Tại cuộc họp, đồng chí đại tá Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đã trình bày về sự cần thiết của việc sửa đổi Luật số 47, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước trong lĩnh vực nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, góp phần cụ thể hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về hội nhập quốc tế nhưng vẫn phải đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Việc sửa đổi Luật số 47 cũng nhằm đảm bảo tương thích, đồng bộ với các văn bản pháp luật mới ban hành, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và kịp thời khắc phục những phát sinh trong thực tế thời gian qua.
Một trong những điểm đáng chú ý của dự thảo Luật là bổ sung quy định về cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) và việc áp dụng giao dịch điện tử trong việc mời, bảo lãnh người nước ngoài. Về vấn đề này, đại diện Bộ Ngoại giao cho rằng việc cấp thị thực điện tử là phù hợp trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa khâu xét duyệt, tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp thị thực cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh tại Việt Nam. Tuy nhiên, thị thực điện tử không thể thay thế hoàn toàn thị thực truyền thống, quan trọng nhất vẫn là thủ tục xét duyệt, cấp in thị thực được đảm bảo đúng quy trình. Ngoài ra, Bộ Ngoại giao kiến nghị không nên áp dụng nguyên tắc người đón đối với thị thực có giá trị một lần, thị thực có thời hạn ngắn.
Liên quan tới quy định cấp chứng nhận tạm trú, theo Điều 31 của Luật số 47, thời hạn tạm trú cấp bằng thời hạn thị thực, trường hợp thị thực còn thời hạn không quá 15 ngày thì cấp tạm trú 15 ngày; trường hợp thị thực có thời hạn trên 12 tháng thì cấp tạm trú không quá 12 tháng.
Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng người nước ngoài lợi dụng sự thông thoáng của việc cấp thị thực du lịch (3 tháng) để vận chuyển trái phép ma túy, hoạt động tội phạm công nghệ cao, lao động không phép, kinh doanh du lịch trái phép diễn ra khá phổ biến. Mặt khác, trên thực tế các tour du lịch tại Việt Nam cho người nước ngoài thường không quá 15 ngày. Do đó, Bộ Công an và đại diện nhiều Bộ khác tham dự cuộc họp đều đồng tình với phương án quy định cấp chứng nhận tạm trú bằng thời hạn thị thực để rút ngắn thời gian làm thủ tục tại cửa khẩu và từng bước áp dụng cổng kiểm soát tự động. Tuy nhiên, riêng với thị thực du lịch có thời hạn trên 30 ngày thì cấp tạm trú 30 ngày và được xem xét gia hạn tạm trú trong thời hạn thị thực.
Về quy định cấp thị thực, thẻ tạm trú cho nhà đầu tư, dự thảo Luật quy định thời hạn thị thực, thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư căn cứ vào giá trị góp vốn để phù hợp với Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp… Theo đó, nhà đầu tư có vốn đầu tư nhỏ thì chỉ cần cấp thị thực có thời hạn không quá 12 tháng, đồng thời nâng thời hạn thẻ tạm trú cấp cho nhà đầu tư có vốn đầu tư lớn lên không quá 10 năm.
Quy định trên vừa khắc phục tình trạng người nước ngoài lợi dụng góp số vốn nhỏ để hợp thực hóa việc ở lại Việt Nam lâu dài, vừa phù hợp với pháp luật về đầu tư và chủ trương chọn lựa dự án đầu tư. Bày tỏ đồng tình, song, đại diện Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính vẫn tỏ ra băn khoăn rằng việc quy định về giá trị vốn góp trong dự thảo Luật này liệu có đúng lĩnh vực, phạm vi điều chỉnh không. Còn đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị nên chăng dựa vào từng ngành nghề cụ thể từ đó tính toán quy định mức vốn của dự án để đảm bảo khả thi trong thực tiễn.
Sau khi nghe các ý kiến, ông Nguyễn Phước Thọ, Hàm vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh mục đích của dự thảo Luật nhằm tạo điều kiện thông thoáng, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, cần có cơ chế quản lý phù hợp để kiểm soát tình trạng lạm dụng thị thực của một số đối tượng nước ngoài tại Việt Nam, từ đó góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự xã hội.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc bày tỏ đồng tình về việc cần tạo điều kiện trong việc cấp thị thực cho người nước ngoài tại Việt Nam song cần tăng cường quản lý nhà nước, kiểm soát chặt chẽ để tránh bị lạm dụng. Thứ trưởng yêu cầu cần rà soát, cân nhắc kỹ việc bổ sung đối tượng hộ kinh doanh, nhà thầu được mời, bảo lãnh người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam vì vấn đề này liên quan tới an ninh chính trị, lao động, việc làm và nhiều vấn đề xã hội khác. Trong khi đó, đối tượng hộ kinh doanh, nhà thầu lại có phạm vi rất rộng, tính chất nhỏ lẻ. Về vấn đề cấp chứng nhận tạm trú; cấp thị thực, tạm trú cho nhà đầu tư, Thứ trưởng cơ bản đồng tình và yêu cầu cần nghiên cứu để đưa ra mức vốn đầu tư phù hợp, đảm bảo phản ánh được tính chất các ngành, nghề khác nhau.