Kiểm định khí thải xe máy: Cần lộ trình hợp tình, hợp lý với người dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Việc kiểm định khí thải xe máy đang thu hút sự chú ý của đông đảo người dân khi pháp luật có quy định người lái xe máy bắt buộc phải thực hiện kiểm định khí thải thì mới đủ điều kiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc kiểm định khí thải xe máy có thể sẽ chưa được triển khai khi Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 bởi vẫn phải chờ lộ trình do Chính phủ quy định.
Xe máy hiện đang là phương tiện cá nhân phổ biến nhất ở các đô thị. (Ảnh: Đ.T)
Xe máy hiện đang là phương tiện cá nhân phổ biến nhất ở các đô thị. (Ảnh: Đ.T)

Có quy định nhưng chưa thể thực hiện

Theo thống kê của Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải, từ năm 2005 đến 2022, tăng trưởng xe máy tại Việt Nam đạt bình quân khoảng 9,1%/năm. Hiện nay, số lượng xe máy đăng ký trên toàn quốc đạt khoảng 69,2 triệu xe, trong đó có khoảng 45,5 triệu xe đang lưu hành. Xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính tại các thành phố lớn như: Hà Nội (84%), TP HCM (91%) và Đà Nẵng (90%). Giai đoạn 2025 - 2030, xe máy dự kiến vẫn sẽ là phương tiện vận tải cá nhân phổ biến, nhưng cũng là nguồn phát thải lớn nhất tại các đô thị. Kết quả từ các chương trình đo kiểm khí thải xe máy tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng cho thấy, xe trên 5 năm tuổi đã có xu hướng vượt tiêu chuẩn khí thải hiện hành và xe trên 10 năm tuổi có tỷ lệ phát thải rất lớn. Xe có tuổi đời trên 10 năm tại cả ba thành phố này chiếm tỷ lệ trên 50% tổng số xe máy. Do đó, phần lớn lượng khói bụi độc hại bắt nguồn từ hàng triệu chiếc xe máy cũ lưu thông trên đường hàng ngày, đóng góp vào các nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường đô thị.

Pháp luật hiện nay đã có các quy định về kiểm định khí thải xe máy - một công việc quan trọng nhằm kiểm soát ô nhiễm không khí, giảm phát thải, bảo vệ môi trường. Luật Bảo vệ môi trường 2020 có một điều khoản riêng về bảo vệ môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, trong đó quy định phương tiện giao thông vận tải phải được cơ quan đăng kiểm kiểm định, xác nhận đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Việc kiểm định khí thải đối với xe máy được coi là xu thế tất yếu để bảo đảm các cam kết kiểm soát khí thải và ô nhiễm môi trường mà Việt Nam đã tham gia.

Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu rõ, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ phải được kiểm định theo quy định của pháp luật. Việc kiểm định đối với xe mô tô, xe gắn máy chỉ thực hiện kiểm định khí thải. Bên cạnh đó, người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải có chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới theo quy định của pháp luật, bên cạnh những giấy tờ và điều kiện khác. Căn cứ những quy định này, xe máy bắt buộc kiểm định khí thải theo lộ trình quy định thì mới đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.

Tuy nhiên, cũng theo Luật này, Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng mức tiêu chuẩn khí thải đối với xe cơ giới nhập khẩu, sản xuất, lắp ráp. Như vậy, mặc dù pháp luật đã có quy định về kiểm định khí thải nhưng thời điểm thực hiện trên thực tế sẽ phụ thuộc vào lộ trình do Chính phủ quy định. Việc kiểm định khí thải thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường được thực hiện tại các cơ sở kiểm định khí thải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Cân nhắc tác động đến đời sống người dân

Xe máy là phương tiện cá nhân phổ biến nhất của người dân. Do đó, các quy định liên quan đến điều kiện xe máy tham gia giao thông sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống, sinh kế hàng ngày của người dân. Theo ý kiến của các chuyên gia, nếu Chính phủ đưa ra mức ngưỡng phù hợp về chất lượng khí thải quá cao, có thể dẫn đến hệ quả nhiều phương tiện phải sửa chữa, bảo dưỡng, thay thế phụ tùng. Trong khi đó, điều kiện của nhiều người dân lao động sẽ không thể đáp ứng yêu cầu này. Trên các diễn đàn, hội nhóm mạng xã hội bàn luận về vấn đề kiểm định khí thải, số lượng lớn các ý kiến đều cho rằng, kiểm định khí thải xe máy là điều cần thiết để giảm thiểu ô nhiễm, nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng các giải pháp, cân nhắc đến các yếu tố gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Đơn cử, thủ tục cần nhanh gọn, chi phí hợp lý, không phức tạp, không làm mất thời gian, gây khó khăn cho người dân. Đồng thời, công tác tuyên truyền và các chính sách hỗ trợ cần được chú trọng để người dân hiểu và ủng hộ. Ngoài ra, lộ trình ở các thành phố lớn cần ưu tiên thực hiện trước để tạo tiền đề cho các khu vực khác. Tại các vùng núi xa xôi, lượng xe ít và phát thải không nhiều, có thể giãn tiến độ kiểm soát khí thải.

Trước đây, Cục Đăng kiểm Việt Nam đã từng xây dựng lộ trình kiểm soát khí thải với xe máy theo Đề án kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. TP Hà Nội và TP HCM đều đã từng có ý kiến, đề xuất về việc triển khai kiểm soát khí thải đối với xe máy thông qua kiểm tra định kỳ. Tuy nhiên, do nhiều lý do như thiếu hành lang pháp lý, chưa phù hợp với điều kiện thực tế, nhiều kế hoạch, đề xuất vẫn chưa thể triển khai được.

“Các cơ quan nghiên cứu sẽ xem xét ban hành các quy định phù hợp với thực tế. Ví dụ, các xe mới sẽ chưa thực hiện kiểm định khí thải ngay, mà sau 2 - 3 năm mới phải kiểm định. Các xe qua sử dụng sẽ có tính toán cụ thể, chi tiết”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam thông tin.

Đọc thêm