Ông Lê Hoàng Châu -, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) -cho biết, HoREA đã có kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét bãi bỏ quy định cho phép tách thửa đất nông nghiệp nhằm tránh trục lợi.
Theo ông Châu, trước năm 2019, đã có địa phương cho phép tách thửa đất nông nghiệp, mặc dù Luật đất đai 2003 và Luật đất đai 2013 đều không quy định về tách thửa đất nông nghiệp hoặc tách thửa các loại đất khác không phải là đất ở.
Theo quy định, Luật đất đai 2013 chỉ cho tách thửa “đất ở tại nông thôn” và tách thửa “đất ở tại đô thị”. Nhưng, Nghị định 01/2017/NĐ-CP, Nghị định 43/2014/NĐ-CP cho phép UBND cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.
Cụ thể, tại Khoản 4 Điều 144 về tách thửa “đất ở tại đô thị” quy định: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng đô thị và quỹ đất của địa phương quy định hạn mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân tự xây dựng nhà ở đối với trường hợp chưa đủ điều kiện để giao đất theo dự án đầu tư xây dựng nhà ở; diện tích tối thiểu được tách thửa đối với đất ở”.
Nhưng tại Khoản 31 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 đã bổ sung Điều 43d vào Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định: “Điều 43d. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định diện tích tối thiểu được phép tách thửa đối với từng loại đất cho phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương”.
Ông Châu cho rằng, quy định này đã cho phép tách thửa đối với “từng loại đất”, có thể dẫn đến tình trạng các đầu nậu, doanh nghiệp “bất lương” lợi dụng tách thửa tràn lan và biến tướng thành đất ở, làm phá vỡ quy hoạch phát triển đô thị...Vì thế, HoREA kiến nghị Chính phủ xem xét quy định cho phép tách thửa đối với từng loại đất, trong đó, có đất nông nghiệp vì không phù hợp với Luật Đất đai và có thể dẫn đến hệ quả làm gia tăng tình trạng phân lô, tách thửa tràn lan, khó kiểm soát.