Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Tại sao các trường… ngại?

(PLO) - Bộ GD - ĐT yêu cầu đến hết tháng 6/2018 các trường đại học phải hoàn tất việc đánh giá và công nhận kiểm định chất lượng cấp cơ sở. Tuy nhiên đến thời điểm này nhiều trường vẫn ngại ngần, thậm chí từ chối kiểm định trong nước. Và dù nói “công khai, minh bạch” nhưng người học nhiều khi vẫn chịu thiệt bởi tù mù khi mà chất lượng báo cáo còn mang nhiều tính hình thức…
Sinh viên chọn trường hiện nay vẫn dựa trên tiêu chí “thương hiệu” hơn là những công bố kiểm định. (Ảnh minh họa)
Sinh viên chọn trường hiện nay vẫn dựa trên tiêu chí “thương hiệu” hơn là những công bố kiểm định. (Ảnh minh họa)

Có  “vừa đá bóng, vừa thổi còi”?

Sau khi Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT ra đời vào năm 2003, kiểm định chất lượng (KĐCL) đã được đưa vào thí điểm trong giáo dục đại học Việt Nam từ năm 2005 như là công cụ quản lý nhà nước đối với chất lượng giáo dục đại học. Chương trình thí điểm KĐCL đến năm 2009 đã triển khai được một khâu quan trọng là đánh giá ngoài với 40 trường đại học phần lớn nằm trong tốp đầu. Kết quả đáng kể nhất của chương trình này là đã phát triển được bộ tiêu chí đánh giá và xây dựng toàn bộ quy trình KĐCL cơ sở giáo dục đại học với sự tư vấn của các chuyên gia KĐCL Hà Lan, có tham khảo hệ thống KĐCL của Mỹ và Hà Lan.

Và từ năm 2014 đến đầu năm 2016, Bộ GD-ĐT đã thành lập bốn trung tâm KĐCL được cho là độc lập (ở các hệ thống KĐCL thuộc các nước phát triển, từ “độc lập” này được hiểu là khả năng đánh giá và ra quyết định KĐCL mà không chịu tác động hay sức ép từ bất cứ bên nào, dù là chính phủ hay cơ sở giáo dục). Trong số bốn trung tâm nói trên, ba trung tâm được đặt tại Đại học Quốc gia ở Hà Nội, TP HCM, và ĐH Đà Nẵng; một trung tâm trực thuộc Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam. Tuy vậy, với số lượng xấp xỉ 450 trường đại học và cao đẳng, chưa kể khối trường nghề trực thuộc sự quản lý của Bộ LĐ-TB&XH, bốn trung tâm này không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu KĐCL toàn bộ các trường.

Theo cán bộ của một trung tâm kiểm định, hiện cả nước có trên 50 trường đại học chính thức được công nhận đạt chuẩn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người vẫn coi hoạt động tự đánh giá là việc nhằm đạt được giấy chứng nhận, hoặc để cấp trên ghi nhận thành tích và có chứng nhận rồi sẽ tuyển được nhiều sinh viên hơn. Thê nên,  trong quá trình tiến hành tự đánh giá, nhiều cơ sở đào tạo vẫn hiểu hoạt động này nhằm để xếp hạng các trường đại học, dẫn tới viết báo cáo theo dạng báo cáo thành tích. Vì hiểu như vậy nên nhiều cơ sở đào tạo tổ chức các hoạt động dạng hình thức để lấy minh chứng, thay vì cải tiến thực chất các hoạt động để nâng cao chất lượng đào tạo.

Đồng thời, nhiều ý kiến lo ngại, nếu triển khai việc kiểm định đại học như hiện nay thì không biết bao giờ 271 trường mới được kiểm định xong, hơn nữa xã hội cũng khó kiểm soát được chất lượng. TS Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ Phó Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD - ĐT thẳng thắn cho rằng: Nếu chúng ta cứ cố trong thời gian ngắn phải đạt kiểm định tất cả các trường thì việc kiểm định sẽ lại rơi vào hình thức. Theo ông Khuyến, các trung tâm KĐCL giáo dục này phải đảm bảo tính độc lập trong kiểm định chất lượng. Ngoài ra, việc đánh giá các trung tâm kiểm định này sẽ do phải Nhà nước quản lý, giám sát xem họ có làm đúng quy trình không, có đảm bảo tính chính xác hay không? Bộ GD - ĐT cần đánh giá lại các trung tâm này, bởi hiện nay mọi thứ chưa rõ ràng khiến không ít trường lo ngại không dám kiểm định. Đối với các trung tâm kiểm định nước ngoài thì Bộ cũng nên công bố một số trung tâm KĐCL đáng tin cậy.

Thuê mướn trường lớp vẫn đạt?

Lý giải cho sự chậm trễ và ngại ngần, TS. Lê Trường Tùng - Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho rằng, nhiều trường ngại chọn kiểm định trong nước là do tất cả số liệu thông tin như: tài chính, sinh viên... của trường sẽ phải chia sẻ cho trường khác, bởi vì cơ quan kiểm định này thuộc một trường đại học khác. Và nếu trường được kiểm định lại có quan hệ không tốt với trường sẽ kiểm định, hoặc ngược thì cũng sẽ không đảm bảo tính khách quan. Hơn nữa, cơ quan thực hiện kiểm định chất lượng nhưng lại không tư vấn cho các trường làm thế nào để tốt, bởi họ cũng ở trong lòng 1 trường đại học khác thì làm sao đủ trình độ? Ông Tùng cũng cho rằng, cơ quan KĐCL giáo dục phải hoạt động độc lập, trình độ phải đứng trên cả các trường đại học thì việc kiểm định mới chính xác.

Thực tế, có những trường đã thẳng thắn từ chối không chọn trung tâm kiểm định trong nước mà chọn đối tác kiểm định của nước ngoài. Tháng 10/2017, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Xây dựng...  đã được Hội đồng cấp cao đánh giá nghiên cứu và giáo dục Đại học Pháp HCERES trao quyết định công nhận kiểm định. Theo một lãnh đạo Trường Đại học Tôn Đức Thắng, Trường này cũng đang kiểm định theo chuẩn HCERES và chuẩn AUN-QA (Mạng lưới các Trường Đại học Đông Nam Á) cho rằng: “Trường chọn kiểm định quốc tế là để thực hiện hội nhập quốc tế, là thực hiện chủ trương khuyến khích kiểm định quốc tế của Nhà nước. Hơn nữa, trường không tin cách kiểm định hiện nay của Bộ”. 

 Theo Thông tư số 12/2017 của Bộ GD-ĐT, bộ tiêu chuẩn đánh giá một trường đại học gồm 25 tiêu chí về chiến lược, hệ thống, thực hiện chức năng và kết quả đạt được. Tuy nhiên theo ý kiến các chuyên gia, bộ tiêu chuẩn và cách thực hiện còn nhiều hạn chế. Điều bất cập đầu tiên đó là, khác với hệ thống các trường đại học trên thế giới, một số trường đại học ở Việt Nam còn đào tạo cả bậc THPT, Trung cấp và Cao đẳng. Mỗi bậc học sẽ có mục tiêu, sứ mạng và chiến lược khác nhau. Khi đó, việc sử dụng bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dành cho cơ sở giáo dục đại học áp vào để đánh giá cho các trường đại học có dạy cả THPT sẽ là không chính xác. Và không ít chuyên gia cũng đề xuất rằng, cách tốt nhất hiện nay là Bộ cần xúc tiến ngay kiểm định chương trình, đây mới là vấn đề thiết thực mà người học cũng như xã hội quan tâm.

 Theo lãnh đạo nhiều trường đại học, kiểm định trong nước hiện nay cần phải chấn chỉnh từ tiêu chí đến quy trình, quy định. Có những trường cơ sở vật chất không đủ, thuê mướn nhiều nơi vẫn đạt chuẩn. Đại diện một trường đại học cho rằng, với cách kiểm định hiện nay của Bộ khiến người dân khó tin. TS Lê Trường Tùng cho rằng: Sở dĩ tất cả những trường đại học đã tham gia đều đạt kiểm định bởi bộ tiêu chí chuẩn này vẫn bám theo mô hình trường đại học cũ, không phải theo mô hình phát triển đại học mới. 

Và như vậy, dù đã qua “kiểm định” nhưng người học vẫn tù mù về chất lượng theo kiểu “bình mới, rượu cũ”…

Đọc thêm