Khủng hoảng thừa và thiếu của truyền hình thực tế Việt

(PLO) - Vài năm gần đây, truyền hình thực tế Việt Nam đang đối mặt với tình trạng “bội thực” những gameshow, ca nhạc, tạp kỹ chỉ phục vụ mục đích giải trí. Thế nhưng, những chương trình thực tế về giáo dục, khoa học, lối sống, nghệ thuật lại bị thiếu vắng trầm trọng.

Các chương trình truyền hình thực tế Việt đều đề cao tính giải trí và kịch tính.
Các chương trình truyền hình thực tế Việt đều đề cao tính giải trí và kịch tính.

Giải trí đi cùng với nhảm nhí

Trong thời đại của các chương trình truyền hình thực tế, khán giả Việt dường như đã và đang bị “bội thực” bởi sự lặp đi lặp lại về nội dung, hình thức của các cuộc thi, chương trình ca nhạc, tấu hài, và tạp kỹ. Không chỉ vậy, gương mặt của các thí sinh, giám khảo đều được coi là thân quen, bởi thường xuyên xuất hiện trên những chương trình có nội dung na ná nhau.  Ngoài những hoạt động chính thức trên truyền hình, khán giả cũng bị “kéo theo” những “câu chuyện bên lề”, thị phi, đấu đá của các thí sinh, giám khảo trên các diễn đàn truyền thông, mạng xã hội, báo chí. Nhiều người ngày càng cảm thấy nhàm chán và ngán ngẩm với những chiêu trò dàn dựng cũ rích, để thu hút sự lượt xem.

Nhà phê bình lý luận, PGS, TS Nguyễn Thị Minh Thái từng phân tích “thương mại hóa” là một trong những động lực và hạn chế của các chương trình thực tế. Để tránh xu hướng này, “các đài truyền hình cần nâng cao hơn vai trò quản lý nội dung chương trình thông qua công tác kiểm duyệt trước khi phát sóng. Để có được những chương trình thật sự hấp dẫn cần lập quy hoạch khung sóng dựa trên sự khảo sát kỹ lưỡng đối tượng người xem ở từng thời điểm, từ đó cho ra đời những chương trình phù hợp.” 

Nhiều chương trình ca nhạc thực sự tạo được nhiều hiệu ứng tích cực, làm người xem bất ngờ, hào hứng: như bài hát Dấu mưa được “biến hóa” theo phong cách vọng cổ trong Phiên bản hoàn hảo hay dàn sao nhí biểu diễn bolero đầy tươi mới, hồn nhiên trên sân khấu Thần tượng tương lai.

Ngược lại, các chương trình thực tế hài ngày càng bị “ném đá” nhiều bởi yếu tố hài lặp, nhảm, chán. Các chương trình “nóng” nhưng nhiều thị phi như  Gương mặt thương hiệu (The Face), The look, Vietnam’s Next Top Model mặc dù thu hút được lượng xem đông đảo nhưng cũng bị phần đông khán giả chỉ trích bởi chất lượng chuyên môn đi xuống, kịch tính dàn dựng “quá lộ, giả tạo”.

Nhìn lại, những show truyền hình thực tế nổi bật nhất năm 2017 gồm có: Giọng hát Việt, Gương mặt thương hiệu, Thách thức danh hài, Biệt tài tí hon, Phiên bản hoàn hảo, Giọng ải giọng ai, Hát mãi ước mơ, Thần tượng tương lai, Bạn muốn hẹn hò, Vietnam’s next top model, đều đẩy mạnh yếu tố giải trí và kịch tính để níu giữ sự quan tâm của khán giả. Mặc dù, số lượng các chương trình truyền hình thực tế Việt hiện nay ngày càng nhiều, thì chất lượng và nội dung lại là một vấn đề ngày càng nan giải. 

Quả thực, thư giãn là một yếu tố quan trọng khi người xem tìm đến với những chương trình truyền hình. Tuy nhiên, việc thiếu vắng sự đa dạng, sáng tạo về hình thức, nội dung, đặc biệt thiếu vắng trầm trọng yếu tố giáo dục, lối sống, nghệ thuật đã làm cho truyền hình thực tế Việt dừng lại ở mức độ giải trí trên bề mặt, chưa thực sự tiếp cận đến nhiều đối tượng khán giả với những mối quan tâm sâu sắc hơn.

Cần những “món ăn dinh dưỡng” hơn là chỉ thuần giải trí

Từ đầu thế kỷ 21 đến nay, có hơn 70 chương trình truyền hình thực tế xuất hiện trên sóng truyền hình Việt Nam, nhưng khoảng 90% các chương trình đều được mua bản quyền từ nước ngoài. Nhà sản xuất có xu hướng chọn những chương trình đình đám, nhưng nội dung thì hạn chế, chủ yếu là ca hát, múa, thời trang, … 

Trong khi đó, các chương trình thực tế ở nước ngoài luôn chú ý đến sự đa dạng về nội dung và hình thức, có sự phân loại người xem rõ ràng. Những chương trình thực tế nổi tiếng ở bên Mỹ chạm đến từ những vấn đề đời thường cho tới những vấn đề khoa học, nhân văn, xã hội. 

Về nhân văn, phải nhắc đến “The Oprah Winfrey Show” đưa ra những câu chuyện đầy cảm hứng từ những người bình thường, người tử tù đến những người nổi tiếng, doanh nhân, chính trị gia; “Dr. Phill” là chương trình tham vấn tâm lý trực tuyến, có sự tham gia của khán giả về những câu chuyện về khủng hoảng, rối loạn tâm lý trong xã hội Mỹ. 

Về xã hội, có thể nói đến “Intervention” – đưa ra những nạn nhân lạm dụng chất kích thích và ma túy, “Little people, big world” – câu chuyện cuộc sống của những người lùn. Về lối sống, có “Dirty Job” về thực tế của những người làm công việc được cho là “bẩn thỉu” như dọn phân chim, lau cống nước, xử lý rác; về nghệ thuật, có “Face/off” – cuộc thi của những nghệ sĩ hóa trang; về kinh doanh, ngoài Shark Tank, Hotel Impossible, The apprentice, còn có “The Profit” – hành trình của một CEO, chủ tịch tập đoàn hàng tỷ đô đi tìm kiếm những doanh nghiệp đang gặp khó khăn, và giúp họ khắc phục và kiếm ra lợi nhuận. 

Truyền hình thực tế là sản phẩm được mang ra phục vụ số đông công chúng, nên không thể vì lợi nhuận mà dễ dãi trong nội dung, hay ‘đãi’ khán giả bằng những chiêu trò, xì-căng-đan. Những chương trình truyền hình thực tế ở nước ngoài đều thu hút một lượng đông đảo người xem, không chỉ bởi nội dung độc đáo, đa dạng, mà còn là những yếu tố thực tế, đan xen nhiều bài học về cuộc sống, về kinh doanh, văn hóa, nghệ thuật. Đây phải chăng là một lỗ hổng rất lớn trong hệ thống truyền hình thực tế ở Việt Nam?.

Đọc thêm