Kịch bản ’hút vàng’ trong người dân vào lưu thông

Tại Hội trường QH, ông Nguyễn Văn Giàu (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cung cấp thêm những thông tin chi tiết về diễn biến giá vàng và ngoại tệ thời gian qua.

Tại Hội trường QH hôm qua, ông Nguyễn Văn Giàu (Thống đốc Ngân hàng Nhà nước) cung cấp thêm những thông tin chi tiết về diễn biến giá vàng và ngoại tệ thời gian qua.

Hạn chế đầu cơ trong kinh doanh vàng

Theo ông Giàu, giá vàng thế giới năm nay diễn biến rất bất thường, đặc biệt là trong những tháng gần đây, tác động tới giá vàng trong nước. Về nguyên nhân, Thống đốc cho rằng chủ yếu là do sự điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn và hoạt động ráo riết  của các nhà đầu cơ trên thế giới. Trong nước cũng xuất hiện hoạt động đầu cơ trên thị trường vàng.

Trước tình hình đó, các cơ quan chức năng đã báo cáo với Thường trực Chính phủ có một số giải pháp,  đặc biệt là cho phép nhập vàng để tạo tâm lý ổn định của thị trường.

Theo số liệu của Hải quan và Ngân hàng Nhà nước, trong 12 năm từ năm 1998 đến tháng 9/2010. Việt Nam nhập siêu 71 tấn vàng.

Thống đốc cũng cho biết, đã có “2 kịch bản” để xử lý thị trường vàng trong nước và NHNN thiên về vào kịch bản đưa ra các chính sách tác động để khai thác lượng vàng trong dân đưa trực tiếp vào lưu thông, sản xuất, kinh doanh để tăng thêm giá trị vốn cho xã hội.

Xem lại chính sách tài khóa và tiền tệ

Theo Thống đốc, dù năm 2009, Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp rất cố gắng để kiểm soát thị trường tiền tệ nhưng trên cán cân tổng thể vẫn bị thâm hụt 8,8 tỷ. Năm 2010,  ngay từ đầu năm đã có những giải pháp quyết liệt nhằm giảm nhập siêu để không làm thâm hụt lớn cán cân thương mại cũng như cán cân vãng lai. Với sự điều hành tốt, khả năng cán cân tổng thể thâm hụt ít hơn, dự báo có khả năng trên dưới 2 tỷ, nếu như kiểm soát nhập siêu khoảng hoặc trên dưới 12 tỷ.

Trong thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục phối hợp để đưa ra các giải pháp tập trung và kiểm soát được nhập siêu. Muốn kiểm soát được nhập siêu phải xem lại các chính sách của chúng ta, từ chính sách tài khóa, kể cả chính sách tiền tệ. Đặc biệt 2 chính sách này tác động giảm cầu thì chúng ta mới giảm được nhập siêu. Nếu công nghiệp phụ trợ phát triển chậm thì nhập siêu của chúng ta khó giảm nhanh được.

P.V.

Đọc thêm