Kiểm sát viên được làm gì trong phiên tòa?

(PLO) - Trong phiên tòa hình sự, tôi thấy kiểm sát viên có vai trò quy kết tội danh cho bị cáo, xin hỏi những hiểu biết của tôi có đúng không?

Trả lời:

Trong phiên tòa hình sự, theo Quy chế Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử vụ án hình sự được ban hành kèm theo Quyết định số 505/QĐ-VKSTC ngày 18/12/2017 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, kiểm sát viên vừa có vai trò thực hành quyền công tố, vừa có vai trò kiểm sát khi xét xử. Cụ thể của các vai trò đó như sau:

  Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử

Khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 266 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 18 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Khi thực hành quyền công tố theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;

-Tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định bị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;

-Xác minh, thu thập chứng cứ, tài liệu, đồ vật;

- Thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị;

- Trình bày kháng nghị của Viện kiểm sát; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về quyết định kháng nghị và việc giải quyết vụ án;

- Tranh tụng tại phiên tòa;

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Khi thực hành quyền công tố theo thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao;

b) Trình bày nội dung kiến nghị của Viện kiểm sát; phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc Hội, đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Phát biểu quan điểm về việc có hay không có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có hay không có tình tiết mới quan trọng làm thay đổi cơ bản nội dung quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và quan điểm về việc giải quyết vụ án;

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát khi kiểm sát xét xử

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn theo Điều 267 Bộ luật Tố tụng hình sự, Điều 19 Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa án;

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật tố tụng;

- Kiểm sát bản án, quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án;

- Yêu cầu Tòa án đang quản lý hồ sơ vụ án hình sự chuyển hồ sơ để xem xét, quyết định việc kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm;

- Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trong trường hợp có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng;   

- Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng;

- Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý;

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Khi kiểm sát việc tuân theo pháp luật theo thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

- Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong thủ tục xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các chủ thể khác có liên quan;

- Kiểm sát quyết định, văn bản tố tụng khác của Tòa án;

- Kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự; kiến nghị Tòa án khắc phục vi phạm trong hoạt động tố tụng;

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Đọc thêm