Kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trong nước

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chất lượng dịch vụ lưu trú là một trong những “mắt xích” quan trọng cho sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch hiện nay. Từ tháng 6 đến tháng 10/2023, Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trên toàn quốc.
Ảnh minh họa (Glenda Tower Mộc Châu)
Ảnh minh họa (Glenda Tower Mộc Châu)

Bảo đảm chất lượng và đổi mới

Những năm qua, hầu hết các cơ sở lưu trú đều phải “gồng mình” trước rất nhiều khó khăn. Đến nay, khi ngành du lịch hoạt động mạnh mẽ trở lại, thị trường kinh doanh lưu trú cũng đang hưởng lợi từ sự gia tăng lượng khách du lịch quốc tế và nội địa trong năm 2023.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Du lịch, thành phố đã đón tổng cộng 8,14 triệu lượt khách trong 4 tháng đầu năm, tăng 74% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, lượng khách nội địa ước đạt 6,7 triệu lượt và khách quốc tế vượt xa cùng kỳ 2022, đạt 1,44 triệu lượt. Trong bối cảnh này, thị trường khách sạn tại Hà Nội cũng cho thấy những chuyển biến tích cực. Báo cáo của Savills Việt Nam cho thấy trong quý 1/2023, khách lưu trú tăng 220% theo năm, đạt 1,1 triệu lượt. Trong đó có 339.000 lượt khách lưu trú nội địa, tăng 21% theo năm và 712.000 lượt khách lưu trú quốc tế, tăng 1.400% theo năm. Nguồn cung khách sạn tại Hà Nội trong quý vừa qua cũng đạt 10.260 phòng từ 17 khách sạn 5 sao, 18 khách sạn 4 sao và 31 khách sạn 3 sao.

Đáng nói, sự phục hồi này ghi nhận “công lớn” của thị trường khách Trung Quốc khi đất nước này chính thức mở lại các tour du lịch đến Việt Nam, đồng thời nối lại các chuyến bay thường lệ giữa hai nước từ ngày 15/3. Tính chung 4 tháng đầu năm, thị trường ghi nhận 252.136 lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam.

Lượng khách du lịch gia tăng đã kéo theo sự cải thiện về công suất thuê, giá thuê và doanh thu của các cơ sở lưu trú. Các chuyên gia nhận định, thị trường du lịch nói chung và phân khúc khách sạn nói riêng “đã bước đầu vượt qua khó khăn sau dịch bệnh”. Tuy nhiên, nhu cầu du lịch của khách trong và ngoài nước vẫn chưa đủ để nâng công suất lên đến 100% tại các khách sạn ngay lúc này. Do đó, các cơ sở lưu trú vẫn phải chú trọng vào chiến lược vận hành hợp lý để nâng dần công suất, bảo đảm phân bổ hợp lý các hoạt động cải thiện vận hành, nâng cao chất lượng, truyền thông, thu hút khách hàng, đặc biệt cực kỳ thận trọng trong việc mở rộng quy mô nhanh chóng.

Về nguồn cung, thị trường Hà Nội trong năm 2023 dự kiến sẽ có thêm 2 dự án mới với tổng số phòng là 471, nhưng từ năm 2024 trở đi dự kiến sẽ có 66 dự án mới với 11.123 phòng. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các sản phẩm lưu trú mới như mô hình “căn hộ hàng hiệu”, cùng với sự gia tăng số lượng khách sạn 3 - 4 sao tại nội thành và khu vực lân cận sẽ góp phần tăng thêm sự đa dạng cho các sản phẩm du lịch hiện có trên thị trường nhằm thu hút du khách.

Tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng

Theo Kế hoạch số 1819/KH-BVHTTDL, từ tháng 6 đến tháng 10/2023, Tổng cục Du lịch sẽ thực hiện kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch ở các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch trên toàn quốc. Cụ thể, đơn vị chức năng sẽ kiểm tra các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng sao ở một số địa bàn trọng điểm du lịch trong cả nước; xử lý nghiêm cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận...

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch yêu cầu các Sở quản lý du lịch chủ động tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ lưu trú du lịch trên địa bàn. Tổng cục Du lịch, phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các Sở quản lý du lịch kiểm tra, giám sát một số địa bàn trọng điểm phát triển du lịch. Theo đó, việc kiểm tra sẽ tiến hành ở cả 3 miền: Miền Bắc (Hà Nội, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An); miền Trung (Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Nam); miền Nam (Bình Thuận, TP HCM, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang).

Đối với hoạt động quảng bá, các cơ quan chức năng sẽ tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý, chấn chỉnh các cơ sở lưu trú du lịch quảng bá không đúng chất lượng dịch vụ, quảng cáo, niêm yết không đúng hạng sao hoặc quảng bá hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận. Đáng chú ý, hoạt động quảng bá trên các trang mạng xã hội, hệ thống đặt phòng trực tuyến như Agoda.com, Booking.com, Traveloka.com, Facebook, Zalo… cũng nằm trong nội dung kiểm tra nêu trên.

Đọc thêm