Đêm 26/3/1995, tử tù Phước “tám ngón”phá cùm chân làm bằng sắt phi 10, gây ra cuộc vượt ngục “vô tiền khoáng hậu”, trốn khỏi khám Chí Hoà, vác súng AK lang thang khắp các tỉnh thành cướp bóc. Khi đến Đắk Lắk, Phước khống chế ông Hoá Văn Hoàng (SN 1963, ngụ đường Lê Anh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột), với ý đồ giết và cướp xe. Trong giây phút sinh tử, người đàn ông hiền lành trở thành “hiệp sĩ bất đắc dĩ”, liều chết vật lộn, khống chế được tên tướng cướp “máu lạnh” đem giao công an.
Chân dung tướng cướp khét tiếng
Phước “tám ngón” tên thật là Nguyễn Hữu Thành (SN 1971, ngụ Thuận An,tỉnh Sông Bé cũ, nay là tỉnh Bình Dương). Lúc nhỏ Phước đã mang tiếng là đứa trẻ cứng đầu, ngỗ ngược. Năm 1988, Phước bị TAND quận Gò Vấp (TP.HCM) tuyên án 36 tháng tù giam vì tội trộm cắp. Mãn hạn tù, Phước tiếp tục gây án và trốn khỏi trại giam, mua súng, thành lập băng nhóm chuyên đi cướp bóc.
Những năm 90 của thế kỷ trước, băng cướp của Phước đã gây ra những vụ cướp táo tợn khiến dư luận hoang mang. Đặc biệt, Phước rất hung hãn, luôn sử dụng khẩu súng AK cưa nòng để gây án, sẵn sàng bắn chết bất kỳ ai có ý định chống trả. Sau hơn một năm lập chuyên án, Công an TP.HCM đã tóm gọn Phước cùng đàn em. Ngày 24/6/1994, Phước bị TAND TP.HCM tuyên án tử hình về hai tội cướp tài sản và giết người.
Sau tám tháng nằm trong phòng biệt giam, Phước đã vạch ra kế hoạch vượt ngục, dùng dao lam cưa đứt cùm chân bằng sắt phi 10 rồi chờ thời cơ chạy trốn. Đêm 26/3/1995, lợi dụng lúc mọi người đi ngủ, Phước leo tường bỏ trốn, gây nên vụ đào tẩu “vô tiền khoáng hậu” chưa từng có tại khám Chí Hoà.
Khi thoát khỏi trại giam, Phước tiếp tục mua súng AK tập hợp đàn em đi cướp bóc. Để tránh sự truy lùng của lực lượng công an, Phước không ở cố định một chỗ mà lang bạt khắp nhiều tỉnh thành để gây án. Đi đến đâu, Phước cùng đàn em gieo rắc tai ương và nỗi khiếp sợ cho người dân đến đó. Tuy nhiên, ít ai ngờ, tên tướng cướp khét tiếng lại thúc thủ trước một người dân thường tại vùng đất Tây Nguyên.
Người tóm gọn Phước “tám ngón” chính là ông Hoá Công Hoàng (SN 1963, ngụ đường Lê Anh Xuân, TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk). Buổi tối định mệnh ấy đã trôi qua 20 năm, nhưng mỗi lần nhớ lại khoảng khắc mong manh giữa sự sống và cái chết, ông Hoàng vẫn không khỏi rùng mình.
Chính bản năng sinh tồn, sự mưu trí, dũng cảm đã tiếp thêm sức mạnh cho ông Hoàng hạ gục tên cướp với khẩu AK cưa nòng lăm lăm trong tay.
Khoảnh khắc nghẹt thở
Thời đó, gia đình ông Hoàng sống tại đường Thăng Long (cũng thuộc TP.Buôn Ma Thuột), xung quanh chủ yếu là những vườn chè, vườn cà phê xanh ngắt, chỉ có vài hộ dân thưa thớt. Chập tối ngày 1/10/1995, ông Hoàng chở vợ cùng hai con trai (đứa lớn 5 tuổi, đứa nhỏ 2 tuổi) về nhà thì thấy cửa chính đã mở toang.
Nghĩ có chuyện gì đó bất thường, ông dặn vợ con đứng bên ngoài để mình vào xem xét. Vừa bước đến giữa nhà, ông Hoàng sững người vì một thanh niên lạ chĩa thẳng súng về phía mình, lên đạn lách cách rồi gằn giọng: “Im miệng. Quay ra, không tao bắn chết”.
Biết đã gặp cướp, ông đành làm theo. Khi ra ngoài sân, thấy người lạ, hai đứa con nhỏ của ông hoảng hốt, khóc ré lên. Tên cướp chĩa họng súng về phía gia đình ông rồi ra lệnh: “Quay xe lại, chở tao đi ngay, không tao giết hết cả nhà”. Sợ vợ con vạ lây, ông Hoàng gấp gáp làm theo yêu cầu của tên cướp.
Ông kể lại: “Lúc đó, tôi sợ tên cướp làm liều, hại vợ con mình, nên cố gắng quay xe thật nhanh, lỡ có chuyện gì thì một mình tôi chịu. Thường ngày, tôi phải đạp vài lần chiếc xe Honda 67 mới nổ máy. May sao hôm đó chỉ đạp một lần, xe đã chạy được”.
Ông Hoàng cầm lái, tên cướp ngồi phía sau, tay lăm lăm khẩu súng sẵn sàng nhả đạn bất cứ lúc nào. Khi xe chạy được khoảng 50m, tên cướp kéo họng súng lên gí vào sau gáy ông Hoàng. Nghĩ đằng nào cũng chết, ông đánh liều để giành lại sự sống.
Chiếc xe vừa lên dốc, ông Hoàng bất ngờ buông tay lái, xoay ngược người ra sau, ôm choàng lấy kẻ cầm súng khiến cả hai cùng té xuống đất. Đoàng! Tên cướp bóp cò, viên đạn trượt qua cổ khiến làn da ông bỏng rát, hai tai ù đi nhức nhối vì tiếng nổ chát chúa. Người đàn ông vẫn cố gắng đưa tay siết chặt tên cướp, khẩu súng bị kẹt giữa hai người.
Nghe tiếng nổ, vợ ông Hoàng vừa khóc, vừa hô hoán bà con rồi chạy tới hiện trường. Thấy chồng cùng tên cướp đang vật lộn, người vợ quên hết sợ hãi, liều mình lao tới tương trợ. Bị vợ chồng ông Hoàng đè chặt, tên cướp nghiến răng: “Tao bắn chết hết tụi mày”, nhưng không cựa quậy được.
Vài phút sau, hàng xóm tới hỗ trợ vợ chồng ông Hoàng, tước súng và khống chế tên cướp, giao cho lực lượng công an.
Tại trụ sở công an, tên cướp khai tên Tâm, trong người không mảnh giấy tuỳ thân, trong túi có 3 viên đạn và một viên còn nằm trong khẩu AK. Tuy nhiên, khi nhận diện thấy tám ngón tay và hình xăm chim đại bàng phía sau lưng, cảnh sát lập tức nhận ra đó chính là tướng cướp khét tiếng Phước “tám ngón”.
Bắt xong cướp mới thấy… ớn lạnh
Chia sẻ về “chiến công” của mình, ông Hoàng khiêm tốn: “Từ khi bị chĩa súng vào người, tôi chỉ biết mình đã gặp cướp, phải cố gắng tìm cách để thoát thân chứ không biết đó là ai. Mãi khi công an cho biết tên cướp mình vừa bắt là Phước “tám ngón” và kể về quá trình hắn gây án, tôi mới thật sự ớn lạnh. Lúc bắt cướp, tôi mới 33 tuổi, còn Phước 23. May mắn nên tôi mới góp được phần công sức, bắt giữ được tên cướp hung hãn đó, chứ thật sự mình không giỏi giang gì”.
Như vậy, sau hơn sáu tháng trốn khỏi khám Chí Hoà, Phước “tám ngón” đã bị bắt giữ. Đến ngày 24/9/1996, TAND TP.HCM đưa 13 bị cáo trong băng nhóm của Phước “tám ngón” ra xét xử. Với những tội ác đã gây ra, một lần nữa Phước “tám ngón”, tức Nguyễn Hữu Thành, bị toà tuyên án tử hình lần hai. Năm 1998, Phước “tám ngón” bị xử bắn tại trường bắn Long Bình, (Quận 9, TP.HCM).
Gần 20 năm đã trôi qua, tên cướp khét tiếng một thời đã phải trả giá cho những tội lỗi mà mình gây ra tại pháp trường. Người đàn ông dũng cảm bắt cướp năm xưa nay tóc đã điểm những sợi bạc, ngày ngày ôm đàn guitar đến lớp dạy nhạc. Trong căn nhà nhỏ, người nghệ sĩ chậm rãi gảy những nốt nhạc du dương, cất lời hát bài “Cát bụi” của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn: “Hát bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…”.
Tiếng hát dứt, giọng ông trầm xuống, nhắc lại: “Cuộc đời này công bằng lắm. Ai gieo gió ắt phải gặt bão.Tôi bắt được Phước “tám ngón” nhưng chẳng phải anh hùng hiệp sĩ gì, chỉ là một người bình thường, bản năng sống nổi lên khi bị dồn đến bờ vực cái chết. Bất kì người nào ở hoàn cảnh như tôi cũng sẽ hành động như vậy”./.