“Kim chỉ nam” để văn hóa Việt Nam phát triển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau đúng 75 năm kể từ ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức, hôm nay (24/11) diễn ra Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Sự kiện được ví như Hội nghị Diên Hồng về văn hóa Việt.
 Phát triển văn hóa, con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.
Phát triển văn hóa, con người Việt Nam để đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.

“Sợi chỉ đỏ” xuyên suốt dòng chảy văn hóa

Theo dòng lịch sử, năm 1943, Tổng Bí thư Trường Chinh đã soạn thảo Đề cương văn hóa Việt Nam. Đây là cương lĩnh về văn hóa đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, thể hiện quan điểm của Đảng về vị trí của văn hóa đối với cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Trước cách mạng, nhiều trí thức, văn nghệ sỹ ít nhiều cảm thấy bế tắc trong sáng tạo, nhưng khi bắt gặp tư tưởng cứu quốc “Tổ quốc trên hết” trong Đề cương văn hóa họ đã hăng hái đi theo cách mạng và kháng chiến.

Những luận điểm của Đề cương này đã được soi tỏ và được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát hóa thành chân lý có giá trị vô cùng sâu sắc: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ” tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham gia của hơn 200 đại biểu đại diện cho phong trào văn hóa toàn quốc thời bấy giờ.

Tiếp đó, Hội nghị Văn nghệ toàn quốc được tổ chức từ ngày 23 đến 25/7/1948. Hơn 80 đại biểu của các ngành văn học, sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, mỹ thuật từ các nẻo đường kháng chiến đã về dự, chính thức thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Sau Hội nghị, các văn nghệ sỹ nô nức đi vào cuộc kháng chiến với khẩu hiệu “Cách mạng hóa tư tưởng, quần chúng hóa sinh hoạt…”. Sau đó, do điều kiện chiến tranh, hình thức hội nghị văn hóa toàn quốc không còn được tổ chức, nhưng quan điểm, đường lối của Đảng về văn hóa tiếp tục xây dựng, bổ sung, phát huy trong sự nghiệp kháng chiến và kiến quốc.

Năm 1998, Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII nêu rõ chủ trương “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Lần đầu tiên Đảng khẳng định “Văn hóa là sức mạnh nội sinh quan trọng nhất của sự phát triển”. Quan điểm này là định hướng cơ bản cho phát triển bền vững đất nước, nếu không sẽ có những lệch lạc về tư tưởng, khủng hoảng xã hội.

Năm 2014, công nghiệp văn hóa được chính thức đề cập trong Nghị quyết 33 của Bộ Chính trị. Đây là bước tiến mới trong nhận thức lý luận và thực tiễn. Với quan điểm mới này, giá trị, bản sắc văn hóa không chỉ là tài nguyên vô giá, tạo ra doanh thu, góp phần vào tăng trưởng kinh tế mà còn củng cố “sức mạnh mềm” giúp nâng cao thương hiệu vùng miền, quốc gia.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của văn hóa, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng mới đây đã xác định: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Có thể thấy, từ năm 1943 luận điểm về vai trò quan trọng của của “sức mạnh mềm” văn hóa đã trở thành nguyên tắc chi phối, có ý nghĩa cơ bản, lâu dài và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt quá trình phát triển văn hóa Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Qua hàng ngàn năm lịch sử, lòng yêu nước, yêu hòa bình, đoàn kết, nhân ái, ý chí tự cường và khát vọng cống hiến đã đưa đất nước vượt qua bao gian nan, thử thách và tiếp tục tạo thành “căn cước văn hóa” của quốc gia trong thời kỳ hội nhập.

Tạo vị thế riêng cho văn hóa Việt

Theo thông tin từ Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sẽ đánh giá việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước; từ đó thống nhất phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045. Hội nghị sẽ rút ra những bài học thành công, cũng như nhìn thẳng vào các khuyết điểm, yếu kém trong phát triển văn hóa, xây dựng con người, đồng thời đưa ra những quan điểm, chủ trương mới về văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng.

Trao đổi với truyền thông trước thềm Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho biết, Hội nghị sẽ là “kim chỉ nam” để tiếp tục đưa văn hóa Việt Nam phát triển, tiếp tục tạo ra vị thế riêng và hòa vào dòng chảy của thời đại.

“Từ thực tế sinh động và biến đổi phức tạp, muôn hình muôn vẻ của đời sống văn hóa hiện nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tiếp tục đổi mới và chú trọng những vấn đề then chốt. Trên cơ sở một nền kinh tế phát triển vững mạnh với mục tiêu hướng về phục vụ cho lợi ích của số đông, môi trường được bảo vệ, với một nền chính trị lành mạnh, dân chủ, công khai, minh bạch, văn hóa Việt Nam chắc chắn sẽ đóng góp xứng đáng với tư cách là nền tảng tinh thần của xã hội, được xây dựng và phát triển vững chắc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” - Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay, vai trò của văn hóa càng được đặc biệt quan tâm. Mới đây, trong bài viết của mình, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội, một trong những nhà ngoại giao kỳ cựu của Việt Nam đã nhấn mạnh: “Ngoại giao văn hóa có thể mở đường cho cả ngoại giao kinh tế và chính trị”.

Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh, cần phải thấy rằng ngoại giao văn hóa có thể mở đường cho cả ngoại giao kinh tế và chính trị, đây là ba trụ cột chính khẳng định vị thế và tầm ngoại giao của một quốc gia. Xung quanh vấn đề này sẽ phải xác định, khi làm ngoại giao văn hóa cần phải có chính sách và biện pháp như thế nào đối với vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

“Tôi cho rằng khái niệm bản sắc cần được hiểu đây vừa là cố định, vừa biến đổi và bổ sung qua thời gian, hoàn cảnh và hành trình trải nghiệm của dân tộc. Bản sắc phức tạp hơn và phức hợp hơn, nó như chuỗi giá trị, là sợi chỉ đỏ không đứt gãy, nhưng cái bao bọc xung quanh, hình thức bao bọc có thay đổi với thời đại. Chỉ cần có cái hồn dân tộc thì ta khẳng định bản sắc, không nhất thiết phải giữ nguyên một hình thức lỗi thời không phù hợp.

Cho nên ngoại giao văn hóa chính là một dạng “kim chỉ nam” về cách hội nhập. Bản sắc không nên hiểu theo cách xơ cứng, mà đó là cái hồn xuyên suốt với những cái bao bọc và hình thức sẽ uyển chuyển với thời gian, theo hoàn cảnh và địa điểm. Cộng đồng người Việt/gốc Việt ở nước ngoài cũng đóng góp cho việc phát huy và vun đắp thêm cho bản sắc Việt Nam”, theo bà Ninh.

Đọc thêm