Kiên Giang: Đảm bảo quyền được trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật

(PLVN) -  Khó khăn, hạn chế nhất hiện nay ở Kiên Giang là làm thế nào để công tác truyền thông về Trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật một cách đầy đủ, phù hợp.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Triển khai Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2020-2030 theo Quyết định số 1190/QĐ-TTg ngày 05/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc về quyền của người khuyết tật tại Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 26/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 01/11/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật, hàng năm UBND tỉnh Kiên Giang và Sở Tư pháp đều có kế hoạch TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính được quy định tại Luật TGPL năm 2017.

“Trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc liên quan đến công dân, nếu công dân thuộc diện người được trợ giúp pháp lý, cơ quan nhà nước có trách nhiệm giải thích quyền được trợ giúp pháp lý và giới thiệu đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý” (Điều 42 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017).

Các hoạt động TGPL cho người khuyết tật ở Kiên Giang được lồng ghép với các hoạt động TGPL khác nhằm đảm bảo khả thi, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định trong các kế hoạch, chương trình, đề án về người khuyết tật. Trong thực hiện, có sự tham gia, phối hợp giữa Trung tâm TGPL nhà nước với cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức về người khuyết tật, Phòng Tư pháp và UBND cấp xã,…Công tác truyền thông được chú trọng với các hình thức khá phong phú qua chuyên mục “Phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý và giải đáp pháp luật” trên Báo Kiên Giang mỗi năm 48 kỳ với nhiều câu chuyện pháp lý; tìm hiểu về TGPL, đọc các bài viết trên Cổng thông tin điện tử của Trung tâm có 759.610 lượt người truy cập; đặt Bảng thông tin về TGPL ở tất cả trụ sở UBND cấp xã và tổ chức về người khuyết tật, phát hành tờ gấp, thực hiện TGPL lưu động về cơ sở,…

Từ những nỗ lực nêu trên, năm 2021 Trung tâm TGPL nhà nước đã bào chữa/bảo vệ và đại diện ngoài tố tụng cho 10 người khuyết tật có khó khăn về tài chính là bị can, bị cáo, bị hại, đương sự trong các vụ án hình sự, dân sự và quý I năm 2022 đã thụ lý thực hiện 07 vụ việc cho đối tượng này. Chẳng hạn như bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho chị Lê Thùy D ở xã Thạnh Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang là người khuyết tật thần kinh không có khả năng nhận thức và tự bảo vệ bị đối tượng Lê Thanh V là người cùng xã đã có vợ và 02 con hiếp dâm (chưa đạt do nguyên nhân khách quan) qua sự thông báo của Cơ quan Cảnh sát điều tra huyện Châu Thành, kết quả kẻ thủ ác phải chịu 09 tháng tù, đồng thời bồi thường tổn thất về danh dự nhân phẩm 30 triệu đồng (đã nhận 14.900.000 đồng, còn lại 15.100.000 phải tiếp tục bồi thường).

Một vụ việc khác TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trong những tháng đầu năm 2022 theo thông báo của TAND thành phố Hà Tiên về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”. Kết quả, hòa giải thành, bà Võ Thanh V và các con là người thừa kế quyền và nghĩa vụ của ông D đồng ý trả cho ông Hồ Ngọc T ở xã Tiên Hải, thành phố Hà Tiên 40 triệu tiền gốc và 16 triệu tiền lãi theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Nhận định về TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính trong tố tụng hình sự tương đối thuận lợi, do có sự phối hợp chặt chẽ của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án theo Bộ luật Tố tụng Hình sự và Thông tư số 10/2018/TTLT-BTP-BCA-BQP-BTC-TANDTC-VKSNDTC. Tuy nhiên, trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, đại diện ngoài tố tụng và tư vấn pháp luật còn gặp khó khăn do một số cơ quan, tổ chức trong quá trình xử lý, giải quyết công việc có liên quan đến người khuyết tật có khó khăn về tài chính chưa quan tâm đúng mức việc phổ biến quyền được TGPL, thông báo, thông tin cho Trung tâm TGPL nhà nước về vụ việc TGPL.

Khó khăn, hạn chế nhất hiện nay là làm thế nào để công tác truyền thông về TGPL cho người khuyết tật một cách đầy đủ, phù hợp và thiếu một quy định đủ mạnh, rõ ràng về chế tài cũng như khen thưởng để đảm bảo thực hiện Điều 42 Luật TGPL năm 2017, và khi đó có lẽ chúng ta sẽ có điều kiện tập trung nguồn lực nhiều hơn vào thực hiện các vụ việc TGPL cụ thể, đảm bảo quyền được TGPL cho người khuyết tật có khó khăn về tài chính.

Đọc thêm