Kiếm tiền từ “sao nhí” - coi chừng phạm luật

(PLO) -Những cuộc thi tài năng trên truyền hình diễn ra khá rầm rộ, thu hút lượng “rating” cao ngất và biến nhiều cô bé, cậu bé thành "ngôi sao" với cát xê cao vọt. Tuy nhiên, mặt trái của nó là khiến các bé mất dần tuổi thơ và vô tình thành những “cỗ máy kiếm tiền” cho người lớn. Việc đẩy trẻ vào ánh hào quang showbiz quá sớm, ngoài nguy cơ vi phạm pháp luật còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác về mặt tâm lý, hình thành nhân cách trẻ…
Kiếm tiền từ “sao nhí” - coi chừng phạm luật

 Khi trẻ “biến” thành “sao”

Chưa bao giờ, người ta thấy một lượng “sao nhí” lại xuất hiện rầm rộ ở showbiz Việt như thời điểm hiện nay. Sau gameshow truyền hình đình đám The Voice Kid, những cái tên Phương Mỹ Chi, Quang Anh, Vũ Song Vũ, Ngọc Duy, Thu Hà… gây sốt trên mạng xã hội và được công chúng, báo chí “quan tâm” đặc biệt. Trong đó, Phương Mỹ Chi có lẽ là trường hợp tạo sóng gió nhất.
Gia cảnh khó khăn, cha mẹ lao động chân tay, cuộc thi dường như đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời cô bé 10 tuổi. Sau đó, cô bé kết hợp với Quang Lê, sự kết hợp này đã nâng cô bé lên một bước “chuyên nghiệp” hơn với các show diễn phòng trà giá vé bạc triệu và người quản lý mới của cô bé chính là người quản lý các ca sĩ tên tuổi ở hải ngoại .
Một tất yếu của thị trường âm nhạc đầy thị phi, Phương Mỹ Chi không tránh khỏi việc dính vào các scandal. Đầu tiên và vụ “hét” giá cát xê lên đến 100 triệu đồng cho một đêm diễn khiến các bầu show “méo mặt”. Tiếp theo là thông tin cô bé bị nhà trường dọa cho thôi học nếu vẫn tiếp tục vắng mặt tại trường để đi diễn. Rồi phát ngôn với báo chí: “Mong muốn của em bây giờ là kiếm đủ tiền xây nhà mới cho cha mẹ”.
Nhiều người khen em hiếu thảo, nhưng suy nghĩ kĩ, lời nói như thế xuất phát từ một đứa trẻ, đáng cho người ta xót xa và lo ngại hơn là khen ngợi. Vì em bắt đầu bước vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh nghiệt ngã. Những scandal đã được dẹp êm xuôi, dĩ nhiên bởi sự dàn xếp từ người quản lý mới đầy kinh nghiệm. Nhưng vẫn không làm yên lòng những người để tâm, lo lắng cho cô bé.
Trong khi phía Phương Mỹ Chi bảo đảm rằng, cô bé vẫn học hành chăm chỉ và hoàn thành tốt việc học tại trường. Tuy nhiên, nhìn vào lịch diễn dày đặc của cô bé: Nay Hà Nội, mai Sài Gòn, ra MV, rồi còn bộ phim sắp bấm máy mang tên Tết hai lúa, thì câu hỏi đặt ra là làm sao để Phương Mỹ Chi bảo đảm được việc học của mình?.
Ngôi sao nhí Quang Anh
 Ngôi sao nhí Quang Anh
Không “sốt” như Phương Mỹ Chi, nhưng những cái tên Quang Anh, Thu Hà… cũng có chỗ đứng nhất định trong thị trường âm nhạc. Khác với Phương Mỹ Chi, Quang Anh và Thu Hà chọn con đường “chắc ăn” ngay từ đầu là để Công ty Cát Tiên Sa làm “bệ phóng” cho mình.
Các bé cũng khá thường xuyên tham gia các đêm diễn từ Nam chí Bắc. Một số tiết lộ về bản hợp đồng độc quyền của Quang Anh với Cát Tiên Sa cho thấy, cậu bé và gia đình chỉ nhận khoảng 15% lợi nhuận nếu tham gia các show do phía Cát Tiên Sa tổ chức hoặc tìm kiếm được.
Sau đó phía Cát Tiên Sa đã đính chính là gia đình Quang Anh nhận 85%, còn nếu các MV, băng đĩa do Cát Tiên Sa thực hiện thì có lợi nhuận mới chia 15% cho Quang Anh và gia đình. Tuy nhiên, một câu hỏi được đặt ra là, giả sử như hợp đồng đúng như thế, điều này cũng không tránh khỏi việc biến Quang Anh thành một “cỗ máy kiếm tiền” tí hon.
Bởi một khi nhà sản xuất đã kí hợp đồng độc quyền, có nghĩa là họ sẽ triệt để tận dụng tên tuổi còn nóng của ca sĩ nhí để đem về càng nhiều lợi nhuận càng tốt. Cũng có nghĩa là những Quang Anh, Thu Hà, tuy luôn khẳng định với công chúng rằng mình luôn chăm chỉ học, nhưng làm sao tránh khỏi một sự thật là các em phải “cày” cho đúng với ý đồ của nhà sản xuất khi liên tục đưa các em đi hát, đóng phim, làm đĩa…
Nhìn những gương mặt vừa chớm thơ ngây đã chuẩn bị trở nên sành điệu và già dặn, sớm đương đầu với thị phi, nhiều bậc phụ huynh không khỏi xót xa. Người ta nhớ lại một Angela Phương Trinh, từng rất trong sáng và có những vai diễn đáng yêu, nhưng bị trôi tuột vào vòng xoáy của tiền – danh vọng để rồi đánh mất mình vào những trò khoe thân, những đêm diễn thác loạn nơi sàn nhảy. P.Tr. từng hứa sẽ học hành chăm chỉ với ước mơ rèn dũa nhân cách và tri thức để trở thành hoa hậu. Nhưng rồi công chúng nhận ra, họ bị lừa dối, cô gái chưa thành niên đã bỏ học từ lâu, để kiếm tiền xây nhà cho cha mẹ, mua siêu xe cho mình, trở thành một diễn viên “thất học” ở tuổi học trò. Ví dụ có chút liên quan như để thấy rằng, ai sẽ bảo đảm cho các em biết tròn vai giữa “người của công chúng” và cô cậu học sinh hồn nhiên trong sáng? Ai có thể giúp các em biết dừng đúng lúc trước sự sa ngã thường thấy của showbiz, để không đánh mất tuổi thơ của mình? Hay chỉ là những nhà kinh doanh lạnh lùng đẩy các em về ánh hào quang chông chênh!?
Phụ huynh bé Thùy Mai, sau khi đưa con đi tham gia The Voice Kid, đã viết cảm nhận rất dài về hành trình gian khổ của mình, trái ngược với những hào quang trên sân khấu: Con liên tục bỏ học, những chuyến di chuyển Bắc – Nam tất bật và tốn kém, chuyện ăn uống, đi lại gian khổ nơi đất lạ…
Để rồi, anh chủ động xin cho con mình rút khỏi cuộc chơi vì “kham không nổi”. Anh tuyên bố: Sẽ không bao giờ cho con tham gia bất cứ cuộc thi tài năng nhí nào nữa.
Bé Thùy Mai đã rút rất sớm ra khỏi ánh hào quang đang chờ chực, còn lại là những cô, cậu bé có tố chất và đủ đam mê, đủ kiên trì đã chọn (hay được phụ huynh chọn) để đeo đuổi âm nhạc như một sự nghiệp.
Vi phạm pháp luật và nhiều hệ lụy
Nhận định về trường hợp trẻ em nổi tiếng quá sớm và tham gia kiếm tiền, Luật sư Nguyễn Thanh Tùng, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Luật  Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em ra đời từ năm 2004 đã quy định rất rõ về các quyền của trẻ em, trong đó, có một quyền rất quan trọng là quyền được học tập.
Cùng với hiến pháp, quyền này còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Luật Giáo dục năm 2005. Bên cạnh quyền được học tập, trẻ còn có nhiều quyền khác, trong đó có quyền được vui chơi giải trí.
Đối với trường hợp các bé như đã nói ở trên, liệu có vi phạm pháp luật hay không vẫn chưa rõ ràng. Vì thông tin về việc các em do tham gia thi và đi diễn đã bỏ bê việc học còn mơ hồ, không rõ là sau khi kết thúc việc đi diễn các em có được tạo đủ điều kiện để lấp những kiến thức đã thiếu hụt hay không?
Nhưng có một điều chắc chắn rằng, việc thường xuyên đi lưu diễn xa, tham gia đóng phim và các hoạt động nghệ thuật khác, thì trẻ sẽ không có một cuộc sống bình thường như bao đứa trẻ khác về mặt tinh thần, giải trí, đồng thời khó hòa đồng vào với bạn bè...
Luật cũng quy định trẻ có quyền được phát triển năng khiếu. Tuy nhiên, việc phát triển năng khiếu phải dựa trên bảo đảm quyền được học tập và giải trí cũng như bảo vệ sức khỏe của trẻ. Nếu chỉ vì mong muốn con được nổi tiếng, và kiếm được nhiều tiền thì hành động của gia đình sẽ rất đáng trách.
Người nhà của trẻ và kể cả đơn vị tổ chức, nếu có căn cứ cho thấy đã xâm phạm các quyền trên của trẻ em sẽ bị phạt lên đến 20 triệu đồng. Ở đây, vai trò của các tổ chức bảo vệ trẻ em ở địa phương cũng nên được đặt ra. Chính sự quan tâm và nhắc nhở kịp thời của các tổ chức này sẽ giúp cho những bậc người lớn “tỉnh” lại, dừng ở giới hạn trước khi đẩy trẻ đi quá xa và bản thân mình thì phạm luật.
Angela Phương Trinh
 Angela Phương Trinh
Còn theo Luật sư Huỳnh Phước Hiệp, Đoàn Luật sư TP.HCM, việc đẩy trẻ quá sớm vào ánh hào quang showbiz ngoài nguy cơ vi phạm pháp luật còn dẫn đến nhiều hệ lụy khác về mặt tâm lý, hình thành nhân cách trẻ…
Theo quy định của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em thì gia đình, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho trẻ em thực hiện quyền học tập. Gia đình, nhà trường và xã hội có trách nhiệm tạo điều kiện để trẻ em được vui chơi, giải trí, hoạt động văn hoá, nghệ thuật, thể dục, thể thao, du lịch phù hợp với lứa tuổi. Hành vi buộc các em kiếm tiền mà không quan tâm đến việc học tập, vui chơi và giải trí là vi phạm pháp luật.
Ngoài ra, việc cho các em tiếp xúc với tiền bạc sớm sẽ dễ mất cơ bản, sau này rất khó dạy, trẻ cũng mất đi những nét hồn nhiên, ngây thơ của lứa tuổi. Sự nổi tiếng quá sớm sẽ làm các em khó đủ sức để đương đầu với nhiều thứ. Kiếm tiền quá dễ, cũng khiến các em chủ quan và cũng có tâm lý dùng tiền không thấy tiếc.
Đến khi vượt quá giới hạn, muốn các em quay lại là điều không hề dễ dàng. Đó là chưa nói, khi các em còn nhỏ, tất cả mọi thứ phụ thuộc vào cha mẹ, người lớn thì ít ai nhìn thấy được hậu quả. Đến khi trẻ đủ tuổi trưởng thành, một mình có thể quyết định được mọi thứ cho cuộc đời thì cũng đến lúc người lớn nhận ra sự bất lực trong việc quyết định tương lai con em mình. Vì vậy, một lời khuyên chân thành là đừng “đánh cắp” tương lai của trẻ thơ.