Khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên biên giới

(PLVN) - Mặc dù chính quyền các tỉnh Quảng Tây, Vân Nam (Trung Quốc) đã đồng ý về chủ trương khôi phục lại hoạt động thương mại hàng hóa tại biên giới nhưng Bộ Công Thương Việt Nam tiếp tục đưa ra khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên biên giới. 
Lượng hàng hóa xuất sang Trung Quốc sẽ vẫn chậm do công tác phòng dịch.

Ưu tiên cao nhất phòng, chống dịch

Tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, khó lường và có tác động nhiều mặt tới nền kinh tế nói chung cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu (XNK) hàng hóa nói riêng, đặc biệt là các mặt hàng nông sản, trái cây.

Bộ Công Thương nhận định, các lô hàng nông, lâm, thủy sản và trái cây Việt Nam mặc dù có thể được làm thủ tục thông quan xuất khẩu, nhưng tiến độ sẽ chậm hơn nhiều so với thời gian trước do phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo số liệu của Bộ Công Thương đến 12h ngày 16/2, có 376 xe nông sản tồn ở cửa khẩu Hữu Nghị (tăng 84 xe so với ngày 15/2, 365 xe trái cây ở cửa khẩu Kim Thành 2 (Lào Cai).

Số liệu tại cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) cũng cho thấy, kể từ khi mở cửa lại, số container xuất sang Trung Quốc trung bình mỗi ngày chỉ trên dưới 50-60 xe, chỉ bằng 1/3 so với trước đây. Thậm chí, có cửa khẩu số lượng container xuất sang biên giới thấp hơn rất nhiều so với số xe nhập vào Việt Nam. Nguyên nhân được cho là phía Trung Quốc thiếu người bốc vác, vận chuyển do tình hình dịch bệnh.  

Đây chính là lý do khiến Bộ Công Thương liên tục đưa ra các khuyến cáo hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu dù cửa khẩu chuẩn bị được mở. Mới đây nhất, ngày 15/2/2020, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký công văn gửi tới lãnh đạo UBND các tỉnh biên giới phía Bắc để đề nghị các tỉnh tiếp tục hợp tác với Bộ trong công tác khuyến cáo việc hạn chế đưa hàng lên biên giới. 

Công văn cho biết, chính quyền các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc) đã đồng ý về chủ trương việc khôi phục lại từng phần hoạt động thương mại hàng hóa tại biên giới. Do đó, Bộ Công Thương đề nghị UBND các tỉnh biên giới phía Bắc phối hợp, cho phép thực hiện hoạt động XNK và vận chuyển hàng hóa theo quy định qua các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và cửa khẩu phụ Tân Thanh, Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn), lối mở Km3+4, phường Hải Yên, TP Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh).

Nếu phía Trung Quốc cũng thống nhất mở các cửa khẩu này thì trao đổi, làm việc với chính quyền địa phương biên giới phía Trung Quốc để thống nhất quy trình kiểm soát, phòng chống dịch bệnh đối với người và phương tiện vận tải trực tiếp tham gia hoạt động XNK, vận chuyển hàng hóa qua biên giới theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Công văn cũng lưu ý, trong quá trình thực hiện, cần đặt ưu tiên cao nhất cho công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho nhân dân và người lao động; Không vì sức ép giải tỏa ùn tắc hàng hóa mà coi nhẹ các biện pháp phòng chống dịch. 

Ngoài ra, Bộ cũng đề nghị các tỉnh tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công Thương trong việc khuyến nghị các tỉnh có nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, các chủ hàng điều tiết nhịp độ đưa hàng lên biên giới.

Tìm kiếm thị trường thay thế 

Song song với việc khuyến cáo doanh nghiệp (DN) hạn chế đưa hàng lên cửa khẩu, Bộ Công Thương vẫn đang liên tục đề nghị các DN, tổ chức, cá nhân cần liên hệ với đối tác phía Trung Quốc để đàm phán chuyển đổi sang hình thức xuất khẩu chính ngạch và chủ động áp dụng các biện pháp sẵn sàng chuyển đổi như thay đổi bao bì, nhãn mác hàng hóa, dán tem truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm…

Cục XNK (Bộ Công Thương) cũng đã và đang chỉ đạo các Phòng Quản lý XNK khu vực tại các địa phương ưu tiên cấp Giấy chứng nhận xuất xứ ưu đãi cho các lô hàng sẵn sàng chuyển sang hình thức xuất khẩu chính ngạch.

Cùng với đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng giao Cục XNK thành lập ngay Tổ Công tác để xử lý các vấn đề liên quan tới giải tỏa hàng hóa XNK với Trung Quốc. Tổ này sẽ chủ trì làm việc với Bộ NN&PTNT và các Hiệp hội liên quan để xác định cụ thể khối lượng, chủng loại các mặt hàng rau quả, trái cây và nông - thủy sản khác đang bị ách tắc trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc; Dự báo qui mô sản lượng các mặt hàng sẽ thu hoạch, báo cáo cụ thể, đầy đủ để có kế hoạch, biện pháp tham gia xử lý hỗ trợ. 

Ngoài ra, Bộ cũng giao các Vụ Thị trường châu Á - châu Phi, Thị trường châu Âu - châu Mỹ chỉ đạo các Thương vụ tăng cường hỗ trợ các DN tìm nguồn nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, vật tư, linh phụ kiện là đầu vào sản xuất để thay thế trong trường hợp nguồn cung từ Trung Quốc bị hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh. 

Đặc biệt, cần phải rà soát ngay các thị trường còn dư địa, đã mở cửa thị trường đối với nông sản, thủy sản, hoặc có tiềm năng điều kiện mở cửa thị trường để giải quyết đầu ra cho hàng hóa của Việt Nam; Phối hợp với Bộ NN&PTNT đẩy nhanh, mạnh hơn công tác mở cửa thị trường cho các mặt hàng trái cây tươi sang các thị trường mà Việt Nam đã và đang tiến hành đàm phán, đồng thời triển khai thêm các đàm phán mới đối với các thị trường có tiềm năng.

Đọc thêm