện đàm giữa họ.

Trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã kêu gọi các nước Liên minh châu Âu tránh các "tiêu chuẩn kép" trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại biên giới Belarus với Ba Lan và Litva, mà cần "sử dụng một cách tiếp cận chung trong những gì liên quan đến vị trí của các quốc gia Liên minh châu Âu".

Ông nhấn mạnh: "Cuộc khủng hoảng này bắt nguồn từ chính sách mà NATO và các nước EU theo đuổi ở Trung Đông và Bắc Phi trong nhiều năm".

Đọc thêm