Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc trong công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa

(PLVN) -  Ngày 13/5, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Tọa đàm chuyên đề “Công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa - Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn”, nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công bố hợp quy hiện nay, đồng thời ghi nhận ý kiến góp ý cho Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật.
Tọa đàm “Công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa - Một số vấn đề pháp lý và thực tiễn”.

Tọa đàm có sự tham gia của TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam; TS. Nguyễn Tri Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam; TS. Ninh Thị Len, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn Chăn nuôi Việt Nam; ông Nguyễn Như Tiệp, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và Phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT - nay là Bộ Nông Nghiệp và Môi trường)…

Nhiều bất cập tồn tại

Phát biểu khai mạc, TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam cho hay, công tác xây dựng pháp luật hiện nay diễn ra nhanh chóng, đóng vai trò nền tảng cho phát triển. Tuy nhiên, trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là chất lượng hàng hóa, hệ thống pháp luật còn chưa theo kịp thực tiễn, ảnh hưởng đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh. Ông Nam cho rằng, việc xây dựng và sửa đổi luật là cần thiết, bởi các quy định hiện hành chưa bao quát đầy đủ, trong khi chất lượng sản phẩm, hàng hóa là vấn đề liên quan trực tiếp đến quyền lợi người tiêu dùng.

TS. Vũ Hoài Nam, Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam phát biểu.

Tại toạ đàm, TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật là những luật (gốc) có phạm vi ảnh hưởng, tác động rất rộng, chi phối toàn bộ điều kiện sản xuất, kinh doanh đảm bảo chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Do đó, nhà nước, cơ quan chủ trì xây dựng 2 luật này phải xác định, đây là công việc rất quan trọng, có ảnh hưởng quyết định đến sức sản xuất, sức cạnh tranh, giá trị thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa Việt Nam…

Ông Dương đã đưa ra nhiều bất cập còn tồn tại của 2 luật này. Tại Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật hiện đang quy định, hàng hoá sản xuất kinh doanh phải có tiêu chuẩn và quy chuẩn, nhưng riêng Việt Nam quy định trước khi sản xuất lưu thông phải công bố hợp quy. Theo ông Dương đó là việc làm vô nghĩa, không có ý nghĩa trong hoạt động quản lý và gây phát sinh chi phí sản xuất… Đồng thời, ông Dương cũng cho rằng, việc công bố hợp quy không có ý nghĩa trong trao đổi thương mại trên thế giới.

“Vậy việc công bố hợp quy có cần thiết hay không? Và vì quy định như vậy, nên sẽ ảnh hưởng đến Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, ông Dương nhấn mạnh.

TS. Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam nêu ý kiến.

Về Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, ông Dương chia sẻ, hiện nay Dự thảo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa đang chia các sản phẩm thành ba nhóm: rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Cách tiếp cận này theo ông là phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và xu hướng chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

“Nhưng chúng ta lại thiết kế 3 nhóm này để đưa ra 3 chế độ công bố hợp quy. Như vậy vẫn là bình mới rượu cũ. Chúng tôi kiến nghị nhà nước sửa đổi Luật Tiêu chuẩn, Quy chuẩn kỹ thuật, thay vì công bố hợp quy, quy định là hàng hoá sản xuất kinh doanh đưa vào thị trường phải được công bố tiêu chuẩn áp dụng và quy chuẩn áp dụng. Và kiến nghị trong Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa phân 3 nhóm theo nguy cơ rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao để nhà nước thiết kế chế độ kiểm tra phù hợp, để người dân lựa chọn những cách kiểm soát phù hợp”, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam đề xuất.

Cũng đề cập đến việc quản lý chất lượng sản phẩm theo cấp độ rủi ro, ông Nguyễn Như Tiệp, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và phát triển thị trường (Bộ NN&PTNT - nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) đề xuất nên phân loại cấp độ rủi ro.

Ông Nguyễn Như Tiệp, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng và phát triển thị trường phát biểu tại toạ đàm.

Theo ông Tiệp: “Biện pháp quản lý dựa trên rủi ro nên xây dựng/rà soát, ban hành tiêu chuẩn, văn bản pháp quy kỹ thuật dựa trên tham khảo chuẩn mực quốc tế, quy định của các đối tác thương mại và hồ sơ đánh giá rủi ro theo nhóm sản phẩm/lĩnh vực. Bên cạnh đó, cần phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức và hiểu biết cho các bên về rủi ro và biện pháp phòng ngừa, khống chế rủi ro tương ứng với từng nhóm sản phẩm/lĩnh vực. Xây dựng chính sách và đào tạo/tập huấn nhằm hỗ trợ tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thiết lập và vận hành hệ thống đảm bảo chất lượng, an toàn dựa trên nhận diện và kiểm soát, phòng ngừa, khống chế rủi ro tương ứng với từng nhóm sản phẩm/lĩnh vực. Hậu kiểm: giám sát/kiểm tra/thanh tra (bao gồm cả lấy mẫu kiểm nghiệm) trong sản xuất, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường với tần suất được xác định bởi cấp độ rủi ro của sản phẩm và lịch sử tuân thủ của nhà sản xuất kinh doanh nhằm phát hiện, xử lý nghiêm (phạt tiền, đình chỉ sản xuất kinh doanh, truy tố hình sự…) đủ sức răn đe theo quy định”.

Phải giảm thủ tục hành chính, thay đổi phương thức quản lý

Tại Toạ đàm, TS. Nguyễn Tri Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng đưa ra ý kiến góp ý. Ông đề cập đến việc phải giảm các thủ tục hành chính, để có cơ hội phát triển kinh tế. Đồng thời, ông Ngọc cũng đề xuất: “Cần phải thay đổi phương thức quản lý, đó là quản lý nhà nước phải được tăng cường, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Bởi có quá nhiều bài học rõ ràng như: vụ sữa giả, gạo, phân bón, thuốc… Nhất định phải bỏ chứng nhận hợp quy”.

TS. Nguyễn Tri Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam đóng góp ý kiến tại toạ đàm

Đồng tình với ý kiến không công bố hợp quy, TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội thú y Việt Nam nói: “Ví dụ, như thuốc thú y của Việt Nam đến bây giờ xuất khẩu đi rất nhiều nước. Trong đó, đặc biệt có vaccine thú ý của Việt Nam cũng xuất khẩu đi rất nhiều nước, nhưng không nước nào yêu cầu là các sản phẩm đó phải công bố hợp quy. Như vậy, không công bố hợp quy không ảnh hưởng đến uy tín của sản phẩm chúng ta xuất khẩu. Chúng ta mở rộng được thị trường, vẫn phát triển được và doanh thu về xuất khẩu của các doanh nghiệp, sản xuất kinh doanh của thú y càng ngày càng tăng”.

TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội thú y Việt Nam đóng góp ý kiến tại toạ đàm.

Ngoài ra, toạ đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp của đại diện các đơn vị, công ty đều xoay quanh vấn đề công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy.

Các đại biểu tham dự toạ đàm phát biểu đóng góp ý kiến.

Bà Trần Hoàng Yến, Phụ trách bộ phận vận động chính sách của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam phát biểu đóng góp ý kiến tại toạ đàm.

Các đại biểu tham dự toạ đàm phát biểu đóng góp ý kiến.
Các đại biểu tham dự toạ đàm phát biểu đóng góp ý kiến.

Tọa đàm khép lại với sự thống nhất cao về việc cần hoàn thiện các quy định pháp luật theo hướng minh bạch, thực tiễn và tiết giảm thủ tục không cần thiết. Nhiều ý kiến sẽ tiếp tục được tổng hợp, kiến nghị tới cơ quan có thẩm quyền nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng hàng hoá, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng và tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Đọc thêm