Vì sao tần suất cất hạ cánh tương đối thấp?
Phát biểu mở đầu buổi kiểm tra, Bộ trưởng Dũng cho biết Thủ tướng hết sức quan tâm 6 vấn đề và yêu cầu các Tổng công ty báo cáo, giải trình.
Thứ nhất, quan tâm công tác bảo đảm an toàn an ninh. Đây là vấn đề rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay, ngành tiếp tục tăng trưởng nhưng phải bảo đảm an ninh, an toàn, đây là điều kiện tiên quyết. “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng không để xảy ra tình huống mất an toàn”, ông Dũng nhấn mạnh và nhắc tới các vấn đề như kiểm soát không lưu như sự cố xảy ra gần đây như tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).
Thứ hai, nâng tần suất cất, hạ cánh. Nhiều sân bay quốc tế có tần suất cất, hạ cánh khoảng 2 phút/chuyến, thậm chí 1 phút/chuyến. “Tần suất cất hạ cánh ở Việt Nam tương đối thấp là do quản trị, điều hành hay hạ tầng. Chúng ta hay nói đổ hết cho hạ tầng, không nói đến con người? Thủ tướng nói hãy hỏi lại các anh xem do hạ tầng hay con người? Liệu có thể nâng gấp đôi công suất gần 25 triệu khách mỗi năm của Tân Sơn Nhất không khi chúng ta chưa thể nâng cấp sân bay này và chưa xây dựng xong sân bay Long Thành?”, ông Dũng nêu vấn đề.
Vấn đề thứ ba là bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn thông tin bay. Đây là vấn đề rất quan trọng với ACV, cần có giải pháp không để tái diễn tình huống bị tấn công mạng dẫn tới đình trệ các chuyến bay, tuy các vụ việc vừa qua chưa để xảy ra hậu quả lớn.
Vấn đề thứ tư là tình hình hủy, hoãn chuyến bay. Trong 7 tháng qua, tỷ lệ đúng giờ của VNA có tăng so với năm trước, nhưng số chuyến bay bị hủy, hoãn của các hãng hàng không giá rẻ khác còn nhiều, do hạ tầng hay kỹ thuật, thiết bị?. Tuy trong ngành hàng không có sự cạnh tranh quyết liệt, phát triển tốt, chất lượng được nâng lên rất nhiều, nhưng tình trạng hủy, hoãn chuyến bay được dư luận hết sức quan tâm. Các bên cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ khắc phục sớm, trước hết là việc hủy, hoãn chuyến bay do ý thức, trách nhiệm chủ quan.
Thủ tướng cũng lưu ý về văn minh hàng không, hiệu quả hàng không và lợi nhuận hàng không, nhất là VNA, trong những tháng đầu năm doanh thu tăng gần 10% nhưng lợi nhuận sau thuế không tăng tương ứng. Cùng với đó là kiểm soát an ninh sân bay, tại sao có những sân bay kiểm soát rất tốt, ma túy không lọt vào được, nhưng có sân bay khác không phát hiện được hay không có ma túy đi qua?
Thủ tướng cũng lưu ý vấn đề chủ trương xã hội hóa hạ tầng hàng không, Bộ GTVT và ACV cần nghiên cứu, có giải pháp quyết liệt. “Nếu cứ đặt vấn đề đầu tư từ ngân sách nhà nước mà không dám kêu gọi xã hội hóa thì phải xem xét lại quan điểm, chủ trương. Ngay cả đường băng sân bay cũng cần mạnh dạn có cơ chế cùng khai thác, chúng ta chỉ bảo đảm an ninh, an toàn, bảo đảm lợi ích nhà đầu tư, nhà nước. Thủ tướng đề nghị các anh hết sức tạo điều kiện, có cơ chế thu hút đầu tư trong bối cảnh ngân sách nhà nước rất khó khăn”, Bộ trưởng phát biểu.
Vấn đề thứ năm, Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn, hiện tiến độ cổ phần hóa tại ACV còn chậm. Thứ sáu, Thủ tướng đề nghị ngành hàng không cần tận dụng cơ hội để tiếp tục đà tăng trưởng 17-20%/năm thời gian qua.
Ông Mai Tiến Dũng: “Khối tài sản nhà nước khổng lồ tại doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong đợi” |
7 tháng, VNA chỉ nộp ngân sách 600 tỷ là “quá thấp”
Trả lời vấn đề chậm, hủy chuyến tại buổi làm việc, theo ông Lại Xuân Thanh, Chủ tịch TCty Cảng hàng không, với điều hành bay chung, kết cấu hạ tầng chung, phục vụ mặt đất là chung... nhưng tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng có sự chênh lệch rất lớn. "Qua đó cho thấy vấn đề nằm ở sự vận hành bay của từng hãng. 67% lý do chậm chuyến là do tàu bay về muộn, ảnh hưởng của dây chuyền", ông Thanh nói.
Cũng theo ông Thanh, có một số vướng mắc, khó khăn trong hoạt động. Trong đó, đáng chú ý, theo Luật Hàng không dân dụng, TCty chỉ là đơn vị thuê đất trong các cảng hàng không, còn quyền sử dụng đất thuộc về cảng vụ. Ông Thanh cho rằng điều này ảnh hưởng tới tính chủ động của TCty và không phù hợp với thông lệ thế giới.
Còn Tổng Giám đốc TCty Quản lý bay Phạm Việt Dũng đề nghị có quy chế sử dụng vùng trời linh hoạt giữa hàng không dân dụng và quân sự để tăng hiệu quả kinh tế, giảm bớt quá tải trên các đường bay.
VNA thì đưa ra hàng loạt kiến nghị, như kiểm soát việc tăng giá dịch vụ tại các cảng hàng không, tách bạch và thực hiện đấu thầu cung cấp dịch vụ công ích như khai thác các đường bay tới vùng sâu, vùng xa… Nhiều kiến nghị của VNA được cho là có thể khiến nhiều hãng hàng không giá rẻ không đồng ý, như kiểm soát giá dịch vụ hàng không nội địa. Còn theo lãnh đạo VNA, ông Dương Trí Thành, điều này nhằm “tránh hiện tượng giá vé thấp hơn giá thành, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững các doanh nghiệp”.
Phát biểu kết luận buổi kiểm tra, theo Bộ trưởng Dũng, có nhiều vướng mắc mà các doanh nghiệp nêu “lẽ ra Bộ GTVT phải báo cáo sớm” như liên quan tới việc sử dụng vùng trời linh hoạt, quyền sử dụng đất tại các sân bay… Bộ GTVT cần rà soát lại cơ chế, chính sách, kể cả Luật Hàng không dân dụng, đề xuất sửa đổi cho phù hợp.
Ông Dũng khẳng định điều Thủ tướng cực kỳ quan tâm, đầu tiên là các doanh nghiệp phải đổi mới quản trị, công nghệ, tư duy, nâng cao chất lượng nhân lực, thực sự cạnh tranh theo cơ chế thị trường. “Khi hàng không có Vietjet vào là khác ngay”, ông Dũng phân tích.
VNA cũng phải xem xét lại hiệu quả sản xuất kinh doanh, bởi với một doanh nghiệp chủ lực trong ngành kinh tế mũi nhọn, quan trọng, đang tăng trưởng mạnh thì nộp ngân sách 600 tỷ trong 7 tháng là thấp. Điều này liên quan tới chi phí, phải tính toán rất căn cơ như số cán bộ văn phòng liệu có quá đông…
Vấn đề lớn thứ hai được Tổ công tác nhấn mạnh với Bộ GTVT và 3 TCT là quan tâm kêu gọi các nguồn lực đầu tư tư nhân. “Tôi thấy vẫn còn tư tưởng gì đấy vướng mắc. Quan điểm của Thủ tướng là đẩy mạnh thu hút tư nhân trong đầu tư, khai thác, ngay cả đường băng sân bay cũng cần mạnh dạn có cơ chế cùng khai thác, chúng ta chỉ bảo đảm an ninh, an toàn”, ông nói và nhắc tới dự án sân bay Vân Đồn (Quảng Ninh) do một doanh nghiệp tư nhân đầu tư.
“Đừng đặt vấn đề TCty đầu tư rồi Nhà nước hoàn vốn lại, không thể có chuyện đó trong bối cảnh ngân sách khó khăn. Hơn nữa, có tư nhân vào là chất lượng dịch vụ khác rất nhiều. Phải tránh tư tưởng bao cấp, ỷ lại. Khối tài sản nhà nước khổng lồ tại doanh nghiệp chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, chưa tạo cú hích mạnh, nên quan trọng là vấn đề xã hội hóa”, ông Dũng nhấn mạnh.
Phát biểu tại buổi kiểm tra, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung nêu ý kiến, đối với quản lý bay hiện là độc quyền Nhà nước nhưng tiến tới không nên giữ thêm độc quyền nữa, cần tạo cơ chế để huy động các nguồn lực xã hội. Ở nhiều nước sân bay tư nhân rất nhiều, chúng ta cũng nên nghiên cứu việc này.
Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn, tại nhiều sân bay, các hoạt động mua sắm mới là nguồn thu chính, như sân bay Incheon (Hàn Quốc) thu mỗi năm tới 18 tỷ USD từ nguồn này.