Chiều 5/12, trao đổi với phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, ông Đồng Ngọc Ba cho biết Cục Kiểm tra VBQPPL đã trực tiếp kiến nghị Bộ GTVT xem xét xử lý sai sót trong việc ban hành quy định nêu trên.
Theo khoản 1 Điều 45 Thông tư 45, hành khách là người mang quốc tịch Việt Nam từ 14 tuổi trở lên khi làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa phải xuất trình một trong các loại giấy tờ sau: hộ chiếu hoặc giấy thông hành, thị thực rời, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân; giấy chứng minh, chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ đại biểu Quốc hội; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; giấy xác nhận nhân thân có các thông tin cơ bản sau: họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, nơi ở hiện nay do công an phường, xã nơi thường trú hoặc tạm trú xác nhận, có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
Một loại giấy tờ khác có thể sử dụng là giấy của cơ quan có thẩm quyền chứng nhận hành khách là người vừa chấp hành xong bản án, giấy xác nhận có dán ảnh, đóng dấu giáp lai và chỉ có giá trị trong vòng 30 ngày kể từ ngày xác nhận.
So với Thông tư 01, khoản 45 Điều 1 Thông tư 45 quy định một số loại giấy tờ phải xuất trình đối với hành khách mang quốc tịch Việt Nam từ 14 tuổi trở lên làm thủ tục đi tàu bay trên các chuyến bay nội địa không bao gồm: Thẻ đảng viên, thẻ nhà báo, giấy phép lái xe ô tô, mô tô, thẻ kiểm soát an ninh cảng hàng không, sân bay, thẻ nhận dạng của các hãng hàng không Việt Nam.
Theo quy định của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam, Nghị định số 92/2015/NĐ-CP của Chính phủ về an ninh hàng không, Cục Kiểm tra VBQPPL nhận định, việc Bộ GTVT ban hành chương trình an ninh hàng không, trong đó quy định về trách nhiệm phải xuất trình giấy tờ tùy thân và loại giấy tờ phải xuất trình để nhận dạng, đảm bảo an ninh hàng không đối với hành khách trước khi lên máy bay là có căn cứ pháp pháp lý về nội dung và đúng thẩm quyền, trách nhiệm được giao.
Tuy nhiên, việc Thông tư 45 loại bỏ một số giấy tờ (thẻ nhà báo, giấy phép lái xe…) nhưng lại chấp nhận những giấy tờ khác (như giấy chứng nhận của các lực lượng vũ trang; thẻ đại biểu Quốc hội; thẻ của Ủy ban An ninh hàng không dân dụng quốc gia; giấy xác nhận nhân thân…) là chưa thống nhất về tiêu chí xác định các loại giấy tờ được chấp nhận, dẫn đến không công bằng và chưa hợp lý.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng cho biết, quá trình soạn thảo Thông tư 45, Bộ GTVT không có chủ trương sửa đổi quy định tại Thông tư 01 về vấn đề này. Việc có thay đổi trong bản phát hành chính thức Thông tư 45 là do sai sót trong quá trình soạn thảo, ký ban hành Thông tư.
Từ những điểm chưa hợp lý về nội dung và sai sót về soạn thảo, ký ban hành Thông tư 45, Cục Kiểm tra VBQPPL đã đề nghị các đơn vị chức năng của Bộ GTVT khẩn trương báo cáo Bộ trưởng Bộ GTVT xem xét xử lý theo thẩm quyền đối với quy định tại khoản 45 Điều 1 Thông tư 45 nêu trên theo hướng ban hành Thông tư Bộ trưởng Bộ GTVT ngưng hiệu lực (chưa thực hiện) quy định này. Điều đó có nghĩa là sẽ tiếp tục áp dụng quy định về các loại giấy tờ phải xuất trình khi làm thủ tục đi tàu bay như hiện nay (quy định tại khoản 2 mục I Phụ lục số XIII Thông tư 01) cho đến khi có quy định mới.
Mặt khác, Cục Kiểm tra VBQPPL cũng khuyến nghị, để đảm bảo an ninh hàng không thì loại giấy tờ có giá trị chứng minh nhân thân hành khách khi làm thủ tục lên máy bay là rất quan trọng, vì vậy, Bộ GTVT cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng để sửa đổi, bổ sung quy định về vấn đề này nhằm đảm bảo an ninh hàng không trong tình hình mới.