Kiên Giang cần chú trọng đề xuất, tham mưu các giải pháp phòng ngừa, tranh chấp đầu tư quốc tế

(PLVN) -Sáng 31/12, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh đã tham dự Hội nghị tổng kết công tác tư pháp năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác tư pháp năm 2020 của Sở Tư pháp Kiên Giang.

Bà Nguyễn Thị Kim Bé -UVBCH Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang; Ông Lâm Minh Công - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Tố Nga – Vụ trưởng Vụ thi đua khen thưởng Bộ Tư Pháp; bà Huỳnh Thị Lệ Thủy – Phó Cục trưởng Cục công tác phía Nam, Bộ Tư pháp; ông Trần Văn Khái –Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang cùng tập thể lãnh đạo, cán bộ ngành Tư pháp và đại diện lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh; Ủy ban MTTQVN tỉnh và các Sở, ban ngành trong tỉnh.

Nhiều kết quả tích cực

Báo cáo tình hình công tác tư pháp năm 2019, ông Trần Văn Khái - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Kiên Giang cho biết: Trong năm 2019, ngành Tư pháp tỉnh Kiên Giang đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, đã triển khai kịp thời theo tiến độ kế hoạch, trong đó nhiều lĩnh vực công tác đạt kết quả tích cực như: Công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát hệ thống hóa VBQPPL đã giúp cho tỉnh cụ thể hóa các nhiệm vụ được giao để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý kinh tế - xã hội ở địa phương; công tác trợ giúp pháp lý đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, giúp người dân tiếp cận được với các dịch vụ pháp lý miễn phí; công tác quản lý, xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật, công tác hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp và thanh tra thực hiện tốt nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra... góp phần phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa phương. 

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác tư pháp Kiên Giang cũng còn những hạn chế, bất cập, khó khăn cần khắc phục như việc triển khai thực hiện những quy định của Trung ương chưa kịp thời; việc lấy ý kiến tham gia của đối tượng áp dụng văn bản chưa rộng rãi; việc đánh giá tác động văn bản còn hạn chế, thực hiện chưa đồng đều; Số lượng công chức tư pháp nói chung mặc dù đã được củng cố nhưng vẫn chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao; biên chế của Phòng Tư pháp cấp huyện còn thiếu so với yêu cầu, nhiệm vụ và khối lượng công việc được giao nhưng việc bổ sung biên chế còn nhiều khó khăn...

 

Tham luận tại hội nghị,bà Dương Ngọc Kiều- Trưởng phòng Tư pháp huyện Kiên Lương (Kiên Giang) cho biết: Ngay từ đầu năm 2019, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Tư pháp tham mưu ban hành Kế hoạch thực hiện công tác Phổ biến giáo dục Pháp Luật, trong đó có nội dung tăng cường chỉ đạo cá hoạt động hòa giải ở cơ sở, thường xuyên phối hợp với UBND các xã thị trấn quan tâm củng cố kiện toàn và xây dựng lực lượng hòa giải viên. Hiện nay trên toàn huyện có 44 tổ hòa giải ở cơ sở/44 ấp, khu phố với 247 hòa giải viên.

Bà Dương Ngọc Kiều cũng kiến nghị UBND các cấp cần thường xuyên có sự động viên khuyến khích kịp thời nhất là các hình thức biểu dương, khen thưởng. Phải thường xuyên phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan tư pháp các cấp với MTTQ nhất là trong việc chỉ đạo thực hiện các kế hoạch tập huấn và xây dựng lực lượng đội ngũ làm công tác hòa giải.

Phát huy hơn nữa vai trò của Tư pháp 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh bày tỏ sự vui mừng ngành tư pháp của Kiên Giang tiếp tục có bước chuyển mạnh mẽ với nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành và đạt được những kết quả hết sức nổi bật.

Về nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đề nghị Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang nắm rõ những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật của tỉnh đã đề ra trong Báo cáo, các tham luận, ý kiến góp ý của các Đại biểu. Cần tăng cường phát huy hơn nữa vai trò của Tư pháp trong việc tham mưu cho chính quyền các cấp những vấn đề pháp lý đặt ra trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong hoạt động chỉ đạo điều hành. 

 

Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc chủ động phản ứng chính sách pháp luật, phát hiện, xử lý các văn bản trái pháp luật, không phù hợp với thực tiễn, nhất là các vấn đề pháp lý liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Chú trọng đề xuất, tham mưu các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh cũng đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang xác định rõ công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật và triển khai thi hành pháp luật là trách nhiệm quan trọng hàng đầu trong việc thực hiện nhiệm vụ, quản lý nhà nước của địa phương mình, cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và bố trí đẩy đủ nguồn lực thực hiện; phát huy vai trò nòng cốt của tổ chức pháp chế trong các hoạt động này. 

 

Theo Thứ trưởng nhận định, kết quả thanh tra chuyên ngành tại các địa phương cho thấy công tác hộ tịch, quốc tịch, chứng thực tại các địa phương đã nhận được sự quan tâm của cấp ủy và chính quyền. Nhờ đó công tác hộ tịch, chứng thực tại các địa phương trên cả nước đã dần đi vào nề nếp, việc giải quyết các yêu cầu về hộ tịch, chứng thực của người dân cơ bản đã đáp ứng theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, từ kết quả công tác thanh tra chuyên ngành cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, lĩnh vực hộ tịch, chứng thực tại các địa phương trong đó có tỉnh Kiên Giang còn tồn tại một số vi phạm ở các mức độ khác nhau trong  việc ghi chép, quản lý, sử dụng, lưu trữ Sổ hộ tịch, Sổ chứng thực trong đăng ký hộ tịch. 

Theo đó, Sở Tư pháp tham mưu cho UBND tỉnh có những chỉ đạo kịp thời trong công tác hộ tịch, chứng thực, có văn bản chỉ đạo, quán triệt chung tại địa phương về việc thực hiện các quy định pháp luật về hộ tịch, chứng thực, thông qua đó từng bước kiện toàn và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức làm công tác tư pháp - hộ tịch, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác. 

Đối với những đơn vị đã có Kết luận thanh tra, Thứ trưởng cũng đề nghị Sở Tư pháp phối hợp chặt chẽ với BTP (Cục QTHTCT) theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, bảo đảm mọi kiến nghị, kết luận thanh tra chuyên ngành phải được thực hiện nghiêm túc, kịp thời có biện pháp khắc phục những sai phạm, thiếu sót theo Kết luận thanh tra nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực hành chính TP (hộ tịch, quốc tịch, chứng thực).

Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh khẳng định nhiệm vụ của các cơ quan Tư pháp trong năm 2020 sẽ rất nặng nề nhưng tin tưởng rằng, Tư pháp tỉnh Kiên Giang sẽ quyết tâm phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng và phát triển đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của địa phương.

 

Nhân dịp này thay mặt Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh đã trao tặng tập thể Sở Tư Pháp tỉnh Kiên Giang danh hiệu “Cờ thi đua ngành Tư Pháp” có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua chuyên đề “Cơ quan Tư pháp siết chặt kỷ cương, tăng cường đoàn kết, hành động sáng tạo, bứt phá, hiệu quả thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao năm 2019”.

 

Thứ trưởng cũng trao tặng Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Ngành tư Pháp chung sức góp phần xây dựng nông thôn mới”, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác PBGDPL; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Tư pháp năm 2018-2019  cho các cá nhân  hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngành.

 

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, bà Nguyễn Thị Kim Bé –UVBCH Tỉnh ủy, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang phát biểu ghi nhận và cảm ơn sự quan tâm của Bộ Tư pháp đã dành cho tỉnh Kiên Giang. Bà cho biết cán bộ, viên chức Sở Tư pháp đã hoàn tất vai trò của mình là “người gác cổng” trong lĩnh vực pháp lý tại địa phương. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền giáo dục Pháp luật đã có nhiều cố gắng, nỗ lực. Bà Kim Bé cũng đề nghị ngành Tư pháp quan tâm bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ cấp xã,không chỉ ngành Tư Pháp mà còn nhiều ngành khác.

 

Tiếp thu các ý kiến chỉ đạo, ông Lâm Minh Công - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kiên Giang trân trọng ghi nhận, cảm ơn sự quan tâm của Bộ Tư pháp đã dành cho tỉnh Kiên Giang. Ông Công cũng đề nghị Bộ Tư pháp sẽ có giải pháp, phương hướng tạo điều kiện, giúp đỡ để công tác tư pháp Kiên Giang ngày một phát triển.  

Đọc thêm