Kiếp đàn bà ở góc nhìn xưa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Với những hình phạt tàn độc của luật pháp xưa có thể thấy, phụ nữ phải chịu nhiều bất công khi họ lỡ lầm có tình ái với người đàn ông khác, trong khi người chồng lại có thể năm thê, bảy thiếp. Đó chính là quan niệm trọng nam, khinh nữ đã trở thành quy định pháp luật trong xã hội Việt Nam thời phong kiến.
Cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” (Nhà xuất bản Hà Nội - 2020).
Cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” (Nhà xuất bản Hà Nội - 2020).

Ngoại tình sẽ dẫn tới cái chết đau đớn

Trong cuốn Hoàng Việt Hình Luật – một bộ luật được ban bố trong thời Bảo Đại vào năm 1933 vẫn có những quy định khắt khe với người đàn bà ngoại tình dù đất nước khi đó đã có tiếp cận với văn minh phương Tây.

Theo đó, phụ nữ “phàm vợ cả, vợ lẽ đã có cưới hỏi chánh đáng mà xét quả thông gian với người ta, sẽ bị phạt giam 6 tháng đến 3 năm hoặc phạt bạc 60 $00 đến 360$00 (tiền thời Bảo Đại - PV)… (trích Điều thứ 300 - Mục thứ IV Thông gian - Cường gian - Tư thông với đàn bà con gái - Hôn giá trùng điệp).

Trong cuốn “Vũ trung tùy bút” của Phạm Đình Hổ có viết chuyện thi cử đưa ra luật lệ hà khắc, phân biệt với các thí sinh có mẹ làm nghề ca kỹ: “Đời Lê trung hưng, phép thi rất nghiêm. Những con nhà hát xướng không được đi thi. Lộc Khê Hầu Đào Duy Từ dẫu tài giỏi, văn chương hay, thi Hội đã trúng cách, chỉ vì con nhà hát xướng mà phải tước tịch không đỗ”.

Điều thứ 307 quy định: “Người nào phạm gian với một người đàn bà đương lúc có tang chồng hay là một người con gái chưa đến 18 tuổi, sẽ bị phạt giam từ 6 tháng đến 3 năm hay phạt bạc từ 60$00 đến 360$00. Người đàn bà xét quả là phạm gian trong lúc có tang chồng sẽ bị tội ấy, dẫu không xét ra người gian phu cũng vậy”…

Gustave Dumoutier (1850 - 1904), nhà nghiên cứu nhân học, dân tộc học và tôn giáo người Pháp trong cuốn “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” (Nhà xuất bản Hà Nội - 2020) cho biết có nhiều hình phạt man rợ khi người phụ nữ bị buộc tội ngoại tình.

Ông viết: “Luật Annam Điều 333 và các điều tiếp theo quy định một loạt những hình phạt chống lại tội ngoại tình (hình phạt nới rộng ra tới các đồng phạm, người mối lái, người chồng và cha mẹ tòng phạm), chống lại tội loạn luân, hiếp dâm; chống lại sự gần gũi giữa đầy tớ và vợ ông chủ, giữa những người có tang, giữa thầy tu và người ngoài đời, giữa những người sang cả và những người ti tiện. Hình phạt nghiêm khắc, nhiều khi tới mức tử hình.

Khi người Pháp tới Bắc kỳ, phụ nữ bị bắt quả tang đang ngoại tình, bị xử tội chết và thường bị để cho voi dày. Người phụ nữ tìm cách sát hại chồng để che giấu tội ngoại tình và để lấy người yêu sẽ bị xử ngũ mã phanh thây...

Có trường hợp ở Bắc kỳ, tội ngoại tình bị trừng phạt một cách khủng khiếp, vượt ra ngoài quy định của pháp luật.

Không có gì thảm thương hơn bắt gặp những kẻ thân tàn ma dại, sầu thảm, trên đầu tội nhân đội một tấm bảng ghi rõ lý do xử tội và cho phép người chồng nhục nhã được tự do thi hành công lý, với tất cả hình phạt mà người thường có thể tưởng tượng ra được.

Một tục lệ khác ít dã man hơn là cạo đầu bôi vôi phạm nhân và giong họ đi khắp làng. Năm 1892, một phụ nữ Hà Nội ba lần bị người chồng tin là đã thông dâm, bị giải lên tòa án bản xứ, bị án treo cổ ở gần Cầu Giấy”.

Cũng theo học giả Gustave Dumoutier cho biết: “Tội ngoại tình của người chồng, trong thực tế chỉ bị xét xử bằng những lời nhiếc móc của người vợ”.

Với những hình phạt tàn độc của luật pháp xưa thì thấy rằng phụ nữ bị quá nhiều bất công khi họ lỡ lầm có tình ái với người đàn ông khác, trong khi chồng mình có thể năm thê, bảy thiếp. Đó chính là phong tục trọng nam, khinh nữ đã trở thành quy định trong xã hội Việt Nam thời phong kiến.

Sự bất công về luật pháp đối với phụ nữ không chỉ những về tội ngoại tình mà còn khắc nghiệt về đạo đức trong gia đình. Nhà nghiên cứu phong tục Việt Nam Nhất Thanh đã viết trong cuốn “Đất lề quê thói” (Nhà xuất bản Hồng Đức, năm 2018).

Ông viết: “Về thực tế, trong cuộc sống hằng ngày với gia đình, người vợ có rất nhiều quyền xứng đáng với danh hiệu nội tướng; về pháp lý, theo luân lý cổ truyền thì trái ngược, người vợ rất ít quyền nếu chẳng muốn nói là không có. Ở lãnh vực văn hóa xã hội chính trị người đàn ông giành hết địa vị, người đàn bà gần như không có chỗ đứng, nam trọng, nữ khinh là thế.

Đàn ông có rất nhiều quyền, kể cả quyền bỏ vợ, xưa nói là rẫy vợ hay để vợ, cũng gần như đuổi đi. Đàn bà gần như không có quyền bỏ chồng”.

Có thể nói, luật pháp và luân lý thời đó đã biến người phụ nữ không có quyền con người, quyền tự do yêu đương. Họ đã bị luật pháp và đạo lý chà đạp một cách bất công so với của người đàn ông được luật pháp cũng như lệ tục trong gia đình bảo hộ.

Trừ bỏ hẳn tinh thần bất bình đẳng

Trong cuốn “Một nền văn hóa mới của Hội Văn hóa cứu quốc Việt Nam” xuất bản tháng 6/1945 đã kêu gọi giải phóng phụ nữ khỏi sự “cầm tù” về tư tưởng cũng như luật lệ.

Sách viết: “Nói đến một luân lý mới, chúng ta không thể quên vấn đề phụ nữ, nó sẽ chỉ định một phần lớn cái đà tiến hóa tương lai của dân ta. Chúng ta làm sao có tự do, bình đẳng thực, nếu chưa “giải phóng cho bạn gái” - tức là một nửa dân tộc khỏi những sự đè nén, do những quan niệm khắc nghiệt, thiên lệch của một thời đã chết. Chúng ta làm sao có thể tiến mau nhanh chóng đến ánh sáng, nếu cả một dân tộc còn lãnh đạm với những công việc kiến thiết?

Đời sống đoàn thể mai sau sẽ nhất định lôi cuốn phụ nữ ra khỏi gia đình, bắt gánh vác những trách nhiệm xã hội ngang với đàn ông, thì nền luân lý mai sau còn ngại gì mà không trừ bỏ hẳn cái tinh thần bất bình đẳng kia giữa nam - nữ trong gia đình và ngoài xã hội, còn ngại gì mà không bài xích những chế độ làm giảm giá trị người đàn bà, như những phong tục đa thê, cưới xin mua bán?

Sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam nữ trong luân lý, phong tục phải hoàn thành cho sự bình đẳng hoàn toàn giữa nam nữ về phương diện chính trị”.

Sau ngày cách mạng thành công, nước nhà độc lập năm 1945, vai trò người phụ nữ được tôn trọng, những luật lệ hà khắc đối với phụ nữ đã bị hủy bỏ.

Trong lịch sử đã có nhiều vụ tư thông gian dâm nổi tiếng được sử sách ghi lại. Vụ án đầu tiên về quan hệ trai gái bất chính được chính sử ghi nhận thời Lê sơ là vào năm Ất Mão (1435) đời Vua Lê Thái Tông: “Người đàn bà ở xã Thương Xá, lộ Quốc Oai (nay thuộc Hà Nội - người dẫn chú) là Nguyễn Thị Ngọc đã có 8 con với chồng. Chồng bị bệnh hủi, Nguyễn Thị Ngọc không cứu chữa, nuôi nấng mà còn lấy trộm tài sản của chồng, tư thông với khố giám là Nguyễn Chiếm để mưu lấy chồng khác” (trích Đại Việt sử ký toàn thư).

Hai năm sau, chính sử tiếp tục ghi nhận một trường hợp nặng hơn khi con rể thông dâm với mẹ vợ: “Năm Đinh Tỵ (1437) tháng 8, Hàn lâm viện đãi chế Vũ Văn Phỉ thông dâm với mẹ vợ là Nguyễn Thị, chuyện bị phát giác” (theo Đại Việt sử ký toàn thư).

Với tội này, áp dụng chương Thông gian (ngoại tình có đi lại với nhau) trong Quốc triều hình luật, tội của viên quan Vũ Văn Phỉ ứng với Điều 1: “Gian dâm với vợ người khác thì xử tội lưu hay tội chết” và Điều 5: “Thông gian với vợ người thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư, bắt nộp tiền nhiều ít theo bậc cao thấp của người đàn bà, nếu sang hèn cách xa thì lại xử khác”, lại ứng với “lệnh cấm đàn bà phản bội chồng, đàn ông gian dâm với vợ người khác” trong Thiên Nam dư hạ tập: “Gian dâm với vợ người thì xử lưu hoặc tử hình”. Nhưng cụ thể và rõ ràng nhất thì tội của Phỉ được áp vào Điều 11 của Hồng Đức thiện chính thư: “Con rể thông dâm với mẹ vợ là việc đồi bại, làm tổn hại đến luân thường đạo lý, theo luật phải xử chém”.

Tổng hợp lại những quy định ấy, tội của Vũ Văn Phỉ sau đó được tuyên là “phải xử tội chém”. Tuy nhiên, chính sử cho hay, Vũ Văn Phỉ “xin được chuộc tội, cuối cùng bị đày ra châu xa”.

Đọc thêm