“Cuộc chiến” giành đất
Trên tuyến đường Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa), ngay sau khi thông tuyến con đường “đắt nhất hành tinh” tại thời điểm cuối năm 2013, không chỉ hàng loạt nhà siêu mỏng siêu méo mọc lên, còn có không ít câu chuyện buồn đã diễn ra do tranh giành nhau từng mét đất mặt đường được tự định giá đến vài trăm triệu/m2.
Bà chủ một quán nước trên đường này cho biết, sau khi ngôi nhà cha mẹ để lại bị giải tỏa chỉ còn hơn chục m2, vợ chồng bà phải cắn răng “các” 2 tỷ cho người em trai chồng để có quyền sở hữu ngôi nhà bé tẹo.
Người em đòi 3 tỷ mới chịu đi. Cuộc thỏa thuận không vui vẻ, cuối cùng cũng chấm dứt với sự tham gia của luật sư, sau đó anh em dứt tình. Bà tặc lưỡi, trước đây đất trong làng, anh em ở chung chẳng tính toán gì. Nay chỉ vì một tí đất “ló” ra đường, anh em lại không thể nhìn mặt nhau.
Những căn nhà siêu nhỏ |
Tại hai ngôi nhà mặt đường khác trên tuyến này cũng đang diễn ra “cuộc chiến” giành đất. Một nhà thì anh trai và em gái tranh nhau phần nhà mặt đường sau giải phóng mặt bằng. Người trưng ra di chúc của bà mẹ, người còn lại một mực cho rằng đó là di chúc giả.
Ngôi nhà cao tầng đang xây dở đành căng bạt để đó chờ tòa phân xử. Cách đó không xa, mấy anh em trong một nhà khác cũng đã lôi nhau đến tòa đòi chia thừa kế ngôi nhà mới ra mặt đường.
Ở tuyến phố mới mở Trần Phú – Kim Mã, chị Đào Thị Hạnh (HKTT số 10, phố Thanh Báo, Kim Mã) không kiện anh em hay hàng xóm, mà lại kiện… chính quyền.
Chị đã được bồi thường, đã đến nơi tái định cư, nay vẫn trở lại phường kiện muốn trả lại tiền, đòi lại đất. Căn nguyên sự việc, theo chị là do phường xử lý kiểu “bên trọng, bên khinh”. Nhà chị trước đây không bị giải tỏa hết, nhưng chính quyền cho rằng phần còn lại “thuộc diện nguy hiểm”, phải thu hồi và đền bù toàn bộ.
Ai ngờ sau khi chuyển đi, quay trở lại, chị thấy nhà hàng xóm vẫn còn tồn tại. Chính quyền và ban quản lý dự án lại lấy phần đất của nhà chị làm cầu thang tạm cho gia đình trên sử dụng, còn xây tường, làm cửa sắt kiên cố. Chị bức xúc đi kiện “đòi công bằng”: “Nếu nhà kia tồn tại được, nhà tôi cũng tồn tại được, tôi xin trả lại tiền để lấy lại đất”.
Chính quyền xử sao?
Ở hai tuyến đường mới mở nêu trên, những kiện tụng ngổn ngang như thế, chính quyền xử lý cách gì để hạn chế khiếu kiện phức tạp? Làm gì để yên lòng dân?
Ông Đặng Thành Công, Phó Chủ tịch phường Kim Mã cung cấp thông tin, những thửa đất “siêu mỏng, siêu méo” còn tồn tại sẽ không trở thành nhà. Chúng sẽ được làm thủ tục hợp thửa, một số thuộc quy hoạch chỉnh trang thiết kế đô thị, còn lại không đủ điều kiện xây dựng sẽ lên phương án thu hồi...
Còn tại tuyến phố Hoàng Cầu – Ô Chợ Dừa, giải thích lý do tồn tại tạm thời của những công trình “tí hon” có khi chỉ vài m2 dọc mặt đường, ông Nguyễn Ngọc Hưng, cán bộ địa chính phường Ô Chợ Dừa dẫn ra Quyết định 264 ngày 20/1/2014 của Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.Hà Nội.
Một số căn nhà, thửa đất siêu mỏng trên đường mời mở |
Theo ông Hưng, đoạn Ô Chợ Dừa – Hoàng Cầu có tổng cộng 58 trường hợp nhà đất không đủ điều kiện xây dựng, trong đó 24 hộ đã hoàn tất thủ tục hợp thửa, 9 trường hợp đã có quyết định phê duyệt phương án đền bù phần diện tích còn lại ngoài chỉ giới để làm hè, đường; 3 trường hợp “thiếu một chút nữa” được 15m2 vẫn được tạo điều kiện cấp phép xây dựng;
Đặc biệt 9 trường hợp diện tích nhỏ đã ra quyết định thu hồi nốt, hiện đang được xây một tầng tồn tại tạm thời; 2 trường hợp siêu nhỏ (dưới 4m2) được giữ nguyên hiện trạng chờ quy hoạch... Và hi vọng với những quan điểm xử lý rõ ràng như vậy, chính quyền địa phương các khu vực sẽ sớm “giải cứu” các hộ dân khỏi tình trạng mắc kẹt trong những túp lều mặt phố tiền tỉ, chấm dứt tình trạng khiếu kiện phức tạp.
Dự án đường Trần Phú - Kim Mã thông tuyến vào tháng 2/2015 với chiều dài 450m, tổng vốn đầu tư 225 tỷ, tổng diện tích đất thu hồi là 11.750m2, liên quan đến 187 hộ dân của phường.
Tuyến đường Ô Chợ Dừa - Hoàng Cầu (Hà Nội) khánh thành vào cuối tháng 12/2013, dài 547 m với tổng đầu tư 642 tỷ đồng, phải giải phóng mặt bằng 5 cơ quan và 450 hộ dân.