Ông Nguyễn Anh Dũng – Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem yêu cầu các đơn vị thành viên nghiêm túc thực hiện và phối hợp chặt chẽ với Kiểm toán Nhà nước để sớm hoàn thành kế hoạch kiểm toán đề ra.
Phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng
Theo quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước, mục tiêu kiểm toán nhằm xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán vốn đầu tư thực hiện các dự án; đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý và sử dụng tài sản, vốn nhà nước, trong quản lý đầu tư xây dựng, công tác quy hoạch, quản lý và khai thác tài nguyên khoáng sản; đánh giá việc tuân thủ pháp luật, chế độ quản lý tài chính – kế toán, đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản của Nhà nước; phát hiện kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, sai phạm trong công tác quản lý; xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể và kiến nghị xử lý đối với các sai phạm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, thời hạn kiểm toán là 70 ngày kể từ ngày công bố Quyết định kiểm toán tại đơn vị. Đoàn Kiểm toán Nhà nước thực hiện nhiệm vụ trên do ông Khương Tiến Hùng – Phó Kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI làm Trưởng đoàn, ông Hoàng Ngọc Khánh – Trưởng phòng Nghiệp vụ 5 thuộc Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành VI làm Phó trưởng đoàn.
Theo danh sách các đơn vị được kiểm toán, ngoài Công ty mẹ - Tập đoàn Hóa chất, đáng chú ý có Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình.
“Quả đắng” Đạm Ninh Bình
Đạm Ninh Bình là “cái tên” mà Báo PLVN đã đề cập trong loạt bài “Tập đoàn Hóa chất “ngậm quả đắng” với nhà máy công nghệ Trung Quốc” khởi đăng từ ngày 8/7/2014. Theo đó, Nhà máy Đạm Ninh Bình trị giá trên 11 nghìn tỷ đồng, được vận hành từ năm 2012. Dự án này khi đó được chủ đầu tư – Vinachem kỳ vọng như một “cú đấm thép” nhằm đảm bảo chủ động nguồn phân bón sản xuất trong nước. Thế nhưng, sau 3 năm vận hành thương mại, “cú đấm thép” trở thành “cục nợ” mà một nguyên nhân quan trọng là do sử dụng công nghệ Trung Quốc.
Trong một văn bản vừa trình Bộ Công Thương và Bộ Tài chính, tân Tổng Giám đốc Vinachem Nguyễn Gia Tường phải “khai” thật: “Dây chuyền máy móc thiết bị chủ yếu được nhập từ Trung Quốc, chất lượng ở mức trung bình, thường xảy ra các sự cố”.
Ông Tường còn cho biết thêm: “Việc mua vật tư, thiết bị dự phòng khó khăn do phải phụ thuộc vào nhà thầu Trung Quốc nên dây chuyền sản xuất thường xảy ra các sự cố nhỏ, tiêu hao định mức chưa đạt mức thiết kế”.
Sử dụng công nghệ Trung Quốc, lại cạnh tranh với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Vinachem “thua trận” là điều không có gì khó hiểu. Hiện nay giá urê Ninh Bình khoảng 7,2 triệu đồng/tấn, trong khi urê Trung Quốc chỉ giao dịch quanh mức 7 triệu đồng/tấn.
Trong khi đó, giá than lại liên tục được điều chỉnh tăng. Đầu vào tăng cao, đầu ra giảm thấp nên Công ty Đạm Ninh Bình chỉ có lỗ và lỗ. Số liệu từ Vinachem cho thấy, năm 2012 Công ty này lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ gấp 10 lần, lên 759 tỷ đồng. Ước 6 tháng đầu năm 2014 đã lỗ 237 tỷ đồng. Lỗ lũy kế đến nay là 1.071 tỷ đồng./.