Bảo đảm quyền lợi của kiều bào
Theo Ủy ban Nhà nước về NVNONN, cách đây 60 năm, ngày 23/11/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định số 416/NĐ-TTg thành lập ban Việt kiều Trung ương – tiền thân của Ủy ban, đánh dấu mốc phát triển quan trọng của công tác đối với NVNONN. Đây là lần đầu tiên một tổ chức chuyên trách của Chính phủ được thành lập để vận động, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi kiều bào ta sinh sống ở nước ngoài, giúp Chính phủ theo dõi công tác về NVNONN.
60 năm kể từ khi được thành lập, các thế hệ lãnh đạo, cán bộ và nhân viên Ủy ban luôn thấm nhuần tư tưởng đại đoàn kết dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; các chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước đối với NVNONN; không ngừng nỗ lực, phấn đấu, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ban, ngành làm tốt công tác đối với NVNONN trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Trong đó, xây dựng và hoàn thiện chính sách liên quan tới NVNONN, Ủy ban đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát, bổ sung, sửa đổi các quy định về quốc tịch, sở hữu nhà ở, xuất nhập cảnh, làm việc, đầu tư kinh doanh… đối với NVNONN cho phù hợp với sự phát triển của thực tiễn; đề xuất các chủ trương, chính sách mới có tính đột phá để bảo đảm quyền lợi của kiều bào một cách thiết thực và hiệu quả.
Nhiều văn bản pháp luật liên quan đến NVNONN đã được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới, hình thành được một hệ thống khung luật pháp và chính sách tạo nền tảng chính trị - pháp lý ngày càng thông thoáng, đáp ứng tốt hơn những lợi ích thiết thân của NVNONN khi về nước thăm thân, sinh sống, làm ăn…
Kết quả của những chính sách nêu trên tiếp tục khẳng định chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, tạo đồng thuận góp phần tích cực xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, khuyến khích kiều bào hướng về quê hương, đóng góp tiềm lực kinh tế, chất xám vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Để tăng cường vai trò của kiều bào vào đời sống chính trị ở trong nước, Uỷ ban phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức lấy ý kiến bà con đóng góp vào các văn bản quan trọng của Đảng và Nhà nước như dự thảo văn kiện các Đại hội Đảng XI, XII; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013; giới thiệu đại biểu kiều bào tham gia Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… Nhiều hoạt động lớn dành riêng cho kiều bào cũng được tổ chức.
Chương trình họp mặt kiều bào vào dịp Tết Nguyên đán sau này được biết đến với tên gọi Xuân Quê hương được tổ chức từ hàng chục năm nay. Từ năm 2009, Chương trình với nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa, truyền tải thông điệp về chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước đối với kiều bào, đã thu hút sự tham dự ngày càng đông đảo của kiều bào, khơi dậy tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, thu hẹp khác biệt, đóng góp tích cực cho hòa hợp dân tộc.
Nhiều hoạt động thiết thực
Hội nghị NVNONN với quy mô toàn thế giới vào các năm 2009, 2012 và 2016 cũng đã thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào và được dư luận cộng đồng hết sức quan tâm, phản ánh đúng tâm nguyện của kiều bào mong muốn đoàn kết hướng về quê hương để phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhiều chuyến đi về nguồn dành riêng cho kiều bào, kết hợp về thăm quê hương, đất nước, tìm hiểu truyền thống lịch sử, văn hóa và tham gia các hoạt động tri ân, đền ơn đáp nghĩa được đông đảo kiều bào hoan nghênh và đánh giá cao.
Đặc biệt, liên tục từ năm 2012, nhằm đáp ứng nguyện vọng và quan tâm của kiều bào, Ủy ban đã tổ chức 9 đoàn kiều bào ra thăm huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 với gần 500 đại biểu kiều bào đến từ các châu lục tham dự. Thông qua hoạt động này, nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực của kiều bào hướng về biển đảo quê hương đã được triển khai, như ủng hộ hơn 8 tỷ tiền mặt cùng 1 xuồng chủ quyền trị giá 3,5 tỷ, tặng hiện vật gần 3 tỷ…
Đồng thời, các buổi triển lãm, hội thảo về Biển Đông được các hội đoàn người Việt tổ chức ở nhiều địa bàn trên khắp các châu lục; các sản phẩm khoa học và nguồn tài chính đóng góp của các hội cũng góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong mặt trận đấu tranh giữ vững hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Đối với thế hệ trẻ, kể từ năm 2004, Ủy ban tổ chức Trại hè Việt Nam hàng năm thu hút sự quan tâm đông đảo của thanh niên, sinh viên kiều bào. Trong 10 năm qua, tổng số đại biểu tham gia chương trình này không ngừng tăng với tổng số gần 1.500 em. Cùng với các hoạt động trải dài trên cả 3 miền Bắc - Trung - Nam, chương trình có sự kết hợp hài hòa các yếu tố giáo dục chính trị, lịch sử, truyền thống, văn hóa, du lịch và trau dồi tiếng Việt góp phần khơi gợi lòng tự hào dân tộc và tình cảm gắn bó quê hương của thế hệ kiều bào trẻ.
Trong 10 năm qua, mỗi năm có khoảng từ 700 ngàn đến 1 triệu lượt kiều bào về nước du lịch, thăm thân, tìm hiểu và triển khai các cơ hội đầu tư, làm việc... Kiều bào cũng đóng góp thiết thực trong đầu tư, kinh doanh tại nhiều địa phương và có nhiều hoạt động từ thiện, nhân đạo như giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, trẻ em nghèo, nạn nhân chất độc da cam, xây cầu đường dân sinh.
Công tác phát huy nguồn lực kiều bào cũng đã được Ủy ban tiến hành thường xuyên, với trọng tâm là hướng kiều bào đầu tư vào các chương trình kinh tế trọng điểm, vận động kiều bào tích cực tham gia các hoạt động ngoại giao kinh tế và cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Thống kê cho thấy, hiện có gần 3.000 doanh nghiệp kiều bào từ Mỹ, Canada, Australia, Nga, Pháp, Séc, Hà Lan… đang hoạt động tại 50/63 tỉnh, thành phố trên cả nước với số vốn góp và vốn đăng ký 4 tỷ USD; tập trung vào các lĩnh vực du lịch, thương mại, bất động sản, sản xuất hàng xuất khẩu, chế biến, xuất khẩu thủy sản… Kiều hối gửi về nước luôn duy trì mức tăng khoảng 10-15% mỗi năm với tổng kiều hối trong 10 năm qua lên gần 112 tỷ USD, đưa Việt Nam là một trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất thế giới, đóng góp quan trọng vào ổn định cán cân thanh toán và phát triển kinh tế của đất nước.
Đối với việc thu hút tiềm năng chất xám của kiều bào, nhất là đội ngũ 500.000 chuyên gia, trí thức NVNONN, Ủy ban đặc biệt coi trọng việc tham mưu, đề xuất xây dựng các chủ trương, chính sách mới nhằm thu hút nhiều hơn nữa các chuyên gia, trí thức kiều bào về nước làm việc, giảng dạy, hợp tác nghiên cứu khoa học, công nghệ. Ủy ban cũng tích cực hỗ trợ các hội, nhóm, cá nhân chuyên gia trí thức trong các hoạt động đóng góp cho sự phát triển khoa học, công nghệ, kinh tế - xã hội của đất nước…