Kịch Tết dè dặt “sáng đèn”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kịch vốn là món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân TP HCM, Hà Nội vào dịp Tết. Với nghệ sĩ, ai cũng mong chờ mang lại niềm vui cho khán giả ngày đầu năm. Nhưng Tết năm nay, các nhà hát đều dè dặt việc “sáng đèn” đón khán giả dù đã đầu tư công phu nhiều vở diễn.
Vở kịch “Vụ án người đốt đền - Herostrastus” được giới chuyên môn đánh giá cao.
Vở kịch “Vụ án người đốt đền - Herostrastus” được giới chuyên môn đánh giá cao.

Sân khấu kịch của NSND Hồng Vân đã dàn dựng vở “Ngôi nhà trên thuyền” nói về đời sống gia đình, di chứng chất độc da cam từ chiến tranh. Vở diễn “Mưa bóng mây” của NSƯT Ngọc Trinh và đạo diễn Ngọc Hùng do cặp đôi NSƯT Ngọc Trinh và Hòa Hiệp đóng chính vừa có buổi diễn phúc khảo tại TP HCM.

Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) “chơi lớn” khi khởi công hai vở mới: “Vụ án người đốt đền - Herostrastus” (nhà soạn kịch người Nga Grigori Gorin) và “Vang bóng một thời” (nhà văn Nguyễn Tuân). Trong đó kịch bản vở “Vụ án người đốt đền - Herostrastus” được chọn là một trong 100 vở kịch hay nhất thế giới mọi thời đại. Đạo diễn Lê Quý Dương - người phóng tác kịch bản kiêm đạo diễn vở “Vụ án người đốt đền” nhìn nhận, quyết định dàn dựng 2 vở diễn này đã chứng tỏ nỗ lực đổi mới, đa dạng hóa kịch mục biểu diễn của Sân khấu kịch Lệ Ngọc.

Hầu hết những vở kịch mới đều dự thi Liên hoan Sân khấu kịch toàn quốc năm 2022. Nhưng với việc “sáng đèn” phục vụ khán giả dịp Tết, các nghệ sĩ đều e dè.

Theo NSND Hồng Vân, Giám đốc hai Sân khấu kịch Hồng Vân và Phú Nhuận, vì tình hình dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ, lịch diễn Tết Nguyên đán vẫn đang bỏ ngỏ. NSND Hồng Vân cho biết đơn vị đã chuẩn bị sẵn nội dung các vở diễn khi tình hình dịch ổn định. Bên cạnh thế mạnh về kịch kinh dị, hài kịch, sân khấu sẽ phát triển chính kịch trong thời gian tới.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn, “ông bầu” Sân khấu kịch Idecaf khẳng định: “Tết này sân khấu chắc chắn không thể “sáng đèn” vì tình hình dịch bệnh còn căng thẳng. Chỉ mong các ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh sẽ giảm dần mỗi ngày để xã hội ổn định hơn. Khi toàn xã hội ổn định thì sân khấu sẽ có nhiều điều kiện và cơ hội để trở lại”.

Giám đốc Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh - đạo diễn Ái Như cho biết, vở kịch rap “Chờ thêm chút nữa” của sân khấu sẵn sàng trở lại khi dịch bệnh ổn định.

Còn theo đạo diễn Ngọc Hùng, nếu Tết năm nay có thể “sáng đèn”, ba vở diễn được dựng là “Lò võ tiếu lâm”, “Vệ sĩ tình yêu”, “Hồn ma cô đào hát” sẽ được tiếp tục công diễn. Đạo diễn Ngọc Hùng chia sẻ: “Trước đây, vào thời điểm này, các diễn viên thường tập kịch lúc 0 giờ đến 2 giờ. Ai cũng mệt và đuối nhưng hiện tại, mọi người mong có cảm giác ấy cũng khó có được. Không diễn Tết, tâm lý nghệ sĩ, diễn viên đều rất buồn”.

Nhiều nghệ sĩ tiếc nuối, bao nhiêu chi phí đầu tư vở diễn mới, không biết chừng nào được biểu diễn lại. Nếu diễn lại, cũng đã lỡ nhịp mùa Tết. Một mùa kịch đông vui, mỗi sân khấu diễn 2-3 suất/ngày. Giờ sân khấu quạnh quẽ, nhiều nghệ sĩ cảm thấy hụt hẫng, trống trải.

Trong thời gian sân khấu tạm ngưng, dù nhớ ánh đèn, nhớ tiếng vỗ tay và tiếng cười của khán giả nhưng hầu hết các nghệ sĩ đều cố gắng nén buồn, hy vọng “hết mưa, trời lại sáng”. Lúc ấy, các nghệ sĩ được trở lại sân khấu. Khán giả được đắm chìm trong những khoảnh khắc đẹp của nghệ thuật. “Diễn viên sống nhờ sân khấu nhưng vì hoàn cảnh chung, mọi người phải chấp nhận. Chúng tôi chỉ biết cố gắng hết phần sức của mình với mỗi cơ hội được trao. Khi đã hết lòng, mỗi người sẽ cảm nhận được niềm vui dù là nhỏ nhoi”, NSƯT Ngọc Trinh bày tỏ.