Kiểm soát quyền lực tại những nơi không có hội đồng nhân dân

(PLVN) - Trong thời gian tới, Hà Nội, Đà Nẵng tổ chức thí điểm mô hình chính quyền đô thị, TP HCM tổ chức luôn mô hình chính quyền đô thị. Nhiều người đánh giá đây sẽ là quyết định lớn để 3 thành phố phát triển mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn việc bỏ hội đồng nhân dân ở các thành phố thì “cái lồng” giám sát quyền lực không còn, dễ dẫn đến tình trạng lộng quyền. 
PGS. TS Lê Minh Thông.
PGS. TS Lê Minh Thông.

PGS.TS Lê Minh Thông – Trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với PLVN về vấn đề trên.

Thưa ông, tới đây mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) được triển khai tại 3 thành phố Hà Nội, Đà Nẵng và TP HCM. Nhiều ý kiến băn khoăn việc Hà Nội sẽ không còn hội đồng nhân dân (HĐND) cấp phường, Đà Nẵng và TP HCM không còn HĐND cấp phường và cấp quận thì việc kiểm soát quyền lực chính quyền ở những địa phương này sẽ khó khăn, quyền làm chủ của người dân bị hạn chế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Quốc hội khóa XIV đã thông qua 3 nghị quyết rất quan trọng: Nghị quyết thí điểm mô hình CQĐT TP Hà Nội, Nghị quyết thí điểm mô hình CQĐT Đà Nẵng và Nghị quyết tổ chức CQĐT tại TP HCM gần như thống nhất trong nhận thức và quyết tâm chính trị là tổ chức mô hình chính quyền địa phương đúng với tinh thần Hiến pháp 2015. Đây sẽ là một sự đột phá trong tổ chức của chính quyền địa phương để như một động lực thúc đẩy phát triển đất nước trong điều kiện mới khi mà chúng ta có mô hình tổ chức chính quyền mới ở khu vực đô thị.

Hiến pháp 2013 không định nghĩa chính quyền địa phương mà chỉ định nghĩa cấp chính quyền địa phương. Điều đó hàm chứa một ý nghĩa rằng, khi nói đến chính quyền địa phương, ở đâu có lãnh thổ, dân thì ở đó có chính quyền. Chính quyền phải hiện hữu ở mọi nơi, mọi chốn, nơi nào có dân của chúng ta sinh sống và trên lãnh thổ Việt Nam thì nơi đó có chính quyền. Chính quyền tổ chức một cách đa dạng chứ không nhất thiết phải là HĐND và UBND. Chính quyền là hiện thân của quyền lực ở nơi mà cần có quản trị quốc gia chứ không nhất thiết phải đồng nhất HĐND và UBND. Còn khi nói đến cấp chính quyền thì nhất thiết phải nói đến HĐND và UBND.

Tuy nhiên, tinh thần Hiến pháp không được quán triệt một cách sâu rộng trong xã hội và vẫn chưa đẩy lùi được quan niệm cứ nói đến chính quyền địa phương là nói đến HĐND và UBND. Vì vậy, khi thảo luận tại nhiều cuộc họp bị vướng mắc chỗ này. Vướng mắc ở chỗ cho rằng, HĐND là cơ quan đại biểu của nhân dân, quyền lực của nhân dân, quyền lực ấy thông qua HĐND để thực hiện. HĐND là một hình thức dân chủ đại diện của nhân dân, cái này đúng về lý luận nhưng nó không phù hợp ở chỗ không nhất thiết chỗ nào cũng phải có HĐND. Cùng với đó, bắt nguồn từ quan điểm ở đâu có cơ quan tổ chức thực hiện quyền lực thì ở đó phải có cơ quan giám sát quyền lực - Cái này đúng về mặt nguyên lý nhưng chưa chính xác ở chỗ không phải chỉ có HĐND mới kiểm soát quyền lực. 

HĐND là một kênh kiểm soát quyền lực nhưng không phải là tất cả. Cho nên trước đây cho rằng, việc không tổ chức HĐND ở một đơn vị hành chính nào đó thì vô hình trung chúng ta làm tổn thương đến quyền dân chủ của người dân hoặc vô hình trung không có kiểm soát để UBND muốn làm gì thì làm – đây là cách hiểu không chính xác. Bởi vì nhân dân ta có nhiều cách làm chủ. Quyền làm chủ của nhân dân thể hiện rất phong phú. 

Thứ nhất, dân đang làm chủ trực tiếp và càng ngày dân chủ trực tiếp càng phát triển. Khi mà nền dân chủ được phát triển, nền dân trí được nâng cao khả năng và điều kiện để người dân trực tiếp thực hiện quyền dân chủ của mình đó là tuyệt vời. Dân tự mình thực hiện được rất nhiều quyền của mình thì không phải ủy quyền cho ai. Cho nên, do dân chủ trực tiếp của chúng ta tăng lên rất nhiều: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân kiểm soát”. Hiện nay có gì dân không biết? Một xã hội mở như hiện tại, dân trực tiếp thực hiện quyền của mình thông qua rất nhiều kênh đó mới là cơ bản. Vì vậy, việc không tổ chức HĐND ở một đơn vị hành chính nào đó không có nghĩa là hạn chế quyền của nhân dân.

Thứ hai, nhân dân có nhiều người đại diện mà đặc biệt là MTTQ là cơ quan đại diện, tập hợp cho ý chí các tầng lớp nhân dân, là cơ quan của đại đoàn kết và đó là một hình thức dân chủ mà khác với nhiều nước nhân dân có quyền làm chủ thông qua MTTQ – liên minh của các tầng lớp nhân dân. Một biểu trưng của khối đại đoàn kết và thực hiện quyền giám sát xã hội và phản biện xã hội.

Không những thế, kiểm soát quyền lực chúng ta cũng có quá nhiều như thông qua đại biểu Quốc hội, thông qua đại biểu HĐND cấp trên (HĐND tỉnh, HĐND huyện). Đặc biệt chúng ta có kiểm soát của Đảng. Đảng ta là Đảng duy nhất cầm quyền, sức mạnh của Đảng ở kỷ luật của Đảng và hệ thống kiểm tra giám sát của Đảng rất hiệu quả, rất sát sao. Đấy là kênh kiểm soát quan trọng. Và chúng ta có thanh tra, có kiểm soát cấp trên, cấp dưới. Tức là chúng ta có rất nhiều kênh kiểm soát quyền lực và vấn đề chúng ta phát huy kênh đó như thế nào thôi.

Mô hình CQĐT sẽ phân cấp, phân quyền mạnh cho các địa phương thì dễ dẫn đến tình trạng lộng quyền, tiếm quyền của những người đứng đầu không?

- Nguy cơ trao quyền dẫn đến khó kiểm soát là có thật nhưng đó là nguy cơ. Thực tế, việc phân cấp, phân quyền và việc kiểm soát không phải là một kênh. Chúng ta có rất nhiều kênh kiểm soát. Vấn đề là kiểm soát các kênh đó thôi. 

Thứ nhất, về phân cấp, cơ quan phân cấp phải chịu trách nhiệm việc phân cấp của mình. Cấp trên phải chịu trách nhiệm kiểm soát chứ không phải phân xong thì thôi. Phân cấp, phân cả quyền và trách nhiệm, kiểm soát ở đâu cho nên cấp dưới vi phạm cấp trên cũng phải chịu liên đới. 

Thứ hai, kiểm soát pháp luật đối với phân quyền và thực chất là công khai, minh bạch, giải trình. Đây là công cụ hiệu quả nhất “mọi cái sáng tỏ, không góc tối” là hiệu quả nhất. Lạm dụng quyền lực chẳng qua là khuất tất, chẳng qua vì mờ mờ ảo ảo chứ các cơ quan cấp chính quyền làm việc một cách minh bạch, cả xã hội nhìn vào, nhân dân kiểm soát. Ví dụ như một công trình dự án minh bạch ra thì dân kiểm soát hiệu quả nhất thông qua MTTQ, qua các đoàn thể, qua chính người người dân, qua tổ chức Đảng, qua báo chí, qua truyền thông. Chúng ta có rất nhiều kênh kiểm soát và cốt lõi để kiểm soát là minh bạch và công khai. 

Tôi nghĩ, nếu công khai dưới ánh nắng mặt trời “có bao nhiêu vi khuẩn tồn tại được”. Cùng với đó phải giải trình đầy đủ, giải trình nghiêm túc thì sẽ hạn chế rất nhiều nguy cơ lạm quyền. Chúng ta cũng có một kênh kiểm soát cực kỳ hiệu quả đó là kiểm soát của Đảng. Chúng ta phân quyền cho cấp dưới thực chất là phân quyền cho cán bộ, thông qua cán bộ. Mà cán bộ là người của Đảng và Đảng quản lý trực tiếp các vấn đề về cán bộ. Đảng chuẩn bị cán bộ, giới thiệu bố trí cán bộ. Sự kiểm soát của Đảng là yếu tố đảm bảo rất cơ bản để cán bộ không thể làm sai. Đảng có một hệ thống kiểm soát và làm mạnh hệ thống này, làm tốt công tác cán bộ thì loại được nguy cơ.

Chúng ta có rất nhiều “bài thuốc”, vấn đề “uống” cho đúng liều, đúng vị, đúng lúc thì “cơ thể” chính quyền địa phương khỏe mạnh. Xã hội giờ có thể gọi là xã hội thông minh. Nhân dân đã tinh tường và công nghệ càng giúp cho nhân dân tinh tường, chỉ cần bấm nút là biết chính quyền đang làm gì. Cho nên lạm dụng quyền lực chỉ trong thời kỳ không công khai, thời kỳ nhập nhằng, còn trong thời đại xã hội càng phát triển và trưởng thành về mặt dân chủ thì không phải ngại. Đặc biệt chọn đúng người để trao quyền. Khi chúng ta chọn người có đủ phẩm chất chính trị, đủ năng lực, tinh thần trách nhiệm cao và gương mẫu thì đó là những yếu tố quyết định có thắng lợi trong kiểm soát quyền lực hay không (!).

Đọc thêm