Kịch bản phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dịch COVID-19 bùng phát lần thứ 4 tại Việt Nam đã tác động lớn đến kinh tế đất nước, trong đó có hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Hoạt động của doanh nghiệp tạo ra sức sống của nền kinh tế.
Hoạt động của doanh nghiệp tạo ra sức sống của nền kinh tế.

Bằng nhiều giải pháp phù hợp, ngay sau giãn cách được nới lỏng, một số địa phương đã triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với những hành động cụ thể, nhằm kích cầu tiêu dùng và góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Thực hiện các chủ trương, chính sách của Chính phủ, Bộ Công Thương là một giải pháp quan trọng thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. Do đó có địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền doanh nghiệp và người dân thực hiện đúng các quy định về phòng, chống dịch và triển khai các biện pháp duy trì, ổn định sản xuất kinh doanh... Ngành Công Thương một số địa phương đã đẩy mạnh hỗ trợ kết nối tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp, đơn vị phân phối, chế biến. Bài học của Bắc Giang khi đang ở thời điểm “tâm dịch” vẫn tiêu thụ thành công vụ vải đúng mùa thu hoạch là kinh nghiệm quý, truyền cảm hứng.

Trong số 23 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội và tăng cường giãn cách xã hội, có 8 địa phương đang kiểm soát tốt dịch bệnh; 12 địa phương đang tiếp tục lộ trình thực hiện đạt các tiêu chí kiểm soát dịch; 3 địa phương cần tiếp tục nỗ lực, triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch để có thể thực hiện được các tiêu chí kiểm soát dịch là TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Kiên Giang. Đó là tín hiệu tích cực.

Cuộc sống đang đòi hỏi tư duy mới, bảo đảm vừa thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh phục hồi, duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định sản xuất, lưu thông hàng hóa thông suốt, hiệu quả, an toàn, khắc phục gián đoạn chuỗi cung ứng.

Hoạt động của doanh nghiệp tạo ra sức sống của nền kinh tế, do vậy doanh nghiệp đang mong đợi được hỗ trợ cả về thể chế hành chính và tín dụng - tài chính, cắt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn về tài chính, dòng tiền, được hưởng chính sách tín dụng hỗ trợ ứng phó dịch bệnh để quay trở lại hoạt động.

Kết quả và triển vọng phục hồi kinh tế cả cấp vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài tùy thuộc vào nhiều yếu tố, đặc biệt nó kiểm chứng việc tuân thủ chiến lược quốc gia kiểm soát, thích ứng dài hạn với dịch bệnh và từ năng lực ứng chịu, tự lực tự cường vượt qua khó khăn, thách thức của từng người dân và doanh nghiệp. Dịch bệnh COVID-19 đã, đang và sẽ tiếp tục đặt ra những thách thức y tế và kinh tế - xã hội chưa có tiền lệ nên đòi hỏi phải có tư duy, cách làm và nỗ lực chưa có tiền lệ, để vượt qua, phục hồi và tiếp tục phát triển.

Phải nhanh chóng kiểm soát tình hình để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng kế hoạch kịch bản để phục hồi và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới là yêu cầu của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8.

Đọc thêm