Khuyến cáo của công an ngày rét, người dân Hà Nội cần lưu ý

0:00 / 0:00
0:00
Công an Hà Nội mới đăng khuyến cáo về các biện pháp an toàn phòng chống cháy nổ trong những ngày rét đậm, rét hại; với lưu ý về việc đốt than củi, sử dụng các thiết bị điện, máy móc gắn động cơ xăng, dầu sưởi ấm....

Hà Nội đã và đang trải qua những ngày rét đậm, rét hại, nhiều gia đình thường đốt than, củi hoặc dùng máy sưởi, đèn sưởi và những thiết bị khác để sưởi ấm. Tuy nhiên, thực tế, đây cũng là nguyên nhân gây ra các vụ cháy, nổ, ngạt khí.

Để phòng sự cố dẫn đến hậu quả đau lòng xảy ra do sử dụng than, các thiết bị, máy móc có gắn động cơ xăng dầu (như máy phát điện, nổ máy xe để chiếu sáng); sử dụng than để đốt sưởi…, cơ quan công an khuyến cáo, người dân cần lưu ý thực hiện các biện pháp, quy định đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ.

Cụ thể, khi sử dụng than tổ ong, than củi, người dân tuyệt đối không được đốt than sưởi ấm trong nhà hay bất cứ khu vực nào đóng kín cửa;

Chỉ sử dụng than để sưởi ấm trong thời gian ngắn, tối đa là 1 giờ, có người trông coi. Tuyệt đối không đốt than, củi sưởi qua đêm;

Khi đốt than sưởi ấm cần hé mở một phần cửa sổ là có thể thông gió, không nguy hiểm tính mạng. Người dân nên nằm ở những nơi tránh gió, đối với sản phụ, người già yếu, trẻ nhỏ không ra ngoài khi nhiệt độ giảm mạnh vào sáng và tối. Khi trời lạnh nên trang bị mặc đồ giữ ấm đầy đủ;

Đối với gia đình phải dùng bếp than đun nấu nên đặt ở nơi thông thoáng, rộng rãi, tuyệt đối không đặt trong phòng ngủ.

Cần loại bỏ ngay những thói quen nguy hiểm như đốt lò than ở trong phòng kín, thói quen nằm than của bà mẹ sau sinh để tránh ảnh hưởng tới sức khỏe, không gây cháy nổ trong nhà.

Không để bếp than tổ ong, than củi trong nhà, dưới lòng đường, cột điện, gốc cây, xe máy hay những khu vực dễ gây cháy nổ; nên sử dụng than sạch - than không có khói, hạn chế ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.

Cơ quan công an cũng nêu rõ, hành vi tự ý đốt lửa, than, củi trên vỉa hè, lòng đường đã có chế tài xử lý cụ thể. Theo quy định của pháp luật, đốt lửa trên vỉa hè, lề đường là một trong những hành vi vi phạm quy định về quản lý, khai thác, bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ. Cụ thể, tại khoản 2 Điều 15 Nghị định 100/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019, quy định xử phạt VPHC trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Trường hợp đốt lửa, than, củi tại các địa điểm dễ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng, người đốt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy. Cụ thể tại Điều 313 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định về Tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy.

Tùy thuộc vào hậu quả để lại do việc đốt lửa, than, củi gây ra, người thực hiện có thể bị phạt tiền, phạt cải tạo... thậm chí có thể bị áp dụng mức phạt cao nhất lên đến 12 năm tù.

Hành vi đốt lửa, than, củi trên vỉa hè, lòng đường để giữ ấm là trái pháp luật và có thể bị phạt hành chính, thậm chí phạt tù. Vì vậy người dân và người lao động không nên đốt lửa sưởi ấm tại vỉa hè, lòng đường để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.

Đối với các thiết bị điện sưởi ấm, cơ quan công an lưu ý, người dân nên lựa chọn các thiết bị sưởi ấm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được bán tại các cửa hàng có uy tín.

Để thiết bị sưởi ấm bảo đảm khoảng cách tới các vật dụng dễ cháy (thảm, rèm, giấy tờ, quần áo...) và bảo đảm khoảng cách an toàn cho trẻ em, người già. Vì các loại máy sưởi bức xạ hồng ngoại (quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi…) mang nhiệt tác động trực tiếp lên bề mặt da, vừa gây khô da, khô mũi vừa có nguy cơ gây bỏng. Khoảng cách tốt nhất khi đặt các máy sưởi này khoảng 1 - 2 mét và tốt nhất nên để chế độ quay với mục đích làm ấm phòng là chính, không nên chiếu sưởi trực tiếp vào người bởi các nguy cơ nói trên.

Tắt thiết bị sưởi ấm khi không sử dụng. Cần tính toán không để thiết bị hoạt động liên tục nhiều giờ dẫn đến quá tải.

Sử dụng đúng loại nhiên liệu và kiểm tra, bảo dưỡng các thiết bị sưởi theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Quá trình tiếp nhiên liệu cho thiết bị cần phải ở nơi không có tia lửa điện, thuốc lá…, tránh hơi xăng, dầu bay ra gặp nguồn nhiệt gây cháy. Nên tắt máy móc, các thiết bị sưởi sau đó để nguội trước khi tiếp nhiên liệu vì xăng dầu đổ vào động cơ đang nóng có thể gây cháy.

Người dân lắp đặt thiết bị sưởi ấm trong phòng tắm an toàn, đúng kỹ thuật. Trong đó, việc đầu tiên phải đặt tại vị trí không bị bắn nước vào sẽ dễ gây cháy, nổ. Trong trường hợp hạn chế về không gian nhưng vẫn lắp đèn sưởi, cần có tấm kính hoặc giá đỡ đủ để các mảnh vụn bị vỡ không bắn vào người. Cần kiểm tra, vệ sinh đèn sưởi thường xuyên (các mối nối, điểm tiếp xúc, các chi tiết an toàn, tránh hiện tượng gỉ sét, dây mai-so đốt nóng, bóng đèn...

Nếu sử dụng chăn điện cần mua nơi uy tín, đảm bảo; khi đủ ấm cần tắt nguồn, không để qua đêm; không cho trẻ em, người già tự sử dụng chăn điện sưởi ấm mà không có người lớn quan sát, theo dõi. Hết mùa lại cất vào túi nilon hoặc cho vào hộp đóng kín, giữ sạch sẽ.

Không để trẻ nhỏ tự ý bật bình nóng - lạnh; không bật bình nhiều giờ tránh quá tải, tắt bình nóng - lạnh trước khi đi ngủ, trước khi ra khỏi nhà.

"Người dân khi mua các thiết bị sưởi cần tham khảo cách sử dụng, đọc hướng dẫn, lưu ý công suất, điện áp, mức nhiệt, khoảng cách đặt, vị trí đặt. Kiểm tra kỹ dây dẫn điện trước khi dùng; tuyệt đối không cắm thiết bị điện vào ổ cắm vượt quá mức điện áp quy định dễ xảy ra cháy, nổ, hư hỏng thiết bị", cơ quan công an khuyến cáo.

Đối với xe gắn máy, ô tô, theo đơn vị chức năng, xe gắn máy, ô tô sau quá trình vận hành nên để bên ngoài chổ thông gió ít nhất 15 phút, không nên đưa vào nhà ngay vì có thể dẫn đến ngộ độc, ngạt khí cho người trong nhà.

Không nổ máy xe gắn máy, ô tô khi các phương tiện này trong nhà để chiếu sáng, sưởi ấm. Thực tế đã có trường hợp nổ máy xe để bật đèn chiếu sáng gây ngạt khí.

"Khi xảy ra cháy, nhanh chóng gọi cho lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH theo số điện thoại 114, Ứng dụng BAOCHAY 114, Đội CS PCCC&CNCH - Công an quận hoặc Công an phường gần nhất. Và thực hiện quy trình các bước xử lý:

Bước 1: Báo động, hô hoán cho mọi người trong gia đình và người dân xung quanh biết.

Bước 2: Cắt điện. Sử dụng bình chữa cháy và các phương tiện tại chỗ để chữa cháy.

Bước 3: Tổ chức thoát nạn, cứu người bị nạn, di chuyển tài sản ra nơi an toàn", Công an Hà Nội hướng dẫn.