Kiểm soát hiệu quả tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu

(PLVN) - Việt Nam là thị trường cung cấp sản phẩm gỗ lớn cho thế giới với kim ngạch xuất khẩu dự kiến 15 tỷ USD trong năm 2021. Theo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) Đỗ Xuân Lập, không có lý do gì để nguồn gỗ rủi ro với nhiều bất ổn có nguồn gốc từ nhập khẩu luồn sâu vào thị trường nội địa ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành…
Nhiều rủi ro khi nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ châu Phi. (Ảnh minh họa)

Rủi ro từ quy định thiếu cụ thể

VIFOREST vừa có văn bản gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Bộ Tài chính đề xuất tăng cường thực hiện Nghị định 102/2020/NĐ-CP ngày 1/9/2020 về kiểm soát tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu (NK) (Nghị định 102).

Theo Nghị định 102, gỗ NK vào Việt Nam được coi là rủi ro nếu loài gỗ nằm trong Phụ lục của Công ước CITES, hoặc gỗ nằm trong nhóm IA, IIA thuộc Danh mục các loài thực vật, động vật nguyên cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ, hoặc gỗ lần đầu tiên được NK vào Việt Nam, hoặc gỗ có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng tại các quốc gia khai thác.

Nghị định 102 quy định gỗ rủi ro và gỗ được NK từ các quốc gia không thuộc vùng địa lý tích cực thì người NK (chủ gỗ NK) cần hoàn thành Bản kê khai nguồn gốc gỗ NK (Mẫu số 3). Đây là yêu cầu thông tin bổ sung nhằm kiểm soát và giảm rủi ro về NK gỗ bất hợp pháp.

Phụ lục 3 bao gồm 4 hợp phần thông tin chính mà nhà NK cần bổ sung, tuy nhiên Phần C và Phần D chưa quy định cần phải yêu cầu nộp bổ sung giấy tờ cụ thể nào. Điều này khiến cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt DN NK gỗ từ châu Phi đang gặp phải một số khó khăn.

Thông tin chia sẻ từ Hiệp hội gỗ Cameroon cho thấy chuỗi cung xuất khẩu (XK) gỗ từ quốc gia này tiềm ẩn nhiều rủi ro, từ khâu khai thác cho tới khâu XK. Một số DN NK của Việt Nam từ châu Phi cũng cho biết điều này cũng đúng với nhiều quốc gia khác thuộc châu Phi hiện đang XK gỗ nguyên liệu cho Việt Nam.

Theo Chủ tịch VIFOREST, ông Đỗ Xuân Lập, Việt Nam hiện là thị trường cung cấp sản phẩm gỗ lớn cho thế giới và chắc chắn kim ngạch XK sẽ đạt 15 tỷ USD trong năm 2021, trong đó kim ngạch từ thị trường Hoa Kỳ chiếm trên 50% trong tổng kim ngạch của cả ngành. “Kiểm soát hiệu quả tính hợp pháp của gỗ rủi ro NK có vai trò sống còn với ngành gỗ Việt Nam!” - Chủ tịch VIFOREST khẳng định.

Thực thi cam kết

Theo Chủ tịch VIFOREST Đỗ Xuân Lập, Chính phủ Việt Nam đã ký kết Hiệp định Đối tác tự nguyện VPA/FLEGT; Chính phủ Việt Nam đã ban hành và đang thực hiện Nghị định 102 để kiểm soát gỗ NK bất hợp pháp; Chính phủ Hoa Kỳ đang tiến hành điều tra ngành gỗ Việt Nam. Trong khâu XK, các DN Việt đã và đang cam kết tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu từ các thị trường NK như quy định EUTR 995, Luật Lacey của Mỹ, Luật đảm bảo gỗ hợp pháp của Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản,… 

“Khi XK sản phẩm gỗ sang các thị trường này, các DN của Việt Nam cam kết và cung cấp đầy đủ các bằng chứng về nguồn gốc gỗ sử dụng làm đồ gỗ XK…” - ông Lập giải thích.

Đối với gỗ từ rừng trồng theo quy định tại Thông tư 27, chủ lâm sản khi khai thác phải cung cấp các giấy tờ gồm: Báo cáo địa danh, diện tích, khối lượng lâm sản dự kiến khai thác theo mẫu 07; bảng kê lâm sản theo mẫu 01; hợp đồng mua bán; giấy chứng nhận quyền sở hữu đất diện tích khai thác lâm sản. 

Do đó, “không có lý do gì để nguồn gỗ rủi ro với nhiều bất ổn có nguồn gốc từ NK luồn sâu vào thị trường nội địa…” - lời ông Lập. 

Để tiếp tục kiểm soát tốt hơn nữa nguồn gỗ NK từ vùng địa lý không tích cực và loài gỗ rủi ro, đặc biệt là gỗ rừng tự nhiên, đồng thời, để giảm rủi ro trong khâu gỗ nguyên liệu NK, giúp ngành gỗ tránh được các vụ điều tra của các thị thường NK gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, VIFOREST đề nghị Bộ NN&PTNT và Bộ Tài Chính chỉ đạo các cơ quan chuyên môn yêu cầu các DN NK ngoài việc nghiêm chỉnh chấp hành việc hoàn thiện thông tin trong phần C và D của Mẫu 3 của Nghị định 102, cần cung cấp/khai báo bổ sung tại phần C (tài liệu bổ sung), những loại giấy tờ sau đây: Bản photo giấy phép khai thác của đơn vị khai thác, hoặc chứng nhận được phép khai thác lô rừng được cấp cho đơn vị chủ rừng; bản photo Giấy chứng nhận đăng ký là cơ sở chế biến gỗ (nếu là gỗ xẻ); bản photo Visa XK (Giấy phép được phép XK). 

VIFOREST cũng yêu cầu DN NK bổ sung tài liệu, chứng từ giải trình nguồn gốc gỗ theo thông tin “quốc gia nơi khai thác” (mục 12 của phụ lục 3) chứ không theo hướng quốc gia XK. Bởi trong thực tế có thể xảy ra trường hợp nhà XK có địa chỉ tại vùng địa lý tích cực, nhưng lại kinh doanh gỗ ở vùng địa lý không tích cực, khi làm thủ tục khai báo hải quan, trên tờ khai ghi XK vùng địa lý tích cực, điều này dẫn tới tình trạng có thể bị lợi dụng. 

“Các đề xuất này của Hiệp hội hoàn toàn không trái quy định trong Nghị định 102 mà chỉ làm rõ các loại giấy tờ bổ sung trong hồ sơ NK mà DN cần cung cấp cho cơ quan chức năng được cụ thể, giúp DN dễ thực hiện thống nhất, nhằm mục tiêu thực hiện Nghị định 102 đạt hiệu quả cao nhất…” - Chủ tịch VIFOREST nhấn mạnh.

Đọc thêm