Kiểm soát lạm phát trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ số giá tiêu dùng của quý II và 6 tháng đầu năm 2024 tăng khá cao; trong khi mức lương tối thiểu vùng và mức lương cơ sở sẽ tăng từ 01/7/2024… Những yếu tố này sẽ tác động như thế nào tới mục tiêu kiểm soát lạm phát?
Các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ sẽ làm giảm hiện tượng tăng giá theo lương, từ đó sẽ ít tác động đến Chỉ số CPI nửa cuối năm. (Ảnh: PV)
Các chương trình khuyến mại tập trung, hội chợ sẽ làm giảm hiện tượng tăng giá theo lương, từ đó sẽ ít tác động đến Chỉ số CPI nửa cuối năm. (Ảnh: PV)

Mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng

Theo báo cáo quý II của Tổng cục Thống kê (TCTK), Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) quý II/2024 tăng 4,39% so với cùng kỳ. Nguyên nhân, theo TCTK là do giá các nhóm hàng thiết yếu tăng như Chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng; giao thông… Trong đó tăng cao nhất là nhóm giáo dục với mức tăng 8,15%; tiếp theo là nhóm thuốc và dịch vụ y tế với mức tăng 7,63%.

Tính chung, CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (TCTK) đánh giá, đây là “mức lạm phát phù hợp để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nằm trong mục tiêu Quốc hội đề ra cho năm nay (từ 4 - 4,5%)”. Đồng thời, lạm phát 6 tháng đầu năm cũng đang theo xu hướng của kịch bản giá TCTK đã xây dựng từ đầu năm. “Để đạt mức mục tiêu 4,5% của cả năm 2024 thì dư địa cho bình quân 6 tháng cuối năm là 4,9% so với cùng kỳ năm trước” - bà Oanh nhận định.

Ngoài ra, theo đại diện TCTK, dự báo có một số yếu tố thuận lợi cho việc kiềm chế lạm phát trong thời gian tới. Cụ thể, lạm phát toàn cầu đang tiếp tục xu hướng hạ nhiệt, giúp Việt Nam giảm bớt áp lực từ kênh nhập khẩu lạm phát. Các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất 6 tháng cuối năm góp phần giảm chi phí sản xuất, giảm giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng. Với nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, Việt Nam tránh được rủi ro, thách thức về an ninh lương thực đang có khả năng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến kinh nghiệm điều hành giá, sự chỉ đạo quyết liệt, phản ứng kịp thời của Chính phủ sẽ giúp hạn chế tác động cộng hưởng của việc điều chỉnh giá lên lạm phát, ổn định tâm lý kỳ vọng lạm phát. Do đó, đại diện TCTK đánh giá “khả năng thực hiện đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát mà Quốc hội đề ra cho năm nay là khả thi”.

Tăng lương có tác động đến Chỉ số CPI?

CPI quý II cũng như 6 tháng đầu năm 2024 được đánh giá tăng cao. Điều này khiến cho những lo ngại về việc chỉ số này sẽ có đà tăng tiếp, đặc biệt trong bối cảnh Quốc hội đã đồng ý tăng lương tối thiểu vùng và tăng mức lương cơ sở từ ngày 1/7/2024.

Trước lo ngại này, bà Nguyễn Thu Oanh thông tin, tính từ năm 2009 đến 1/7/2024, mức lương cơ sở đã tăng khoảng 280%, lương tối thiểu vùng tăng khoảng 480%, trong khi CPI tăng khoảng 108%. “Như vậy sau 15 năm, tốc độ tăng lương cao hơn nhiều so với tốc độ tăng của CPI. Điều này cho thấy, Chính phủ luôn hướng tới mục tiêu tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động” - bà Oanh nhận định.

Đại diện TCTK đánh giá, việc tăng lương góp phần nâng cao đời sống của Nhân dân, đóng góp cho tăng trưởng của nền kinh tế, làm cho sức mua của dân cư được tăng lên, khi quan hệ cung - cầu thay đổi sẽ ảnh hưởng đến giá cả. Nhưng, nếu như trước đây giá thường tăng khi lương tăng, thậm chí giá tăng ngay khi có chủ trương về chính sách tăng lương, thì trong những năm trở lại đây, Chính phủ, người dân cũng như thị trường đã thích ứng, không bị tác động nhiều nên ít xảy ra chuyện tăng giá khi tăng lương mà chủ yếu tạo ra kỳ vọng lạm phát.

Để tránh hiện tượng “té nước theo mưa” khi lương tăng có thể xảy ra, TCTK khuyến nghị một số giải pháp kiểm soát thị trường. Theo đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường triển khai và giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá; Tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đặc biệt tránh điều chỉnh giá các dịch vụ do Nhà nước quản lý như dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục, điện sinh hoạt cùng với thời điểm tăng lương 1/7/2024, dễ gây lạm phát kỳ vọng kéo giá các hàng hóa, dịch vụ khác tăng theo.

Ngoài ra, còn có các hoạt động chủ động khác có thể tác động khiến việc tăng lương không tác động đến tăng giá, từ đó sẽ ít tác động đến CPI như kêu gọi các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường, đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô lớn, thương hiệu uy tín, chiếm thị phần cao và là đầu mối của các chuỗi cung ứng; Khuyến khích trung tâm thương mại, siêu thị tổ chức các đợt khuyến mại hàng hóa nhằm kích cầu tiêu dùng cùng thời điểm lương tăng. Song song với đó, các Bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân.

Dự báo sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2024

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý II/2024 tăng trưởng tích cực, với tốc độ tăng ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung, GDP 6 tháng đầu năm 2024 tăng 6,42%.

Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng phục hồi tích cực, ngành công nghiệp duy trì đà tăng trưởng, một số sản phẩm công nghiệp chủ lực tăng khá, đáp ứng nhu cầu đơn hàng mới của doanh nghiệp; Đặc biệt 6 tháng đầu năm 2024, nhập khẩu tăng trở lại, bảo đảm cung cấp nguyên, nhiên vật liệu và máy móc thiết bị phục vụ cho sản xuất trong nước, khu vực nông, lâm, thủy sản và dịch vụ vẫn duy trì ổn định.

Tuy nhiên, bên cạnh đó một số ngành vẫn còn nhiều khó khăn, chưa hồi phục như sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 3%; sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại giảm 1,7%.

TCTK đánh giá, kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 6,42%, cao hơn mức tăng trưởng mục tiêu cận trên tại Nghị quyết 01 đề ra (5,5 - 6%) là một dấu hiệu tích cực cho mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024. Kết quả này cho thấy hiệu quả của những nỗ lực, sát sao, kịp thời trong điều hành chính sách của Chính phủ, Nhà nước, Bộ, ngành và sự cố gắng, quyết tâm của các địa phương, doanh nghiệp, người dân trên con đường khôi phục và phát triển kinh tế.

Căn cứ diễn biến tình hình thế giới, kết quả hoạt động kinh tế trong nước 6 tháng đầu năm và một số nhận định về tình hình kinh tế 6 tháng cuối năm và nếu không có biến động lớn, TCTK cho rằng có khả năng Việt Nam sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm 2024 trong khoảng 6 - 6,5%.

Đọc thêm