Kiên Giang thống nhất chủ trương sắp xếp 48 đơn vị hành chính cấp xã và sáp nhập với An Giang

(PLVN) - Ngày 28/4, HĐND tỉnh Kiên Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021–2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) nhằm xem xét và quyết định nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

HĐND tỉnh Kiên Giang ban hành Nghị quyết thống nhất chủ trương hợp nhất hai tỉnh An Giang và Kiên Giang thành một tỉnh mới, lấy tên tỉnh An Giang. Trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh hợp nhất được xác định đặt tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang hiện nay). Theo đề án, tỉnh mới sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 9.888,91 km² và quy mô dân số trên 4,9 triệu người.

HĐND tỉnh Kiên Giang cũng thông qua phương án sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn Kiên Giang trong năm 2025. Theo đó, Kiên Giang sẽ tổ chức lại 48 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 41 xã, 4 phường (Vĩnh Thông, Rạch Giá, Hà Tiên, Tô Châu) và 3 đặc khu hành chính (Kiên Hải, Phú Quốc, Thổ Châu). Việc sắp xếp này nằm trong lộ trình thực hiện chủ trương lớn của Trung ương về tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Quang cảnh kỳ họp thứ 33 (kỳ họp chuyên đề) HĐND tỉnh Kiên Giang, nhiệm kỳ 2021-2026

Bên cạnh đó, HĐND tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025 từ nguồn ngân sách địa phương. Tổng vốn đầu tư điều chỉnh lên tới 983,771 tỷ đồng, với 41 dự án bị giảm vốn và 35 dự án được tăng vốn.

Đồng thời, kế hoạch đầu tư công năm 2025 cũng được điều chỉnh, với việc giảm hơn 2.578 tỷ đồng vốn chưa phân khai chi tiết và tổng mức điều chỉnh tăng/giảm lên đến hơn 3.033 tỷ đồng, bao gồm 58 dự án được bổ sung vốn và 19 dự án bị cắt giảm.

Đại biểu HĐND tỉnh Kiên Giang biểu quyết thông qua các Nghị quyết

HĐND tỉnh Kiên Giang cũng đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư xây dựng cầu ven biển kết nối huyện An Biên với thành phố Rạch Giá. Dự án có tổng chiều dài 3,5 km, điểm đầu tại xã Tây Yên (An Biên), điểm cuối tại nút giao đường 3/2 và đường Ngô Quang Hớn (Rạch Giá).

Cầu sẽ được xây dựng bằng thép và bê tông cốt thép dự ứng lực, với mặt cắt ngang 6 làn xe và đầy đủ hệ thống phụ trợ như chiếu sáng, thoát nước, cảnh quan biển, đảm bảo đồng bộ và phù hợp quy hoạch đô thị ven biển.

Bà Ngô Kiều Quyên - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang trình HĐND tỉnh xem xét 6 nội dung điều chỉnh liên quan đến đầu tư công. Cụ thể, tỉnh đề nghị điều chỉnh dự án đường Trần Văn Giàu, bổ sung 200m tuyến đường và tăng vốn từ 59,5 lên 76 tỷ đồng. Gia hạn thời gian thực hiện các dự án đường vào Khu căn cứ Tỉnh ủy U Minh Thượng, đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu (Phú Quốc), và đường quanh núi Hòn Me đến năm 2025 do vướng giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng khách quan, trong khi tổng mức đầu tư không thay đổi.

Ngoài ra, Kiên Giang còn điều chỉnh, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021–2025 với tổng vốn điều chỉnh 983,771 triệu đồng (giảm vốn 41 dự án, tăng vốn 35 dự án) và kế hoạch đầu tư công năm 2025 với tổng vốn điều chỉnh hơn 3.033 tỷ đồng (giảm vốn 19 dự án, tăng vốn 58 dự án), nhằm phục vụ các công trình trọng điểm, dự án cấp bách và chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao APEC 2027.

Bà Ngô Kiều Quyên - Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang đã trình HĐND tỉnh xem xét 6 nội dung điều chỉnh liên quan đến đầu tư công.

Ông Lê Việt Bắc - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang trình bày HĐND tỉnh xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với 6 dự án, gồm: Xây dựng cầu trên tuyến ven biển An Biên – Rạch Giá; đường Trần Văn Giàu (đoạn từ khu dân cư Nam An Hòa đến đường Phan Thị Ràng); cải tạo đường vào khu căn cứ Tỉnh ủy tại U Minh Thượng; nâng cấp, mở rộng đường Dương Đông – Cửa Cạn – Gành Dầu và nhánh nối với trục Nam – Bắc; nâng cấp đường quanh núi Hòn Me; xây dựng trụ sở mới Sở Nông nghiệp và Môi trường cùng các đơn vị trực thuộc.

Tại kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang cũng đã thông qua nhiều nghị quyết khác liên quan đến công tác tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội, bao gồm: Bổ sung biên chế sự nghiệp giáo dục mầm non và phổ thông công lập cho năm học 2024–2025; Điều chỉnh đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông tại TP Rạch Giá, TP Phú Quốc và hai huyện U Minh Thượng, Hòn Đất; Chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng trên đảo Phú Quốc để thực hiện các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp; Thống nhất giao UBND tỉnh Bạc Liêu làm cơ quan chủ quản triển khai dự án xây dựng cầu Ba Đình, kết nối giữa tỉnh Bạc Liêu và Kiên Giang; Thông qua chương trình phát triển đô thị thành phố Hà Tiên và khu kinh tế cửa khẩu đến năm 2040.

Cũng tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Kiên Giang đã thực hiện quy trình miễn nhiệm 6 ủy viên UBND tỉnh Kiên Giang khóa X do nghỉ hưu hoặc được điều chuyển công tác. Các nhân sự được miễn nhiệm gồm: ông Phùng Quốc Bình - nguyên Giám đốc Sở TN&MT, ông Hà Văn Thanh Khương - nguyên Giám đốc Sở Xây dựng, ông Bùi Phước Châu - nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT, ông Nguyễn Việt Thông - nguyên Giám đốc Sở Ngoại vụ, ông Đặng Hồng Sơn - nguyên Giám đốc Sở LĐ-TB&XH và ông Huỳnh Vĩnh Lạc - nguyên Giám đốc Sở KH&CN.

Phát biểu tại Kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành nhấn mạnh: Việc sắp xếp đơn vị hành chính, tổ chức lại bộ máy và xây dựng mô hình chính quyền địa phương hai cấp là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, đang được triển khai quyết liệt trên toàn quốc.

Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân phát huy truyền thống cách mạng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đồng lòng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao.

UBND tỉnh Kiên Giang chỉ đạo các sở, ngành, địa phương khẩn trương triển khai thực hiện các nghị quyết vừa được thông qua. Đặc biệt, đối với Dự thảo Nghị quyết hợp nhất tỉnh An Giang và Kiên Giang, UBND tỉnh có trách nhiệm hoàn chỉnh hồ sơ, đề án theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Chủ tịch HĐND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành phát biểu tại kỳ họp.

“Để các nghị quyết vừa được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua nhanh chóng đi vào cuộc sống, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai thực hiện. Riêng đối với dự thảo Nghị quyết chủ trương hợp nhất tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang thành tỉnh An Giang; chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã tỉnh Kiên Giang năm 2025, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo khẩn trương hoàn chỉnh Hồ sơ, Đề án theo quy định và trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định”, ông Thành nói.

Đọc thêm