Chưa đảm bảo tính ổn định của Chương trình
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trong gần 2 năm thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) năm 2015, việc lập Chương trình đã có những bước tiến khá tốt. Các đề xuất đưa vào Chương trình được tính toán kỹ lưỡng thông qua một “bộ lọc” mới, tăng cường ý thức, kỷ luật, kỷ cương xây dựng Chương trình. Các bộ, ngành, cơ quan đã đề xuất ban hành nhiều văn bản, góp phần đáp ứng tốt yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng Chính phủ liêm chính, phục vụ người dân, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập thị trường.
Tuy nhiên, Bộ trưởng thẳng thắn cho rằng công tác xây dựng Chương trình còn nhiều hạn chế đến nay vẫn chưa giải quyết được, thậm chí có những hạn chế được Quốc hội chất vấn, được dư luận xã hội quan tâm. Đáng chú ý, có tình trạng một số đề xuất đưa vào Chương trình nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn chưa xem xét, cho ý kiến thì đã xin rút hoặc đã đưa vào song không bảo vệ thành công trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội do chuẩn bị chưa đáp ứng được yêu cầu… Vì vậy, Chính phủ luôn sát sao chỉ đạo, đưa ra nhiều giải pháp quyết liệt nhưng chưa xử lý được hết các tồn tại, vướng mắc. Để tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng mong muốn các đại biểu tập trung thảo luận, “hiến kế” các giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập Chương trình cũng như công tác thẩm định của Bộ Tư pháp.
Trên cơ sở gợi ý của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, ông Nguyễn Văn Mạnh (Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ) cho rằng, để nâng cao chất lượng của Chương trình, giữa các cơ quan, bộ, ngành phải có phối hợp ngay từ đầu; chủ động hơn nữa trong phối hợp, tránh tình trạng “Văn phòng Chính phủ chờ Bộ Tư pháp, Bộ Tư pháp chờ các bộ, ngành”. Ông Mạnh cũng đề xuất có kế hoạch chi tiết về công tác phối hợp giữa Văn phòng Chính phủ và Bộ Tư pháp, trong đó thỏa thuận thống nhất về phạm vi, thời gian, cấp phối hợp để đảm bảo thuận lợi cho toàn bộ quá trình chuẩn bị, xây dựng Chương trình.
Nhất trí với đánh giá của Bộ Tư pháp liên quan đến tiến độ, chất lượng xây dựng Chương trình, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh quan niệm, những tồn tại cơ bản thuộc về trách nhiệm của các bộ, ngành. Tuy nhiên, ông Sinh lý giải, mặc dù Bộ Xây dựng đã quán triệt các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các bước theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL 2015 nhưng có điểm vướng là việc tổng kết đánh giá để từ đó lập đề nghị mất nhiều thời gian, lấy ý kiến các bộ, ngành thường chậm nên ảnh hưởng đến tiến độ.
Bộ Tư pháp nên “mạnh tay” hơn trong báo cáo thẩm định
Báo cáo công tác thẩm định của Bộ Tư pháp, Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật Nguyễn Hồng Tuyến cho biết, sau gần 2 năm thi hành Luật năm 2015, công tác này đã dần đi vào nền nếp, có chất lượng hơn, tuân thủ thời hạn thẩm định và đạt hiệu quả nhất định. Bên cạnh kết quả đạt được, công tác thẩm định của Bộ Tư pháp còn một số tồn tại, hạn chế.
Bàn về công tác thẩm định, Bộ trưởng Lê Thành Long thừa nhận, tuy Bộ Tư pháp đã cố gắng nhưng chất lượng công tác thẩm định chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra. Bộ trưởng cho biết, thời gian tới sẽ thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Chính phủ là kiên quyết trả lại hồ sơ thẩm định nếu hồ sơ đề nghị xây dựng văn bản hoặc hồ sơ dự án, dự thảo văn bản không đầy đủ theo quy định của Luật năm 2015; kiên quyết đề xuất không đưa vào Chương trình những đề nghị xây dựng văn bản không tuân thủ quy định của Luật năm 2015 về trình tự, thủ tục, hồ sơ và chất lượng hồ sơ không bảo đảm. Đối với cơ chế hội đồng thẩm định, theo Bộ trưởng, nên tiếp tục phát huy vai trò hội đồng nhưng cần rút kinh nghiệm tổ chức hội đồng thẩm định.
Một số đại biểu đề nghị Bộ Tư pháp khi thẩm định cũng nên mạnh dạn nêu rõ trong báo cáo thẩm định là hồ sơ có đủ điều kiện hay không đủ điều kiện đưa vào Chương trình. Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì đề nghị, trong thành phần hội đồng thẩm định nên mời thêm nhiều chuyên gia, nhà khoa học; dành thời gian thỏa đáng hơn để thảo luận, lắng nghe ý kiến nhiều chiều về tác động của chính sách, nhất là những chính sách “nhạy cảm”, để đảm bảo chất lượng ý kiến thẩm định.