Thực hiện chuẩn quy trình nuôi tôm
Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) Phan Quang Minh cho biết, 9 tháng qua, công tác phòng, chống dịch bệnh thủy sản đạt được những kết quả quan trọng; diện tích nuôi trồng thủy sản bị dịch bệnh là 4.257ha (giảm 28,94% so với cùng kỳ năm 2023).
Theo báo cáo của Cục Thú y, bệnh trên tôm nuôi có chiều hướng giảm cả về phạm vi (giảm 9,91%) và diện tích có tôm mắc bệnh so với cùng kỳ năm 2023 (giảm 34,97%). Dịch bệnh có chiều hướng giảm nhưng diện tích thiệt hại do biến đổi thời tiết khí hậu có chiều hướng tăng mạnh (tăng 20% so với năm 2023).
Một số loại mầm bệnh nguy hiểm (AHPND, WSD, IHHND, EHP trên tôm) vẫn lưu hành ở nhiều vùng nuôi, kết hợp các yếu tố nhiệt độ, độ mặn tăng cao, biến đổi môi trường nhanh, mạnh, cực đoan... tác động đến sức khỏe tôm, làm cho tôm chậm lớn (không lột xác), kém phát triển, sức đề kháng yếu; điều kiện môi trường biến đổi tiêu cực tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.
Cục Thú y khuyến cáo người dân nuôi tôm với mật độ thấp, cách vụ để giảm tải cho môi trường nuôi và áp dụng các biện pháp tổng hợp phòng, chống dịch bệnh. Về lâu dài, các cơ sở ươm dưỡng, sản xuất giống cần tổ chức xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh; khuyến khích các cơ sở nuôi thương phẩm xây dựng chuỗi sản xuất, bảo đảm an toàn dịch bệnh để đẩy mạnh xuất khẩu.
Bên cạnh đó, bệnh xuất huyết vẫn là bệnh phổ biến trên cá tra, xảy ra tại các cơ sở. So với năm 2023, dịch bệnh xảy ra trên cá tra giảm cả về phạm vi và diện tích có cá tra bị bệnh; chủ yếu là diện tích cá bị mắc bệnh xuất huyết. Trong năm 2025 người dân cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm cá mắc bệnh, cá chết để xử lý, trường hợp cá bị chết nhiều, chết bất thường với tỷ lệ cao cần phải lấy mẫu gửi xét nghiệm để xác định nguyên nhân;
Đại diện Cục Thủy sản lưu ý, người nuôi cần tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cá. Khuyến khích sử dụng vắc xin phòng bệnh cho cá nhằm hạn chế lạm dụng kháng sinh. Đối với cá tra, người nuôi cần tuyệt đối tuân thủ quy trình nuôi, mật độ thả nuôi, quy trình xử lý nước thải, chất thải và tăng cường chế độ dinh dưỡng nâng cao sức đề kháng cho cá…
Không lơ là trong kiểm soát dịch bệnh
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, công tác phòng, chống dịch bệnh đã đạt những kết quả nhất định, diện tích thủy sản nuôi trồng bị nhiễm bệnh đã giảm tương đối so với năm 2023. Ngành Nông nghiệp và các địa phương cần chủ động lên phương án phòng, chống hiệu quả nhằm giảm thiểu thiệt hại kinh tế; đảm bảo chất lượng, nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu.
Thứ trưởng Tiến đề nghị các địa phương không được chủ quan bởi dịch bệnh trên thủy sản khi đã xuất hiện thì lây lan nhanh và gây thiệt hại rất lớn. Năng suất nuôi trồng thủy sản của Việt Nam mới chỉ ở mức trung bình so với thế giới, đặc biệt là tôm nuôi. Thêm vào đó, đã có một số thị trường nhập khẩu cảnh báo vấn đề kiểm soát dịch bệnh trên thủy sản nuôi. Nếu không tập trung phòng, chống dịch bệnh thì không chỉ khiến sản lượng sụt giảm mà chất lượng thủy sản cũng sẽ giảm theo, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu.
Trước tình hình thời tiết nhiều biến động, để phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ sở nuôi trồng phải ưu tiên xây dựng vùng nuôi an toàn sinh học, tuân thủ tuyệt đối quy trình vệ sinh khử khuẩn, xử lý nguồn nước trước và sau khi nuôi.
Về con giống, cần chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và đảm bảo sức đề kháng cao... Các địa phương cần hỗ trợ người nuôi về quy trình kỹ thuật, thời điểm thả giống, cảnh báo các yếu tố môi trường có thể tác động đến sức khỏe thủy sản. Không để hoạt động nhập lậu thủy sản xảy ra, đặc biệt là tôm giống để ngăn chặn mầm bệnh từ bên ngoài xâm nhập, lây lan thành dịch.